Hàng thủ công mỹ nghệ kỳ vọng vượt mốc 2,5 tỷ USD
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có ý nghĩa về nhiều mặt và đang có kỳ vọng vượt qua mốc 2,5 tỷ USD trong năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước tăng 18,3%, cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (16,1%).
Trong đó kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ và ô dù đạt 925 triệu USD, tăng 23,6%, đồ gốm sứ đạt 218 triệu USD, tăng 6,6%, hàng mây tre cói đạt 110 triệu USD, tăng 5,3%.
Quy mô và tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm 2013 có thể vượt qua mốc 2,5 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã nằm trong tốp 11 mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, qua đó góp phần giải quyết được nhiều công ăn việc làm, trong điều kiện các lao động trong doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn…
Sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã góp phần vào việc duy trì và phát triển số làng nghề, gia tăng giá trị cho nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, tận dụng, rút bớt lao động nông nghiệp sang làm ngành nghề, làng nghề, làm ở doanh nghiệp và đây là phương thức đô thị hóa theo kiểu “ly nông bất ly hương”.
Hàng thủ công mỹ nghệ còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có nhiều nước có nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, trong việc sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng còn một số vấn đề cần giải quyết. Trước hết, về mặt tư duy cần đánh giá, nhìn nhận vai trò quan trọng của ngành này về tính gần như vô tận của nguồn hàng, về “làm cả ăn tất”, về giải quyết công ăn việc làm, về chuyển dịch cơ cấu lao động.
Điểm cần quan tâm thứ hai là trong khi quy mô xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp thì việc khai thác nguồn lực, khai thác tay nghề tinh luyện của người thợ thủ công để tăng kim ngạch xuất khẩu là rất quý.
Cần xem lại để khôi phục việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng sơn mài, mỹ nghệ, bởi kim ngạch xuất khẩu chỉ riêng mặt hàng này năm 2008 đạt 385,5 triệu USD, năm 2009 đạt tới 1.296,2 triệu USD, nhưng năm 2010 chỉ còn 14,2 triệu USD và từ năm 2011 đã vắng bóng trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Việc rà soát danh sách các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, từ đó có chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, lãi suất, thị trường… Những năm mới mở cửa, việc tôn vinh các nghệ nhân có bàn tay vàng được nhiều địa phương bình chọn, tôn vinh…, nhưng đã có xu hướng mai một theo thời gian…