Hai lợi ích lớn từ FTA Việt Nam – Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu
Ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước thuộc Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu, Việt Nam có thể gia tăng đáng kể xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư với 4 thành viên của khối EFTA.
Đáng chú ý là trước khi bước vào đàm phán FTA, EFTA đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, một dấu hiệu thiện chí của EFTA trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam.
Nhóm nước nhỏ, thị trường lớn
EFTA là khối thương mại gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Tuy dân số chỉ trên 13 triệu người nhưng các nước EFTA có GDP tới hơn 1.100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 58.000 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 700 tỷ USD.
EFTA là nhóm nước nhỏ nhưng quy mô thương mại quốc tế rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại châu Âu. Ngoài ra, EFTA, với mối liên kết chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU), còn là cầu nối và giúp Việt Nam có thêm kênh tiếp cận thị trường EU cũng như xuất khẩu sang các nước khác thuộc châu Âu.
Tuy không tham gia EU nhưng các nước này đều được hưởng quy chế thành viên thị trường chung EU. Trong đó, 3 nước là Nauy, Iceland và Liechtenstein liên kết với EU thông qua Thỏa ước về Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) có hiệu lực vào năm 1994, trong khi Thụy Sỹ liên kết với EU thông qua thỏa thuận song phương có hiệu lực vào năm 1999.
Hiện các nước EFTA xếp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đóng tàu, máy móc, thiết bị, dược phẩm…. Đặc biệt, EFTA là một trong những nguồn cung cấp vốn đầu tư trực tiếp lớn trên thế giới.
Tính đến nay, tổng vốn đầu tư ra nước của EFTA hiện lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Tỷ lệ đầu tư ra nước ngoài trên GDP của nhóm nước EFTA rất cao: Iceland 59%, Nauy 43% và Thụy Sỹ 164%. Đầu tư ra nước ngoài của EFTA tập trung vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhựa và hóa chất, dầu khí, chế tạo…
Trong nhóm nước EFTA, Thụy Sỹ, nền kinh tế lớn nhất sẽ là đối tác quan trọng nhất. Hiện Thụy Sĩ đầu tư 93 dự án với số vốn 1,9 tỷ USD ở Việt Nam. Thương mại Việt Nam - Thụy Sỹ (không tính vàng và đá quý) năm 2012 đạt trên 1 tỷ USD.
Cơ hội lớn cho hàng tiêu dùng, nông sản
Hai lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có được thông qua việc ký FTA với EFTA là tăng cường cơ hội xuất khẩu và gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp từ các nước này.
Về thương mại, hiện tại, các nước EFTA không phải là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng có rất nhiều tiềm năng để chúng ta tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2011, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,52% tổng kim ngạch nhập khẩu của EFTA với toàn bộ thế giới. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước EFTA hiện trên 2 tỷ USD.
Thời gian qua, thương mại Việt Nam - EFTA cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trung bình mức 2 con số. Nếu không tính vàng và đá quý, thương mại hai chiều Việt Nam – EFTA tăng trưởng 30%/năm.
Một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu của Việt Nam vào EFTA là mức thuế đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam tương đối cao, thuế suất tính theo giá trị trung bình gần 19%. Do đó, với việc ký FTA, hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất thấp cũng như có cơ chế tiếp cận thị trường các nước EFTA tốt hơn, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhiều nước khác.
Theo báo cáo nghiên cứu chung giữa Việt Nam và EFTA về tác động của FTA song phương, Việt Nam có thể gia tăng đáng kể xuất khẩu hàng công nghiệp tiêu dùng, nông sản, thực phẩm sang thị trường EFTA. Chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng nhưng theo các FTA mà EFTA đã ký, các nước EFTA đều cam kết đưa toàn bộ dòng thuế của nhóm hàng công nghiệp, chế tạo về mức 0%.
Về đầu tư, hiện đầu tư của EFTA vào Việt Nam còn nhỏ so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của khối này. Tính đến hết tháng 12/2012, các nước EFTA có 126 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn trên 2,1 tỷ USD. Trong đó, Thụy Sỹ chủ yếu đầu tư vào xây dựng, dược phẩm; Nauy đầu tư vào thủy sản, năng lượng tái tạo, dầu khí…
Theo các chuyên gia, với một FTA có nội dung tương đối toàn diện kể trên, Việt Nam sẽ trở thành một địa điểm quan trọng của dòng đầu tư ra nước ngoài của EFTA ,đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh như tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, chế tạo, dược phẩm, hàng hải…Bên cạnh lợi ích gia tăng về xuất khẩu vào thị trường EFTA và thu hút FDI từ nhóm nước này, Việt Nam còn có lợi ích lớn về khu vực dịch vụ với sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Với việc đàm phán và ký kết FTA với các nước EFTA, Việt Nam hoàn thiện chiến lược và củng cố cơ sở pháp lý cho hợp tác kinh tế với châu Âu cũng như tạo cơ chế tiếp cận thị trường thuận lợi cho doanh nghiệp ở châu Âu.