Ham trái cây ngoại dễ dính bẫy lừa

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Hiện nay vì lợi nhuận và tâm lý sính ngoại, nhiều người đang nhập hoa quả kém chất lượng về dán nhãn mác Thái Lan. Hoa quả Thái Lan vượt Trung Quốc vì ngày càng được lòng người tiêu dùng.

Hoa quả ngoại chưa hẳn đã an toàn. Nguồn: Internet
Hoa quả ngoại chưa hẳn đã an toàn. Nguồn: Internet

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2017 đạt 142 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 11 tháng năm 2017 đạt 1,41 tỷ USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 294 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ 2016 và mặt hàng quả đạt 1,09 tỷ USD, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Người Việt chuộng hoa quả Thái?

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 10 tháng năm 2017 là Thái Lan (chiếm 57,1% thị phần). Hoa quả Thái Lan vượt Trung Quốc vì ngày càng được lòng người tiêu dùng. 

Trước đó, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, Việt Nam đã chi khoảng 1,2 tỷ USD nhập rau quả các loại từ các thị trường. Riêng thị trường Thái Lan, Việt Nam chi hơn 721 triệu USD để nhập rau quả. Rau quả Thái hiện đang chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau quả về Việt Nam.

Về phân phối, rau quả Thái Lan nhập khẩu được bán ở nhiều chợ, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm rau quả trên khắp cả nước. Các loại rau quả Thái được xem là đối thủ cạnh tranh với rau quả Việt Nam và là sản phẩm thay thế rau quả Trung Quốc vốn bị coi là phẩm cấp thấp, không an toàn.

Tuy nhiên, ngày 25/11, Tờ Bangkok Post đã đưa tin, hơn 64% rau quả của nước này không an toàn do thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại thủ đô Băng Cốc và 4 địa phương khác. 

Cụ thể, theo Bangkok Post, mạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) - một tổ chức phi chính phủ đã tiến hành khảo sát 9 loại rau và 6 loại trái cây ở thủ đô Băng Cốc và 4 tỉnh khác vào cuối tháng 8/2017, cho thấy kết quả hơn 64% của 13 sản phẩm không an toàn vì chứa chất độc hại vượt giới hạn và dư lượng cho phép, trong đó điển hình là: Cải xoắn lá, rau má, đu đủ, dứa, nho…

Theo Thai-PAN, hơn 60% rau quả phổ biến được lấy mẫu đang bán tại các khu mua sắm, chợ tại Thái Lan bị ô nhiễm bởi một loại thuốc trừ sâu mà nông dân sử dụng để tăng năng suất, bảo đảm bán được hàng. 

Thông tin trên khiến nhiều người tiêu dùng Việt lo lắng, vì hiện Việt Nam nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Thái Lan. Nhất là khi, đa phần người Việt thường chọn mua rau quả Thái Lan ở các cửa hàng bán lẻ, các xe thồ di động ngoài đường...

Chị Hương - chủ một sạp hoa quả (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết hiện hơn một nửa sạp hoa quả của chị là hàng Thái, như xoài, nhãn, mít, táo... 

Giá các loại hoa quả Thái dao động trong khoảng 20.000 - 50.000 đồng/kg. Có loại giá thấp hơn hoa quả Việt Nam, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. “Nhiều người Việt có tâm lý sính ngoại, do vậy nếu giá không đắt lắm, họ sẽ chọn mua hoa quả nhập khẩu hơn là hoa quả trong nước”, chị Hương cho biết. 

Dễ bị sập bẫy 

Chị Thanh Loan (Trần Duy Hưng, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị rất chuộng trái cây Thái Lan. Vì vậy, trước thông tin hoa quả bán tại Thái Lan không an toàn, chị cảm thấy khá hoang mang. “Nếu so giữa hàng Trung Quốc và Thái Lan, tất nhiên tôi sẽ chọn Thái Lan vì cho rằng chất lượng sản phẩm bảo đảm hơn”.

Trên thực tế, theo cơ quan chức năng, chưa phát hiện thấy việc hoa quả Thái nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam có tồn dư chất bảo vệ thực vật. Song việc hoa quả Thái được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch có an toàn hay không chưa chắc chắn. Chưa kể, hiện nay vì lợi nhuận và tâm lý sính ngoại, nhiều người đang nhập hoa quả kém chất lượng về dán nhãn mác Thái Lan. 

Thực tế hiện nay, không riêng gì hoa quả nhập khẩu từ Thái Lan đang khá nhập nhèm, mà hiện nhiều loại hoa quả ngoại cũng đang bị người bán đánh tráo nguồn gốc xuất xứ. Nhiều chủ buôn hoa quả thậm chí đang nhập trái cây Trung Quốc, song mua nhãn mác nước khác về gắn và bán giá trên trời. 

Một chủ buôn hoa quả tại chợ Long Biên tiết lộ: “Những loại hoa quả dễ tráo đổi nguồn gốc nhất thường là táo, nho, cam, lê… Sau khi đổi nhãn mác, giá trị có thể tăng lên vài lần”.

Trước “ma trận” nhập nhèm trên, chị Quỳnh (Gia Lâm, Hà Nội), chia sẻ, nhờ mối quen biết, chị trực tiếp mua được hoa quả tại sân bay khi hàng được chuyển về Việt Nam.

“Dù giá cả có đắt hơn một chút, nhưng mua hàng như vậy cũng an ủi được một phần về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bởi thực tế các cửa hàng kinh doanh hoa quả hiện nay rất nhập nhèm về nguồn gốc sản phẩm, nên không thể tin nổi. Thậm chí, cũng với một loại hoa quả nhưng giá bán trong cửa hàng gấp đôi giá bán tại chợ, chưa kể chất lượng thả nổi”, chị Quỳnh cho biết.