Hàng nông - thủy sản nhiều cơ hội vào thị trường Bắc Âu

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tiềm năng của thị trường nông-thuỷ sản tại Phần Lan và Bắc Âu rất lớn và Chính phủ Phần Lan đang có nhiều chính sách hỗ trợ để hàng nông-thủy sản Việt tiến sâu hơn vào thị trường này.

Hàng nông - thủy sản nhiều cơ hội vào thị trường Bắc Âu
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ để tăng khả năng xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Phần Lan và Bắc Âu. Nguồn: internet
Thị trường đầy tiềm năng

Năm 2013, Phần Lan nhập trên 400 triệu Euro các mặt hàng nông-thuỷ sản; trong đó, Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% giá trị và chiếm 2,5% về sản lượng.

Ông Claudio Karjalaimen, Giám đốc Công ty tư vấn Finnsea tại Phần Lan cho biết, Phần Lan không chỉ là một thị trường đầy tiềm năng (thu nhập bình quân đầu người 46.178 USD/năm) và nhu cầu tiêu dùng của người dân Phần Lan cho các mặt hàng nông-thuỷ sản chiếm tới 18-20% thu nhập, Phần Lan còn là một cửa ngõ quan trọng và thuận lợi để hàng hóa nông thuỷ sản của Việt Nam xâm nhập vào các thị trường Bắc Âu (quy mô thị trường trên 200 triệu dân).

Bên cạnh đó, nền thương mại tạp phẩm tại Phần Lan được tạo bởi chuỗi cung ứng logistics hiện đại với thu mua tập trung, từ đó giảm chi phí hàng hóa, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa. Vì vậy, hàng hoá của Việt Nam nếu xuất khẩu vào Phần Lan sẽ được hưởng lợi thế từ hệ thống phân phối hiện đại này từ đó sẽ giảm được giá thành.

Mặt khác, Phần Lan có tới 90% hàng nông-thuỷ hải sản đều thông qua 4 nhà phân phối chính là S-Ryhma, Kesko, Stockmann và Suomen. Trong khi đó, 4 nhà phân phối này lại là các thành viên bán lẻ có uy tín của Hiệp hội bán lẻ châu Âu nên nếu hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào Phần Lan, có được chỗ đứng tại thị trường này sẽ có nhiều cơ hội để vươn ra các thị trường lân cận.

Hiện nay, cá hồi, cá ngừ và tôm đang là sản phẩm tiêu thụ rất mạnh tại Phần Lan với nhu cầu ngày càng tăng của người dân và chủ yếu đang nhập từ Thái Lan, Thụy Điển và Na Uy. Trong khi đó, Việt Nam đang là nước có thế mạnh về xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, trong năm 2013, mặc dù là nước đứng thứ 3 xuất khẩu tôm vào Phần Lan nhưng sản lượng tôm của Việt Nam mới chỉ đạt 9%.

Ông Claudio Karjalaimen cho rằng, kinh nghiệm từ Thái Lan (nước cùng khu vực ASEAN) cho thấy, hiện nay Thái Lan là nhà nhập khẩu 1 sản phẩm thuỷ sản duy nhất vào Phần Lan là cá ngừ đã qua chế biến và chiếm tới 90% sản lượng tiêu thụ cá ngừ của cả Phần Lan. Vì vậy, theo ông Claudio Karjalaimen, Việt Nam nên lựa chọn một số sản phẩm thế mạnh của mình để xuất sang Phần Lan và các nước Bắc Âu. Ví dụ ngoài tôm, cá tra, cá hồi cũng đang là một loại thủy sản phát triển tại Việt Nam (nhất là cá hồi nuôi tại Lào Cai) chính là nguồn hàng tiềm năng rất lớn cho thị trường Phần Lan nếu các doanh nghiệp (DN) Việt Nam biết nắm bắt.

Nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt

Phát biểu tại Hội thảo “Giới thiệu thị trường Phần Lan và các công cụ hỗ trợ kết nối, giao thương giữa Việt Nam và Phần Lan” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ Phần Lan tổ chức ngày 11/11 tại TPHCM, ông Nguyễn Tấn Hải, Giám đốc dự án FLC, Phó Trưởng ban Quan hệ Quốc tế VCCI cho rằng, nhu cầu nhập khẩu nông-thủy sản nhiệt đới của khu vực Bắc Âu rất lớn, trong khi đó hàng của Việt Nam đang được xuất sang nước thứ 3, từ đó chế biến và đóng gói lại và xuất vào thị trường Bắc Âu. Do đó, không chỉ giá trị xuất khẩu thấp mà các DN Việt Nam không chủ động trong quá trình xuất khẩu.

