Hải quan Việt Nam 68 năm xây dựng và trưởng thành
(Tài chính) Chỉ 8 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được khai sinh, Hải quan Việt Nam, tiền thân là Sở Thuế quan và Thuế gián thu, đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh thành lập số 27/SL vào ngày 10/9/1945. Trải qua 68 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam ngày nay đang đổi mới không ngừng, phấn đấu dần trở thành cơ quan hải quan hiện đại ngang tầm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Việc thành lập Sở thuế quan và Thuế gián thu ngay sau khi thành lập Nhà nước cách mạng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam độc lập, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành thuế quan cách mạng lúc đó và ngành Hải quan ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Từ khi thành lập đến nay, tuy yêu cầu cụ thể trong từng thời điểm lịch sử khác nhau, ngành Hải quan luôn tuân thủ tuyệt đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
Trong 68 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Hải quan luôn được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao về vai trò, trách nhiệm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và tạo mọi điều kiện để ngành Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những cố gắng và thành tích đạt được, Hải quan Việt Nam đã 02 lần được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác. Toàn ngành đã có 04 tập thể và 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố mới tích cực, nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 ngành Hải quan phải xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu có trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Năm 2013 là năm vô cùng quan trọng, có tính chất bản lề để ngành Hải quan huy động lực lượng và nguồn lực, tạo nền tảng phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra vào năm 2015. Cụ thể, đến năm đến 2015, Ngành phải đạt được một số chỉ tiêu cụ thể sau:
+ Có 100% các Cục Hải quan, 100% các Chi cục Hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60% doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT);
+ Thời gian thông quan hàng hóa bằng với mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm 2010;
+ Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa dưới 10%;
+ Tỷ lệ các giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia là 50%;
+ Tập trung hóa xử lý dữ liệu điện tử của hệ thống thông quan hải quan vào năm 2015. (Trích Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 tại Quyết định số 448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2011).
Tính đến ngày 15/5/2013, 34/34 Cục Hải quan với 132 Chi cục Hải quan đã triển khai TTHQĐT, trong đó 22 Cục Hải quan đã triển khai 100% tại các Chi cục trực thuộc. Tổng số có 36,8 nghìn DN tham gia thực hiện TTHQĐT (chiếm 93,8% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên toàn quốc), với tổng số tờ khai lên tới 2,04 triệu tờ (chiếm 90% số lượng tờ khai XNK của cả nước với kim ngạch XNK đạt 95,72 tỷ USD, chiếm 93,4% tổng kim ngạch XNK cả nước). Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia cũng đang được triển khai, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Nhật Bản tài trợ được xúc tiến thực hiện…
Thế nhưng, bối cảnh thế giới năm 2013 vẫn còn rất nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm. Trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do vấn đề nợ xấu, thanh khoản của các ngân hàng thương mại, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế và tiêu dùng trong nước thấp...
Trước tình hình đó, bên cạnh việc thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, ngành Hải quan đang tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng lực lượng và đặc biệt là đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan. Cụ thể, Ngành đã hoàn thiện dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, sớm trình Quốc hội thông qua để tạo nền tảng cho một cuộc đổi mới toàn diện trong hoạt động hải quan.
Luật Hải quan sửa đổi - nền tảng đổi mới toàn diện hoạt động hải quan. Nguồn: customs.gov.vn
Từ nay đến tháng 4/2014, Hải quan Việt Nam đang dốc toàn bộ lực lượng và trí tuệ để tiếp nhận và vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS - một hệ thống mà khi được triển khai trên thực tế sẽ giúp toàn Ngành đổi mới phương thức quản lý, thực hiện thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa theo chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, toàn Ngành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện TTHQĐT; tăng hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro; mở rộng kết nối trao đổi thông tin với Kho bạc về thu ngân sách; nhanh chóng triển khai công tác kiểm tra sau thông quan đối với TTHQĐT, đảm bảo nguyên tắc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tiếp tục triển khai Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tăng cường năng lực quản lý rủi ro; đảm bảo kinh phí và tiến độ trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị hiện đại phục vụ hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
DN từ chỗ là đối tượng bị quản lý đã trở thành đối tác của Hải quan.Nguồn: customs.gov.vn