Hàng không Trung Quốc nếm trái đắng vì mở rộng ồ ạt

Theo Dân Trí

Xây dựng sân bay ồ ạt nhằm mục đích kích thích tăng trưởng GDP mà không tính tới hiệu quả kinh tế, ngành hàng không Trung Quốc đang đối diện với thua lỗ nặng nề khi các sân bay lâm vào cảnh đìu hiu.

Hàng không Trung Quốc nếm trái đắng vì mở rộng ồ ạt
Trong những năm trở lại đây, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đều đua nhau xây dựng sân bay. Theo tờ 21st Century Business Herald, tỉnh Hồ Bắc vừa thông qua kế hoạch xây dựng 9 sân bay dân sự còn tỉnh Hồ Nam dự kiến có thêm 21 sân bay hỗn hợp trước năm 2030.

Việc chạy đua xây dựng sân bay mà không tính tới hiệu quả kinh tế đang để lại những hậu quả nhãn tiền. Theo Xie Yifeng, giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển bất động sản của Urban Real Estate, có tới 80% các sân bay nội địa tại các tỉnh miền trung và phía Tây Trung Quốc đang thua lỗ do không có trợ cấp từ chính phủ. Tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Các nhân viên làm việc tại Hội đồng sân bay cũng cho biết lợi nhuận đã không được tính đến trong quá trình xây dựng những sân bay này. “Mục đích chính của chúng là kích thích tăng trưởng GDP”, ông Xie nhận định.

Kể từ đầu năm nay Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phê duyệt việc xây mới hoặc mở rộng 24 sân bay dân sự với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ nhân dân tệ, tương đương 15,9 tỷ USD.

Ông Li Jiaxiang, người đứng đầu Cục hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết đầu tư vào hạ tầng ngành hàng không sẽ đạt 425 tỷ nhân dân tệ trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12. 56 sân bay mới đã được lên kế hoạch xây dựng, 16 sân bay được di dời và các khu vực xung quanh 91 sân bay sẽ được mở rộng. “Hầu hết các dự án đều nằm ở khu vực miền Trung và phía Tây”, ông Li nói.

“Do lượng hành khách các thành phố miền Trung và phía Tây thấp hơn nhiều ở những thành phố lớn, rất nhiều tuyến đường bay không hề có thị trường”, một lãnh đạo của sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh cho biết. “Theo phân tích của viện nghiên cứu quốc tế, tỷ suất đầu vào/đầu ra của các sân bay là 1:8, nhưng những đợt xây dựng ồ ạt đã khiến nhiều sân bay trở thành dự án hão huyền”.

Một ví dụ điển hình cho tình trạng đầu tư không hiệu quả đó là sân bay Fuyang của tỉnh An Huy. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2001 đến nay sân bay này luôn bị lỗ. Và cho đến tận năm 2007 người ta vẫn chỉ dùng sân bay này làm…trang trại nuôi gà.

Theo các quy định chung của chính phủ Trung Quốc, chi phí xây dựng sân bay sẽ được chia đều cho 3 bên: Cục hàng không dân dụng Trung Quốc, chính quyền địa phương và công ty xây dựng sân bay. Nhưng các nhân viên sân bay cho biết việc tự tài trợ là khó khăn bởi NDRC vẫn chưa nới lỏng các quy định về phương tiện tài trợ trong đó có nguồn vốn tư nhân.