"Hái trái ngọt" từ cổ phiếu quỹ
Đi kèm với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua là giá của nhiều cổ phiếu đạt đỉnh cao. Nhiều công ty lãi đậm nhờ “mua đáy, bán đỉnh” cổ phiếu quỹ.
Tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên hồi đầu năm, thị giá nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, đã có rất nhiều doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Động thái này được coi là một “đơn thuốc” khẩn cấp để cứu giá cổ phiếu, đồng thời tăng “kháng thể” cho doanh nghiệp nhằm phòng ngừa nguy cơ bị thâu tóm.
Gặt hái từ khoản đầu tư
Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã: DIC) vừa thông báo đã bán ra toàn bộ 8,26 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Giao dịch được thực hiện ngày 2/12/2020 theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 21.700 đồng/cp, tương đương tổng giá trị 179 tỷ đồng.
Đây là số cổ phiếu mà DIC Corp đã mua vào hồi tháng 4 với tổng giá trị chỉ hơn 90 tỷ đồng trong bối cảnh cổ phiếu của công ty giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Như vậy, sau khoảng 8 tháng nắm giữ, DIC Corp đã ghi nhận khoản lợi nhuận gần gấp đôi, giúp công ty có thêm gần 90 tỷ đồng thặng dư, gần bằng mức lợi nhuận của cả quý III.
Cổ phiếu liên tục tăng giá cũng khiến CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) thông qua việc bán toàn bộ 310.099 cổ phiếu quỹ. Theo giá trị trên Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của công ty, lượng cổ phiếu này có giá trị gần 11,7 tỷ đồng (bình quân 38.000 đồng/cp).
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, cổ phiếu VNM đang giao dịch tại mức giá 112.800 đồng/cp. Nếu bán hết số cổ phiếu quỹ nói trên tại mức giá này, Vinamilk sẽ thu về gần 35 tỷ đồng, lãi gấp 3 lần so với giá mua.
Một đơn vị trực thuộc Vinamilk là GTNfoods (mã: GTN) cũng vừa thông qua Nghị quyết bán hết 1 triệu cổ phiếu quỹ có giá gốc là hơn 14,36 tỷ đồng. Nếu bán thành công lượng cổ phiếu quỹ đăng ký với giá thị trường của thời điểm hiện tại là 26.350 đồng/cp, GTNfoods sẽ thu về hơn 26,3 tỷ đồng, tương đãi lãi gần 12 tỷ đồng.
Không nằm ngoài xu thế, CTCP Fecon (mã: FCN) cũng đăng ký bán hơn 1,5 triệu cổ phiếu quỹ mua hồi tháng 5. Đến nay, giá cổ phiếu FCN đã tăng 44% so với thời điểm đó, dự kiến Fecon có thể thu về khoản lãi khoảng hơn 4,3 tỷ đồng.
Hay như CTCP Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) đã thông qua Nghị quyết bán hết 134.270 cổ phiếu quỹ mua từ đầu năm 2019 với mức giá bình quân là 16.600 đồng/cp.
Hiện, cổ phiếu HAX liên tục lập đỉnh mới, đang giao dịch tại vùng giá 18.300 đồng/cp, giúp Haxaco thu về hơn 2,45 tỷ đồng với mức lãi có được là 220 triệu đồng.
Món quà của doanh nghiệp
Thực tế, việc mua cổ phiếu quỹ ở mức giá thấp, đặc biệt là khi mức giá đó bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý, trong ngắn hạn có thể giúp doanh nghiệp trấn an cổ đông, thông qua hành động cụ thể rằng cổ phiếu đã đủ hấp dẫn. Về dài hạn, khi cổ phiếu có thể đạt lại được những mức cao trước đây, doanh nghiệp có cơ hội thu được thặng dư khi bán ra trở lại.
Tuy nhiên, ngay cả khi cổ phiếu đang trên đà tăng giá, vẫn có những doanh nghiệp thực hiện mua vào cổ phiếu quỹ.
Điển hình như, HĐQT CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã: TLH) vừa gây xôn xao giới đầu tư tài chính khi thông qua kế hoạch mua lại 5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong vùng giá từ 6.000-10.000 đồng/cp.
Hiện, Thép Tiến Lên đang nắm 1,46 triệu cổ phiếu quỹ (mua từ năm 2015, trị giá gần 9 tỷ đồng). Mục tiêu mua cổ phiếu quỹ, theo HĐQT công ty, là bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường. Cổ phiếu TLH đang được giao dịch trên thị trường ở vùng giá 6.200 đồng/cp, tăng 51% kể từ đầu tháng 11.
Tương tự, tại cuộc họp vừa qua, HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons cũng quyết định mua vào 4,9 triệu cổ phiếu CTD, tương đương 6,18% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Đây có thể được xem là đợt mua cổ phiếu quỹ với khối lượng đăng ký mua lớn nhất. Đáng chú ý, bên cạnh việc gia tăng lợi ích cho cổ đông khi sự gia tăng của lực cầu có thể hỗ trợ giá cổ phiếu, đợt mua lần này còn có mục đích chuẩn bị nguồn cổ phiếu cho đợt phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP.
Việc mua cổ phiếu quỹ này diễn ra trong bối cảnh kể từ 1/1/2021, theo quy định mới của Luật Chứng khoán, cổ phiếu quỹ sẽ không còn là “của để dành” của doanh nghiệp, khi phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ theo giá trị số cổ phần mua lại tính theo mệnh giá trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn thành thanh toán.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán cũng đề cập điều khoản chuyển tiếp liên quan đến các doanh nghiệp đã mua cổ phiếu quỹ từ trước. Việc xử lý số cổ phiếu quỹ đã mua trước đó vẫn được phép thực hiện, nhưng cho đến khi hoàn thành, công ty sẽ không được mua thêm cổ phiếu quỹ.
Trước đó, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã: NTL) đã chủ động giảm vốn điều lệ từ tháng 8/2020 bằng cách hủy toàn bộ 2,6 triệu cổ phiếu quỹ. Ngoài quy mô vốn điều lệ giảm còn gần 609 tỷ đồng, thì thặng dư vốn cổ phần còn giảm gần 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với việc lợi nhuận tăng mạnh, đây cũng là nguyên nhân giúp thu nhập ròng mỗi cổ phiếu (EPS) cao gấp 3,7 lần cùng kỳ.
Do vậy, dẫu là bằng cách nào thì với các giao dịch cổ phiếu quỹ vẫn được xem là “trái ngọt”, bởi nếu không tính đến trường hợp rủi ro, dù là với mục đích gì thì đây vẫn là giao dịch mang lại giá trị cao hơn cho mỗi cổ phần.