Hãy làm người nội trợ thông minh

PV.

Suy từ gia đình ra xã hội, việc mua sắm thiếu tính toán, căn cơ, không liệu cơm gắp mắm, không tìm phương pháp giảm thiểu chi phí… dễ dẫn đến thâm hụt ngân sách.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Cân đối nhu cầu chi tiêu

Càng gần đến Tết, việc mua sắm của các gia đình càng bị đẩy lên đến mức cao trào. Nhu cầu làm đẹp, làm mới ngôi nhà để đón tết cũng thường được tập trung làm vào dịp này. Những chi phí lớn như sửa chữa nhà cửa, thay thế trang thiết bị hiện đại… đương nhiên ngốn một khoản tiền lớn của mỗi gia đình, nhưng đó là khoản chi phí thường được hoạch định sẵn và có kế hoạch tài chính cho nó. Còn những mua sắm khác, người nội trợ thường không lên kế hoạch, nhất là vào dịp Tết, đặc biệt là chi mua đồ ăn uống, tiếp khách… chính những chi phí này sẽ khiến ngân sách không cánh mà bay rất nhanh.

Cũng như nền tài chính quốc gia, tài chính gia đình cũng phải lên dự toán hàng năm, hàng tháng để không bị động. Căn cứ vào nguồn thu thường xuyên, các nguồn thu phát sinh có thể có… mỗi gia đình nên xây dựng cho mình một kế hoạch chi tiêu.

Đối với các gia đình công chức - viên chức, có nguồn thu ổn định, có thể xây dựng như sau:

I. Nguồn thu:

1. Từ lương;

2. Từ lãi suất tiết kiệm;

3. Từ nguồn khác: (thù lao tham gia giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn, viết sách, lợi nhuận kinh doanh, hỗ trợ (nếu có)…

II. Chi tiêu

1. Chi thường xuyên (ăn uống, điện nước, thông tin liên lạc, học phí, quần áo giày dép, thuê nhà cửa, xăng xe, trả lãi vay…): chiếm quãng 80% nguồn thu;

2. Chi đột xuất: (hiếu, hỉ, thăm hỏi ốm đau, chữa bệnh, du lịch, sửa chữa vật dụng, ủng hộ từ thiện…): chiếm quãng 15% nguồn thu;

3. Chi tiết kiệm (mục đích cho đầu tư, tiết kiệm hay mua sắm, cho con đi du học, học thêm các môn ngoại khóa): Chiếm quãng 5%.

Các khoản thu – chi đương nhiên không ổn định mà luôn biến động theo thời gian, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dự liệu theo năm và điều chỉnh theo tháng, làm sao để tổng thể các khoản chi tiêu không phá vỡ tỷ lệ đã đặt ra.

Những lựa chọn thông thái

Tư duy đúng đắn

Với kế hoạch chi tiêu mà chúng tôi tư vấn các gia đình tham khảo và cố gắng thực hiện kể trên không phải ai cũng đồng tình ngay. Chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi, đại loại “với chúng tôi, thu nhập thấp, ăn còn không đủ nói gì đến tiết kiệm…?”, hay “thời gian đâu mà ngồi nghĩ ra kế hoạch này nọ, cứ chi tiêu khi cần thôi…”.

Thực ra, dù bạn thu nhập thế nào, nhiều hay ít, bạn vẫn phải duy trì cuộc sống với tất cả các mục kê ra ở trên. Bạn không lập kế hoạch chi tiêu thì mọi việc sẽ diễn ra một cách tự phát và đương nhiên, sẽ có lúc khiến bạn bị động.

Các cụ đã có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, đến giờ, điều này không phải đã sai, đã lạc hậu. Đối với các gia đình thu nhập còn hạn hẹp, hoàn toàn có thể du di các khoản chi tiêu cho phù hợp và tìm mọi cách để có thể tiết kiệm chi. Tiết kiệm chi ở đây không phải là cắt giảm mục chi, không chi nữa, mà là tìm địa chỉ mua rẻ, hàng tốt…

Người nội trợ thông mình, đảm đang ngoài việc biết quán xuyến - thu vén - xếp đặt các hoạt động của gia đình, còn phải biết quản lý tài chính. Cụ thể, trong chi tiêu, phải biết mua hàng hóa gì, ở đâu với giá phải chăng, mua thực phẩm gì để bữa ăn gia đình đủ chất mà vẫn rẻ. Ngày nay, lựa chọn mua hàng ở chợ truyền thống không còn là lựa chọn duy nhất để có hàng hóa rẻ nữa.

Tận dụng cơ hội và nhanh chóng làm quen, thành tục với cách mua bán hiện đại

Hệ thống thương mại, siêu thị đã dần thay thế chợ truyền thống cả trên phương diện thanh toán cũng như chất lượng hàng hóa và cả cạnh tranh về giá cả nữa. Do mối liên kết chuỗi ngành hàng, các siêu thị đã ký kết hợp đồng với các trang trại để bao tiêu sản phẩm nông, lâm - thủy sản từ khâu sản xuất đến khâu cung cấp tận tay người tiêu dùng… do đó, rất nhiều hàng hóa trong siêu thị được đã rẻ hơn ở ngoài chợ xanh, chợ cóc.

Việc đi chợ (siêu thị) một lần có thể lựa chọn mua nhiều hàng hóa cũng giúp chúng ta đỡ tốn công đi lại, đỡ tốn về xăng xe, thời gian… (chỉ cần người nội trợ biết nên mua gì để dự trữ và mua gì để dùng hàng ngày).

