Hai mặt của bức tranh giá dầu giảm
(Tài chính) Việc giá dầu có thể đứng ở mức thấp trong một thời gian dài đang khiến một số nước vui mừng, song lại làm các nước phụ thuộc vào nguồn dầu khí xuất khẩu lo âu. Điều này gây tác động không nhỏ tới bức tranh địa chính trị hiện nay.
Giá dầu trên thị trường thế giới ngày 27.11 vẫn trên đà lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác của nhóm gồm 12 quốc gia thành viên này.
Giá dầu thô của Mỹ chỉ còn ở mức 68,11 USD/thùng trong khi giá dầu Brent Biển Bắc ở Anh chỉ ở mức 71,58 USD/thùng. Với mức giảm 8% này, giá của hai loại dầu thô chủ lực của thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8.2009. Như vậy, từ tháng 6 đến nay, giá loại nguyên liệu sống còn đối với các nền kinh tế đã giảm xấp xỉ 34% và riêng trong tháng 11 giảm 13%.
Các nhà phân tích cho rằng, các nước này vẫn có thể chịu được việc giá dầu giảm hiện nay, nhưng ảnh hưởng của nó đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế và xã hội sẽ rất lớn và kéo dài. Việc giá dầu giảm kéo dài sẽ buộc chính phủ các nước này phải cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến khu vực tư nhân và làm giảm lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng thương mại.
Lợi ích tài chính dành cho người lao động dưới hình thức tăng lương và trợ cấp xã hội đương nhiên bị ảnh hưởng, mà hậu quả của việc này là vô cùng. Giới chuyên gia cảnh báo, giá dầu Brent có thể giảm xuống mức 60 USD/thùng, nếu OPEC tiếp tục không cắt giảm sản lượng khai thác 30,66 triệu thùng/ngày như hiện nay. Khi đó, thị trường sẽ hoài nghi về sự tin cậy của OPEC cũng như ảnh hưởng của tổ chức này đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Thực tế giá dầu thấp bất thường đang làm dấy lên nhiều câu hỏi và khiến kẻ khóc người cười. Là mặt hàng chiến lược, giá dầu giảm liên tục tất yếu dẫn tới một cuộc chiến chính trị sử dụng dầu lửa làm vũ khí. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi gồm cả những nước nhập khẩu và những nước xuất khẩu dầu mỏ nên những mâu thuẫn về lợi ích xuất phát từ việc giá dầu hạ có nguy cơ gây ra căng thẳng mới trong khu vực.
Các nước sản xuất dầu mỏ trong khu vực như Iran hay Algeria cũng bị ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Nếu những ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến sự rối loạn trong xã hội thì sự bất ổn dễ lây lan này có khả năng biến thành những cuộc cách mạng mới. Các nhà phân tích lo ngại rằng việc giảm giá dầu sẽ là một thứ vũ khí chính trị nhằm gây bất ổn tại một số nước.
Trong khi đó, nếu các nước xuất khẩu dầu mỏ mất trắng nhiều tỷ USD giá dầu giảm, thì những nước nhập khẩu dầu lại hưởng lợi, nhất là các nước ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi như Ai Cập, Tunisia, Marocco, Jordan và Lebanon, tiếp đến là các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu và một số nước châu Á.
Ai Cập đứng đầu danh sách các nước được lợi nhờ giảm bớt tiền nhập dầu mỏ, tiếp đến là Tunisia. Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt, khoản lợi của các nước này có thể sẽ bị hạn chế khi giá dầu giảm làm giảm bớt khả năng của các nước vùng Vịnh trong việc giúp đỡ, viện trợ và đầu tư vào các nền kinh tế của các đồng minh trong khu vực, bao gồm Ai Cập, Jordan và Lebanon.
Theo một cuộc thăm dò quy mô toàn cầu do hãng Bloomberg tiến hành vào tuần trước, Nga, quốc gia có nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí chiếm tới 50% ngân sách, sẽ là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất. Tác động kết hợp của tình trạng giá dầu xuống thấp và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu có thể gây ra một thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài đối với kinh tế Nga.
Trong khi đó, sự bùng nổ về sản lượng dầu khí của Mỹ đã giúp tăng uy tín của nước này, vốn bị suy giảm bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ thị trường nhà ở của Mỹ. Cũng theo kết quả thăm dò với các nhà đầu tư, các nhà phân tích và khách hàng của Bloomberg vào ngày 11-12/11 vừa qua, Mỹ đang nổi lên như một quốc gia giành thắng lợi lớn. Sự độc lập về năng lượng có nghĩa rằng Mỹ sẽ bớt phải đối phó với khả năng gián đoạn nguồn cung từ nước ngoài. Khả năng độc lập về năng lượng còn tạo đòn bẩy cho Mỹ trong đàm phán quốc tế.
Về phía Trung Quốc, nước này cũng được hưởng lợi nhiều từ tình trạng giá dầu xuống thấp, do phải nhập khẩu tới 60% nhu cầu về dầu mỏ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể sẽ tận dụng khoản tiền dôi ra để tăng dự trữ dầu mỏ. Giá dầu thấp còn tạo thêm lợi thế cho Trung Quốc trong quan hệ với Nga.