Hải quan Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn của DN
Sáng 23-8, Cục Hải quan Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại Hải quan-DN. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Hà Nội cùng gần 50 DN đại diện cho các DN tham gia hoạt động XNK trên địa bàn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho DN
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Lê Ngọc Khiêm cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, giới thiệu văn bản mới trong lĩnh vực XNK; giải đáp các vướng mắc của cộng đồng DN theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, giúp cộng đồng DN nắm rõ hơn các quy định mới trong lĩnh vực hải quan, cũng như nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hải quan.
Vì vậy, chủ đề của hội nghị năm nay là tập trung “Tháo gỡ khó khăn của DN”. Để làm tốt được việc này, theo Phó Cục trưởng Lê Ngọc Khiêm, phải xuất phát từ hai phía: Hải quan và DN. Về phía DN cần nắm vững và tuân thủ pháp luật hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế đúng pháp luật, hợp tác với hải quan trong giải quyết công việc, hưởng ứng các chủ trương cải cách hiện đại hóa hải quan, đóng góp ý kiến để cơ quan Hải quan nâng cao chất lượng phục vụ.
Cục Hải quan Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách hành chính, củng cố hệ thống phần mềm hải quan điện tử để đơn giản, thông thoáng hơn; phối hợp với các đơn vị có liên quan để tăng số lượng DN ưu tiên; báo cáo cấp có thẩm quyền để áp dụng thí điểm quy chế thỏa thuận trước về áp mã, giá đối với một số DN đầu tư trên địa bàn với một số loại hàng hóa.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Cục Hải quan Hà Nội tiếp tục triển khai có hiệu quả thu NSNN qua ngân hàng theo thỏa thuận giữa Hải quan và ngân hàng thương mại có đủ điều kiện…
Với phương châm “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả”, coi DN là đối tác hợp tác, qua hội nghị này, Phó Cục trưởng Lê Ngọc Khiêm khẳng định, Cục Hải quan Hà Nội sẽ giải quyết những vướng mắc của DN trong thẩm quyền của Cục và đề xuất hướng giải quyết với cấp trên các khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền và trả lời cho DN trong thời gian sớm nhất.
Gỡ vướng về thủ tục
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục và lãnh đạo các phòng, ban thuộc Cục Hải quan Hà Nội đã trả lời những vướng mắc của DN liên quan đến chính sách, thủ tục hải quan.
Các câu hỏi của DN phần lớn tập trung về thủ tục NK một số mặt hàng đặc thù; vướng mắc về chính sách thuế đối với các loại hình kinh doanh và kiến nghị về đường truyền khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử cần được ổn định hơn...
Phản ánh vướng mắc về thuế bảo vệ môi trường, theo Công ty Panasonic SystemNetwork Việt Nam, công văn 9048/BTC-CST năm 2012 của Bộ Tài chính về thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), DN nội địa sản xuất các loại túi ni lông bán cho DN chế xuất (DNCX) thì DN nội địa sẽ phải khai và nộp thuế BVMT, còn DNCX thì không phải khai và nộp thuế BVMT đối với túi ni lông. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty nội địa sản xuất khi phải nộp thuế BVMT đương nhiên họ không thể trả số tiền này, họ tính số thuế này vào giá thành khi bán cho DNCX.
Vì vậy, các DNCX phải nộp thuế gián tiếp với mức đơn giá mua vào cao hơn rất nhiều để hoàn trả loại số thuế này cho công ty sản xuất nội địa. Công ty đã phát sinh thêm khoản chi phí lên tới 10.000 đến 15.000 USD/tháng trong khi DNCX mua túi ni lông để sản xuất XK. Vì vậy, Công ty đề nghị miễn thuế BVMT phần xuất cho DNCX để sản xuất XK.
Trả lời vướng mắc của DN, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn về thuế BVMT đối với túi ni lông và đang lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành; trong đó có giải quyết vướng mắc đối với túi ni lông NK bao gói để SXXK. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn khác, đề nghị Công ty thực hiện theo đúng quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn.
Đối với trường hợp của Công ty TNHH công nghiệp chính xác Việt Nam I, NK một dây chuyền sơn đồng bộ. Do dây chuyền sơn này có khối lượng lớn, nên phải nhập thành nhiều lần; trong dây chuyền gồm nhiều máy nhỏ nên việc áp mã HS sẽ theo máy chính hay máy phụ và để được áp đồng bộ của máy chính thì DN phải cung cấp những giấy tờ gì khi NK? Cục Hải quan Hà Nội cho biết, thủ tục kê khai, phân loại, tính thuế đối với máy móc, thiết bị thuộc các Chương 84 và 85 của Biểu thuế NK ưu đãi là tổ hợp dây chuyền đáp ứng chú giải 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, thực hiện theo Điều 97 Thông tư 194/2010/TT-BTC năm 2010 của Bộ Tài chính. Trong đó đã quy định cụ thể hồ sơ, tài liệu DN phải xuất trình để được phân loại theo máy chính.
Tại hội nghị lần này, ngoài việc giải đáp những vướng mắc của các DN đã gửi đến từ trước, Cục Hải quan Hà Nội cũng đã trực tiếp nhận và trả lời những câu hỏi của đại diện các DN có mặt và phản ánh tại hội nghị.