Hạ tầng sản xuất tốt sẽ tạo thế cho địa phương khi lựa chọn dự án FDI

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên cả nước. Nhưng để phù hợp với đặc điểm của tình hình mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần hướng đến lựa chọn những doanh nghiệp FDI có thực lực kinh tế, có giá trị, có thương hiệu, sản phẩm không chỉ phục vụ riêng cho nước ta, mà còn tham gia giá trị toàn cầu.

Hạ tầng sản xuất tốt sẽ tạo thế cho địa phương khi lựa chọn dự án FDI
FDI đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên cả nước. Nguồn: internet

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 21,628 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn như hiện nay, thì việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam là một thông tin vui với nền kinh tế. Và trong điều kiện thắt chặt chi tiêu công và năng lực đầu tư của doanh nghiệp trong nước giảm, đây là nguồn vốn hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện mục tiêu về tổng mức đầu tư toàn xã hội đã đề ra. Nguồn vốn này cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành tích đạt kim ngạch xuất khẩu cao, giữ tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,6%, cung cấp việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Không thể phủ nhận vai trò của vốn FDI đối với nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Tuy nhiên, trong khi dòng vốn này vẫn tiếp tục đến và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế, thì lực lượng sản xuất, kinh doanh trong nước lại giảm. Và đây cũng là điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại. Thực tế, nếu năm 2000 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thì đến năm 2013 con số này chỉ còn 33%. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 47% lên 67%. Nói cách khác, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm lĩnh sản xuất trong nước.

Trong ngắn hạn, việc thặng dư thương mại dương và GDP tăng do tăng trưởng của khu vực FDI là điều tốt. Song cũng dễ nhận thấy, nhà đầu tư nước ngoài không để lại lợi nhuận ở nước ta, mà chuyển về nước đóng trụ sở chính. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2012, nước ta đạt thặng dư thương mại thì luồng tiền chi trả sở hữu thuần (chi trả sở hữu - thu nhập sở hữu) ra nước ngoài là 6,9 tỷ USD. Con số này trong năm 2013 ước lượng xấp xỉ khoảng 8 tỷ USD. Như vậy, không thể chỉ nhìn vào cái lợi nhỏ trước mắt, mà không nghĩ đến thiệt hại về lâu dài do đẩy nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Thu hút doanh nghiệp FDI ngoài mục tiêu góp phần tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, còn để tiếp nhận kinh nghiệm quản trị và công nghệ tiên tiến. Doanh nghiệp FDI cũng sẽ kích thích sự cạnh tranh, lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước. Theo Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh, hiện chưa có đủ bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy đã diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ vậy, một số địa phương đã đưa ra chính sách ưu đãi xé rào, ở mức thấp dưới ngưỡng cần thiết. Doanh nghiệp được tiền thuê đất trong khi địa phương phải trả tiền đền bù cho người dân khi xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất. Địa phương cũng không thu thuế từ doanh nghiệp nước ngoài trong 5 năm đầu tiên và chỉ thu ở mức 10% sau 5 năm tiếp theo, trong khi, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ta là 25%. Vậy nên thay vì doanh nghiệp nuôi địa phương, thì nay đang xảy ra tình trạng địa phương nuôi doanh nghiệp. Tận dụng giá năng lượng và nguồn nhân công giá rẻ, một số doanh nghiệp FDI đã đưa vào nước ta công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Thực trạng này được cho là do nước ta đã không đánh giá khả năng lan tỏa của các dự án đầu tư nước ngoài tới nền kinh tế, cả ở góc độ kỹ năng quản trị và chuyển giao công nghệ. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định, trong thời gian tới, sẽ hướng đến lựa chọn những doanh nghiệp FDI có thực lực kinh tế, có giá trị, có thương hiệu, sản phẩm không chỉ phục vụ riêng cho nước ta, mà còn tham gia giá trị toàn cầu. Việt Nam thu hút vốn FDI trên cơ sở doanh nghiệp phải đưa công nghệ tiên tiến vào, đặc biệt là công nghệ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, nước ta cũng đang đứng trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong việc thu hút vốn FDI. Báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 (PCI 2013) đã chỉ rõ, qua khảo sát đã có 54% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi lựa chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Trong khi đó, năm 2011 và 2012, tỷ lệ này chỉ là 32%. Nước ta có sức thu hút với những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, song lại kém thu hút hơn với doanh nghiệp công nghệ cao. Nói cách khác, nước ta đang giảm sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, nên yêu cầu tăng sức cạnh tranh cũng đang đặt ra.

Thông thường, khi sự cạnh tranh trong thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt hơn, thì sẽ phải đưa ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn và không thể kỹ càng trước các dự án. Nhưng có thể thấy, sức cạnh tranh của các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực được nâng cao không phải do đáp ứng tốt hơn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thủ tục hành chính thuận tiện, giảm chi phí phi chính thức hay sao? Với hạ tầng sản xuất tốt, nhiều quốc gia đã lựa chọn kỹ càng đối với các dự án FDI. Dự án chỉ được cấp phép đầu tư khi phù hợp với quy hoạch, năng lực tài chính bảo đảm và có khả năng lan tỏa.

Tại Kỳ họp thứ Bảy tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đây là một yếu tố giúp tăng sức cạnh tranh của nước ta đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận trong việc thu hút vốn FDI. Nhưng các địa phương chỉ có thế lựa chọn dự án khi có hạ tầng sản xuất tốt. Vì vậy, các cơ quan chức năng và địa phương cần xây dựng một chiến lược để thu hút vốn FDI sao cho thực sự hiệu quả và đó là động lực quan trọng để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.