Tham khảo một bà nội trợ, chị cho biết, vào siêu thị vừa văn minh, sạch sẽ vừa yên tâm về hàng hóa có mẫu mã và kiểm định cẩn thận. Dù có nơi, có lúc vẫn có hiện tượng trà trộn hàng kém chất lượng, hàng chưa kiểm định… nhưng mua sắm ở một địa chỉ cụ thể, khách hàng hoàn toàn có thể trả hàng, khiếu kiện và truy kết khi xảy ra bất kỳ điều gì liên quan đến hàng hóa nếu chứng minh được là mình sử dụng hàng hóa của siêu thị đó.Dù gì, hàng hóa được Nhà nước kiểm định vẫn tin tưởng hơn hàng trôi nổi ngoài thị trường.

Chị cho biết thêm, ở Hà Nội, sau một thời gian mua sắm ở các siêu thị, so sánh giá (có thể theo dõi được trên các trang khuyến mại trực tuyến), chị biết được là, nên mua thịt cá nhập khẩu ở Metro, ở đó có giá rất mềm, hàng hóa lại bảo đảm và ngon. Còn mua hoa quả ngon và rẻ thì vào Vinmart. Nếu muốn mua hàng hóa gia dụng thì nên đến BigC, có thể mua được đa dạng từ quần áo, chăn ga, gối đệm… đến đồ thực phẩm khô, sữa, bánh kẹo… giá đều đảm bảo rẻ hơn các nơi khác, nhất là bánh mì, món khoái khẩu của người Hà Nội (đã vào siêu thị thì ai cũng mua vài ba chiếc) thì ở BigC là ngon nhất. Vào Lotte Mart có thể chọn nhiều hàng hóa cao cấp, hàng nhập khẩu nhưng túi phải rủng rỉnh…

Mua ở siêu thị hàng hóa được cân đo đảm bảo, ngoài ra còn được tích điểm để mua hàng khuyến mại hay trừ tiền các lần mua sau, điều này cungf giúp người nội trợ tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Thị trường với dân số trẻ và sức tiêu dùng lớn như nước ta là một địa hạt béo bở của các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước. Để không chậm chân trong cuộc đua thu lợi nhuận này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mở rộng hệ thống bán lẻ và thực hiện sách lược cạnh tranh khôn ngoan, dùng một mặt hàng trọng điểm để thu hút khách hàng đến nhằm hút khách của nhau, thậm chí thôn tính mua lại các siêu thị có sẵn điạ điểm thuận lợi… (như Merto hay Fivimart chẳng hạn).

Có vẻ như đi sau nhưng tập đoàn Vingroup đang mở rộng điểm bán lẻ, số điểm bán lẻ (các cửa hàng tiện ích) hiện lớn nhất trong toàn hệ thống thương nghiệp bán lẻ tại các đô thị lớn. Có thể họ đang mưu cầu trở thành một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam… Hình thức bán hàng trực tuyến của họ với Adayroi.com đang thực hiện sứ mạng trở thành nhà bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam, cung cấp dịch vụ nhanh, thậm chí rẻ hơn khi mua ngoài cửa hàng.

Trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng lại được hưởng lợi rất nhiều. Tận dụng cơ hội, biết cách lựa chọn hàng hóa, địa điểm mua hàng, biết cách mua bán trực tuyến… đấy là cách chi tiêu thông minh, tiết kiệm của người nội trợ.

Hiểu đúng nghĩa tiết kiệm.

Bác Hồ đã dạy Tiết kiệm là Quốc sách. Trong các gia đình, tiết kiệm là chi tiêu hợp lý. Nhìn rộng ra thế giới, các cuộc khủng hoảng xảy ra có nguyên nhân do chi tiêu quá mức. Đơn cử như cuộc khủng hoảng kinh tế - tiền tệ ở châu Á, hay như ở các nước châu Mỹ la tinh, do người dân vay chi dùng quá lớn, không có khả năng trả nợ, là nhân tố khiến hệ thống ngân hàng sụp đổ. Cuối cùng lại phải dùng biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Chúng ta hiểu Tiết kiệm không đồng nghĩa với bủn xỉn, hà tiện, không chi tiêu,… mà tiết kiệm là chi cho công việc cần thiết, không vung tay quá trán, chi tiêu tùy hứng, có ngày nay không cần lo ngày mai…

Tiết kiệm đồng nghĩa với tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập và chọn cách thức chi tiêu hợp lý.

Với thu nhập của các gia đình, nếu chăm chỉ, sáng suốt, chúng ta hoàn toàn có thể lo toan được cho cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, nếu tiết kiệm được chúng ta còn có thể tham gia vào việc giúp đỡ cộng đồng, giúp các gia đình nghèo khó, giúp Chính phủ bớt gánh nặng ngân sách chi tiêu cho các đối tượng xã hội, dành ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế cả nước, trong đó chính chúng ta cũng lại được lợi.

Gia đình là hạt nhân của xã hội, ngân sách gia đình vững vàng cũng là nền tảng để ngân sách quốc gia vững vàng. Suy rộng ra, việc chi tiêu của gia đình cũng như quốc gia đều giống nhau, cần có kế hoạch, cần phải biết chi tiêu hợp lý và phải biết tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu, biết dùng tiền tiết kiệm để đầu tư cho phát triển… đó là cách quản lý tài chính thông minh nhất.

Sắp tới Tết, ngay lúc này, chúng ta có thể lên ngay kế hoạch chi tiêu của gia đình để đảm bảo có một cái Tết - to hay nhỏ tùy hoàn cảnh mỗi gia đình - đảm bảo ấm cúng, đầy đủ và tiết kiệm.