Hàng hóa Thái Lan tràn vào Việt Nam: thách thức doanh nghiệp nội
(Tài chính) Những năm gần đây, bản đồ thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn những cái tên đến từ quốc gia láng giềng Thái Lan, trong cả khu vực đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như trên thị trường mua bán – sáp nhập (M&A). Cuộc thâm nhập và phổ biến của hàng hóa và các hệ thống bán lẻ Thái Lan một lần nữa đặt doanh nghiệp Việt trước bài toán cạnh tranh ngày càng gay gắt trên chính sân nhà.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau hàng Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt hàng điện tử, điện lạnh chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, dù Việt Nam có thế mạnh về sản xuất trái cây, nhưng hiện tại, hoa quả có xuất xứ từ Thái Lan hiện đã chiếm khoảng 40% thị phần.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 1,37 tỷ USD, năm 2013 Việt Nam cũng nhập siêu từ thị trường này là 3,2 tỷ USD. Với tình hình chung khi nhu cầu tiêu dùng hàng Thái đang tăng mạnh, ước tính 6 tháng còn lại, nhập siêu sẽ lớn hơn vì cuối năm mới là thời cao điểm hàng hóa và mua sắm.
Không chỉ hiện diện trong hệ thống chợ truyền thống, hàng Thái đang từng bước thâm nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Đại diện hệ thống siêu thị Big C nhìn nhận, xu hướng chuyển sang dùng hàng Thái bắt đầu rõ nét từ năm 2009, Big C cũng thay thế dần hàng Trung Quốc sang nhập khẩu hàng Thái Lan với các mặt hàng bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm.
Điểm lợi thế trong cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và chất lượng đảm bảo. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan như: dầu gội, sữa tắm, hóa mỹ phẩm đang được rất nhiều người tiêu dùng sính chẳng khác gì đồ Nhật. Họ hoàn toàn tin tưởng ở những thương hiệu hàng Thái mặc dù chỉ là hàng xách tay.
Doanh nghiệp (DN) Thái đang đầu tư 'khủng' vào Việt Nam
Không ít tập đoàn lớn của Thái Lan đang có lượng tiền mặt dồi dào và muốn tìm kiếm địa chỉ đầu tư trong khu vực, khi thị trường nội địa dần chật hẹp. Sự chuyển hướng này dẫn tới các vụ M&A hay dự án FDI lớn tại Việt Nam vừa qua.
Từ giữa năm 2012, Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa của Thái Lan và có liên hệ với một đại gia khác của nước này là Tập đoàn Siam Cement (SCG - kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng) gây bất ngờ cho giới đầu tư khi hoàn tất việc nắm 22,7% cổ phần của Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP) và 16,7% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP). Đây là 2 công ty chiếm lĩnh thị trường ống nhựa ngoài Bắc và trong Nam. Cũng trong lĩnh vực này, Prime Group - ông lớn nắm 20% thị phần gạch Việt Nam cũng bị SCG mua lại 85% cổ phần.
Ngành bán lẻ của Việt Nam hiện cũng thu hút nhà đầu tư Thái Lan. Bà Busaba Butrat, Tham tán thương mại Sứ quán Thái Lan nhận xét, thị trường Việt Nam đang rất thu hút các các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước này do lợi thế dân số trẻ, có khả năng chi tiêu dùng ngay. “Một số hãng siêu thị lớn đang tìm hiểu và đánh giá thị trường Việt Nam rất hấp dẫn để đầu tư”, bà nói. Điều này được thể hiện qua việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của người giàu thứ ba Thái Lan (theo số liệu của Forbes) - ông Charoen Sirivadhanabhakdi vừa chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam hồi tháng 8/2014. Đây được coi là vụ mua bán – sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD. Trước đó, BJC đã hợp tác với một hệ thống bán lẻ khác là Family Mart sau khi đối tác Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi liên doanh này. Hệ thống sau đó đã được đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC. Trước thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD của BJC, báo chí nước ngoài cũng đưa tin người giàu thứ hai Thái Lan, Chủ tịch Tập đoàn CP Group Dhanin Chearavanont ra giá 500 triệu USD để thâu tóm Metro Việt Nam song đã bị từ chối. Dù bất thành, CP Group vẫn tỏ tham vọng thâm nhập sâu hơn vào hệ thống bán lẻ, phân phối của Việt Nam.
Ngoài hai đại gia muốn mua lại hệ thống siêu thị, người giàu nhất Thái Lan theo xếp hạng của Forbes mới đây, gia đình Chirathivat - chủ hệ thống bán lẻ Central Group trong tháng 4/2014 đã mở một trung tâm mua sắm tại Hà Nội, mang tên Robins. Bên cạnh đó, ông chủ này cũng tham vọng cuối năm nay sẽ mở trung tâm thứ hai (ước tính rộng 1000 m2) có tên Crescent Mall tại TP HCM chỉ để bán các thương hiệu của hàng Thái tại Việt Nam. Ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central Group đánh giá Việt Nam là thị trường bán lẻ tiềm năng lớn với 90 triệu dân, trong đó 60% ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. “Việt Nam đã và đang trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có Thái Lan”, vị này cho biết.