Vì vậy, Chính phủ Phần Lan đang có nhiều dự án, chương trình hỗ trợ cho các DN Việt Nam trong quá trình tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại Phần Lan và các nước Bắc Âu.

Hiện nay, Quỹ Hợp tác Địa phương (FLC) với mục tiêu xoá đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội và sinh thái của Chính phủ Phần Lan dành cho các nước đang phát triển đã được triển khai tại Việt Nam.

Cụ thể, tại Việt Nam, quỹ FLC sẽ góp phần nâng cao năng lực chế  biến hàng hóa xuất khẩu của DN nông-thủy sản Việt Nam. Theo đó, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, quy định và cơ hội thị trường cho các DN Việt Nam khi tham gia thị trường Phần Lan; nâng cao năng lực chế biến và sản xuất của các DN Việt nhằm đáp ứng các quy định của hàng hóa nhập khẩu vào Phần Lan và Bắc Âu; hỗ trợ các DN khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác.

Đặc biệt, quỹ FLC sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu như chất lượng, quy cách mẫu mã, bao bì, các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn thực phẩm; tổ chức cho các DN Việt Nam khảo sát thị trường và gặp gỡ các nhà nhập khẩu Phần Lan và các nước Bắc Âu từ đó giúp hàng nông thuỷ sản Việt xâm nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường đầy tiềm năng này.

Bên cạnh đó, bà Siv Ahlberrg, Giám đốc Chương trình Finnpartnership cho biết, phải làm cho các DN Việt Nam xuất khẩu nông-thủy sản nói riêng và các DN khác của Việt Nam nói chung xâm nhập được vào thị trường Phần Lan.

Chương trình Finnpattnership sẽ hỗ trợ các DN vấn đề này. Theo đó, để khởi đầu nhu cầu tìm kiếm đối tác kinh doanh mới của 1 DN ở các hoạt động dài hạn như liên doanh, liên kết, xuất  nhập khẩu, các DN Việt chỉ cần điền tất cả các thông tin theo mẫu để đăng ký.

Khi đăng ký, các DN phải có thông tin cụ thể về loại sản phẩm, số lượng, chủng loại chi tiết để chương trình Finnpartnership nắm vững từ đó có thể tư vấn, hỗ trợ chính xác các yêu cầu của DN.

Hiện tại có 22 công ty của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia chương trình Finnpartnership để tìm kiếm đối tác tại Phần Lan và thị trường Bắc Âu.

Tuy nhiên, điều kiện cần đầu tiên khi tham gia chương trình này là các DN phải có một tiềm lực vững chắc về tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh để có thể đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm cũng như thời hạn giao hàng.

Các lưu ý khi xuất khẩu

Người tiêu dùng Phần Lan đã có những thay đổi trong việc lựa chọn hàng hoá. Nếu như trước đây yêu cầu sản phẩm phải ngon, chất lượng đảm bảo thì giờ đây yếu tố tiện lợi, sẵn sàng ăn và nấu nướng để tiết kiệm thời gian. Cụ thể, những mặt hàng đã qua chế biến, đóng hộp được ưa chuộng hơn cả. Ngay cả những mặt hàng đông lạnh cũng cần chế biến thuận lợi nhất cho người tiêu dùng. Ví dụ, tôm đông lạnh phải bóc vỏ, cá hồi phải cắt lát…

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần chú ý sau khi nhận được báo giá, các DN phân phối sẽ tiến hành đi kiểm tra nhà máy, cơ sở sản xuất và sau đó nếu các DN đáp ứng mọi yêu cầu về ATVSTP, năng lực sản xuất, nuôi trồng, bảo vệ môi trường… thì mới ký kết hợp đồng.

Đặc biệt, ATVSTP phải được đặt lên hàng đầu cùng với các yêu cầu quan tâm đến chất lượng nguồn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm (nuôi trồng nông thủy hải sản theo tiêu chí thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu…).

Ngoài ra, các vấn đề ràng buộc pháp lý của sản phẩm (nếu tiêu dùng mà sản phẩm gây tổn hại đến sức khỏe...) cũng được ghi chú trong hợp đồng; đóng gói và dán nhãn phải có những thông tin đầy đủ, chi tiết để người tiêu dùng có thể cập nhật nhanh mọi thông số cần biết trước khi lựa chọn sản phẩm; phải có bộ chứng từ đầy đủ, hợp pháp… là những lưu ý rất quan trọng khi xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu.

Ngoài ra, nếu khi xuất khẩu qua một nhà phân phối trung gian của Phần Lan, các DN việt Nam cần phải chi hoa hồng thực hiện hợp đồng với mức chi phí là 15% giá trị hợp đồng.