Hàng Việt lên ngôi!

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Kể từ khi thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ năm 2009 đến nay, người tiêu dùng (NTD) đã ý thức được lợi ích và chuyển sang dùng hàng do các doanh nghiệp (DN) “nội” sản xuất, thay vì “sính” hàng ngoại như các năm trước. Chính vì thế, nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo… và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm để từng bước chinh phục NTD.

Hàng Việt lên ngôi!
Hiện có khoảng 71% NTD tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Nguồn: internet
Theo kết quả điều tra của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hiện có khoảng 71% NTD tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80% đến 90%. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Big C có hơn 90%, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi của Saigon Co.op có hơn 20.000 mặt hàng đạt tỷ lệ hơn 90%, riêng ngành hàng thực phẩm chiếm hơn 95%... 

Cơ hội cho hàng Việt

Một trong những điểm yếu của hàng Việt trong thời gian trước đây là mẫu mã đơn điệu. Để có thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, kích cầu tiêu dùng, thời gian qua nhiều DN đã nắm bắt được nhu cầu của NTD, nỗ lực cải tiến mẫu mã, ra mắt sản phẩm đẹp hơn đáp ứng thay đổi của thị trường để không bị "tụt hậu" trong cuộc cạnh tranh. Trong đó, không thể không nhắc đến các dòng sản phẩm chế biến các loại thực phẩm đa dạng hơn với các loại nguyên liệu: thủy hải sản, thịt gà, heo, bò và rau củ quả tươi sống dưới các hình thức đông lạnh, sơ chế cho đến thực phẩm ăn liền, đóng hộp, đóng gói bảo quản ở nhiệt độ thường của Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food)…

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Saigon Food, cho biết, việc thay đổi mẫu mã và sản phẩm mới đòi hỏi DN luôn phải năng động theo thị trường và nhu cầu của NTD. Điều này sẽ kích thích nhà sản xuất không ngừng đầu tư thêm cho những sản phẩm mới. Để tạo được thành công cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất phải chinh phục NTD bằng gu thẩm mỹ, sự độc đáo và giá hợp lý. Ngoài ra, để kích thích NTD trong nước quan tâm và sử dụng hàng hóa nội địa nhiều hơn, các DN cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa… của dân tộc. Chỉ bằng con đường đầu tư sản phẩm mới, DN Việt mới có thể nâng cao tính cạnh tranh với hàng ngoại. Chính vì vậy, gần đây, việc góp mặt của 8 mặt hàng cháo bổ dưỡng ăn liền của cả hai dòng sản phẩm SG Soup và SG Soup Baby của Saigon Food đã làm đa dạng thêm các nguồn hàng và thực phẩm dinh dưỡng mang thương hiệu Việt.

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, với thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân sẽ là cơ hội cho các DN biết tận dụng khai thác lợi thế sân nhà trong điều kiện cung nhiều hơn cầu, do vậy, để tồn tại, các DN phải nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới có sự khác biệt, khẳng định cái riêng, sự độc đáo của sản phẩm và định vị thương hiệu trên thị trường và chỉ có sản phẩm mới mới có thể tồn tại để phát triển. Thuận lợi của sản phẩm mới là dễ xâm nhập vào thị trường và nhất là hệ thống siêu thị.

Tại hệ thống Siêu thị Co.opmart, hiện hàng Việt cũng chiếm từ 90% đến 95% cơ cấu hàng hóa, chỉ có một ít sản phẩm cao cấp nhập ngoại. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Saigon Co.op, điều đáng mừng là sau hàng loạt những thông tin về độ nguy hại của những sản phẩm hàng hóa Trung Quốc, hàng không rõ xuất xứ, nhãn mác, tâm lý NTD có nhiều chuyển biến, thêm tin cậy vào sản phẩm Việt, đặc biệt là nhóm hàng hóa mỹ phẩm, may mặc, dụng cụ nhà bếp, chất tẩy rửa, đồ dùng gia đình, lương thực thực phẩm, rau , củ, quả... Thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như ý thức của DN trong việc chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ uy tín, các sản phẩm từ bao bì, nhãn mác đều được cải tiến bắt mắt hơn trước đây, làm NTD hài lòng nên lựa chọn của NTD đang ngày càng thay đổi theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt. Bởi thế, đây chính là cơ hội "vàng” để hàng Việt vươn lên chiếm lại sân nhà.

Đưa hàng Việt về nông thôn

Trong 4 năm qua, Bộ Công Thương, các địa phương và các đơn vị, DN đã tổ chức được gần 1.700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 13.000 lượt DN tham gia với hơn 24.000 gian hàng, thu hút gần 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 1,78 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Nhờ thực hiện cùng lúc nhiều chính sách kích cầu nên mỗi phiên chợ đã thu hút trên 4.000 người tham gia mua sắm.

Nhằm thu hút sức mua của NTD, các DN tham gia đều xây dựng chiến lược giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên địa bàn, đồng thời còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng khác nhau. Bên cạnh đó, hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn cộng với việc người dân tin tưởng vào chất lượng hàng nội đã khiến sức mua tại các phiên chợ hàng Việt tăng cao.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, cho biết, các sản phẩm hàng hóa của DN trong nước đã có sức cạnh tranh cao hơn. Nếu như trước đây, việc đổi mới sáng tạo chỉ dừng lại ở chất lượng thì hiện nay, các DN đã quan tâm đến mẫu mã sản phẩm. Điều này đã khiến sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước được đẩy lên cao hơn.

Trong nỗ lực đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, là một trong những DN tham gia thường xuyên các chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn”, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Ðức Mười cho biết, mặc dù doanh số bán hàng thực phẩm Vissan trong các chuyến bán hàng về nông thôn không cao nhưng kết quả lớn nhất mà DN đạt được thông qua các chuyến bán hàng này là đưa được nhiều sản phẩm Vissan đến tận tay NTD tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với việc nhạy bén nắm bắt nhu cầu NTD khu vực nông thôn, DN đã cho ra đời sản phẩm 3 Bông Mai phục vụ chủ yếu thị trường này.

Hiện nay, phần lớn người dân nông thôn có thu nhập ở mức thấp, chưa biết nhiều về sản phẩm nội bởi sự lấn át của hàng hóa ngoại nhập với mẫu mã đẹp, giá rẻ. Vì vậy, qua các chuyến bán hàng về nông thôn, DN có thể tư vấn người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó định hướng sở thích, thói quen tiêu dùng hàng Việt. Bên cạnh đó, sản phẩm và thương hiệu Vissan cũng có nhiều cơ hội đến với NTD ở khu vực này, từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh cho DN, tạo thêm nguồn lực để DN có thể quay lại cạnh tranh tại thị trường truyền thống.

Sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt hơn, khi có nhiều “đối thủ” nặng ký của các Cty đa quốc gia như vết dầu loang chiềm dần thị phần trong nước. Do vậy, theo bà Vũ Thị Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khách hàng nông thôn đa phần là những khách hàng trung thành nhất khi họ đã tin dùng một sản phẩm nào đó của DN. Do vậy, khi DN khẳng định được thương hiệu và tạo được lòng tin đối với người dân nông thôn, chắc chắn thương hiệu sẽ tồn tại, phát triển bền vững. Chỉ khi nào làm được điều này thì các DN Việt Nam mới có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với những mặt hàng ngoại nhập, hàng giá rẻ, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhập lậu tràn lan như hiện nay.