Hậu bão số 3, các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường 213 tỷ đồng

Bảo Ngọc

Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng trên tổng số ước tính 12.811 tỷ đồng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi).

Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế với trên 80.000 tỷ đồng. Ngay sau bão, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức ngay rà soát thiệt hại, thực hiện tạm ứng, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ theo cam kết bảo hiểm.

Tính đến 17h ngày 16/10/2024, ước thiệt hại do bão số 3 lên tới 12.811 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thiệt hại do bão gây ra; trong đó chủ yếu là các bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm 96%). Đến nay, các doanh nghiệp đã tạm ứng bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.

Về bảo hiểm thân tàu (liên quan tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), các doanh nghiệp đã chi trả bồi thường 209 tỷ đồng. Về bảo hiểm sức khỏe có 46 vụ, bảo hiểm đã chi trả, bồi thường 4 tỷ đồng liên quan đến tai nạn…

Lý giải về con số tạm ứng chi trả bồi thường còn khá khiêm tốn, ông Đức cho biết, đối với các tài sản kỹ thuật cần có thời gian để xác định giá trị thiệt hại, lên dự toán để đưa vào sửa chữa, thay thế, từ đó sẽ có tạm ứng theo từng thời kỳ, rồi mới trả đầy đủ theo đúng cam kết, do vậy có độ trễ.

Mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã nhanh chóng thực hiện bồi thường thiệt hại cho khách hàng, công tác chi trả bồi thường bảo hiểm hiện vẫn gặp những khó khăn.

Đối với các tài sản kỹ thuật cần có thời gian để xác định giá trị thiệt hại, lên dự toán để đưa vào sửa chữa, thay thế.
Đối với các tài sản kỹ thuật cần có thời gian để xác định giá trị thiệt hại, lên dự toán để đưa vào sửa chữa, thay thế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, nguồn chi trả bảo hiểm dựa vào tài chính của doanh nghiệp tích lũy và nguồn từ chuyển giao rủi ro cho tổ chức quốc tế có đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm còn rất non trẻ, chỉ chiếm khoảng 2% GDP. Năm 2023, tổng vốn chủ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 40.000 tỷ đồng, mà quy định mỗi rủi ro bảo hiểm bảo đảm thanh toán không được phép nhận quá 10% tổng vốn chủ, tức chỉ có khoảng 4.000 tỷ đồng.

Như vậy, để bồi thường cho 12.811 tỷ đồng thiệt hại do bão số 3 gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chỉ chi trả được tối đa 4.000 tỷ đồng, còn lại 8.000 tỷ đồng từ tái bảo hiểm. Trong khi đó, để tổ chức tái bảo hiểm quốc tế chi trả cho khách hàng thì họ cần phải cử chuyên gia đến tận nơi để thẩm định, tức phải có thời gian.

“Về lâu dài, ngành Bảo hiểm cần được phát triển mạnh mẽ hơn thì số tiền chi trả bồi thường thiệt hại sẽ tăng lên, thời gian chi trả cũng sẽ nhanh hơn”, ông Tuấn tin tưởng.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc CTCP Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho hay, phía doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, song do cơn bão mang tính thảm họa, với số lượng người dân và khách hàng bị tổn thất lớn "chưa từng có trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam”. Riêng với Ngân hàng Agribank có trên 82.000 khách hàng gồm doanh nghiệp, hộ sản xuất lẫn cá nhân bị tổn thất do bão. Do đó, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp, khách hàng vẫn chưa xong công tác dọn dẹp sau bão.

Ngoài ra, về mặt số liệu sổ sách tài sản, hàng hóa có sự biến động, sổ sách bị mất, thống kê chưa đầy đủ, rõ ràng, muốn khắc phục thì đòi hỏi phải có thời gian.

“Trên tinh thần hướng tới khách hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực giải quyết nhanh nhất cho khách hàng, với mong muốn giúp khách hàng nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau bão”, ông Phong cho biết.