Không chỉ nổi lên với các thương vụ góp vốn, mua cổ phần theo dạng M&A, nhà đầu tư Thái Lan còn đổ hàng tỷ USD theo hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) vào ngành năng lượng Việt Nam, vốn trước giờ là lãnh địa của các tập đoàn Nhà nước. Chẳng hạn, Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án lọc hóa dầu tại Bình Định, vốn đầu tư có thể lên tới 30 tỷ USD. Nếu được hoàn thành, đây sẽ là dự án FDI lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Hay mới đây, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) cũng tuyên bố xây nhà máy nhiệt điện hơn 2 tỷ USD tại Quảng Trị.
Như vậy, có thể thấy Thái Lan đang dồn dập đổ vốn vào các lĩnh vực năng lượng, sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc nguồn lực ở đâu khiến nhà đầu tư đến từ xứ chùa Vàng liên tiếp tham gia vào các dự án khủng như trên.
Mối nguy cho hàng Việt
Có nhiều ý kiến của các DN nhập khẩu cho rằng: Việc hàng hóa Thái Lan hay Singapore, Malaysia vào Việt Nam là chuyện rất bình thường, nó là một biểu hiện của xu hướng toàn cầu hóa, lan tỏa của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ký kết. Tuy nhiên, dưới góc độ là chuyên gia dự báo, TS. Lê Đăng Doanh ví von: “Thị trường trong nước là cái móng, móng có vững, nhà mới khỏe, lúc đó mới có thể làm thêm các tầng. Độ phủ của hàng Thái đang dấy lên nhiều lo ngại cho hàng Việt và DN Việt. Dù trong sân chơi hội nhập, chúng ta phải chấp nhận và tìm hướng đi, nhưng nếu cứ để hàng Thái tiếp tục lấn át, DN Việt sẽ không thể nói được chuyện hướng ra xuất khẩu được nữa”.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo: “Chẳng bao lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ nhanh chóng thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt trong tương lai không xa nếu các DN Việt Nam không đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối…”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), sở dĩ hàng Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam là do chính phủ nước này luôn thực hiện các chương trình hỗ trợ DN thực hiện các đợt xúc tiến thương mại, đưa hàng ra nước ngoài. Việc Bộ Thương mại Thái Lan liên tục tổ chức Triển lãm hàng Thái Lan trong 12 năm qua tại Việt Nam là minh chứng rõ nét về hoạt động hỗ trợ DN nước này tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích là bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt từ 10 - 20% và rẻ bằng nửa so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Trong khi đó, sản phẩm do các DN trong nước sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng ở mức trung bình nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp, còn hàng Thái Lan đáp ứng được cho mọi đối tượng thu nhập từ thấp đến cao.
Bên cạnh đó, việc DN trong nước hiện chưa thực sự chú trọng hoạt động phân phối, tiếp thị, xây dựng thống bán lẻ cũng như cơ chế ưu đãi, khuyến khích dài hạn cho nhà phân phối cũng đã tạo điều kiện cho DN Thái Lan thâm nhập thị trường. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2013, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Thái Lan lên đến 3,2 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2014 lên đến 1,37 tỷ USD. Đáng chú ý là trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ Thái Lan, hàng tiêu dùng chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Theo các chuyên gia, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.
Một lãnh đạo Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết doanh nghiệp từ lâu đã có chủ trương tổ chức hệ thống này, đặc biệt là quan tâm đến thiết kế nhằm tạo cá tính riêng cho sản phẩm. "Các đơn vị nước ngoài mạnh hơn về tài chính và kinh nghiệm nên doanh nghiệp nội phải tự tìm đường đi cho mình", ông nhấn mạnh. Việc người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng hơn là tìm đến những hàng rẻ, khuyến mãi nhưng không rõ xuất xứ cũng là điều cần quan tâm. "Nên tập trung vào những mặt hàng có chất lượng, bên cạnh yếu tố giá cả. Doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng mới có thể cạnh tranh được", ông nói.
Bên cạnh đó, việc mở rộng các kênh phân phối do tự thân doanh nghiệp làm chủ cũng được xem là hướng đi khôn ngoan để hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng và củng cố thương hiệu.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội khuyến nghị đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phải làm lâu dài và tích cực hơn trong thời gian tới. Ông Phú kỳ vọng đến năm 2020, thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối phải chiếm 80-90%. "Người dân rất thích dùng hàng Việt nếu chất lượng và giá cả cạnh tranh tốt trên thị trường. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ cũng phải được quan tâm", vị này nhấn mạnh.