Hết thời bạc tỷ chảy vào túi

Theo tuoitre.vn

(Tài chính) Không còn những con số lãi công bố hoành tráng nổ bùm bùm như dạo vài năm về trước, giới nhà băng đang công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với mức lợi nhuận đã phần là hẻo hơn. Chưa kể, không ít ngân hàng rơi vào tình cảnh lỗ. Trông lên thì chẳng bằng ai nhưng trông xuống, giới ngân hàng tự biết vẫn còn may mắn chán...

Hết thời bạc tỷ chảy vào túi
Lợi nhuận ngân hàng không còn “hoành tráng” như xưa. Nguồn: internet

Không cán đích vẫn là… “anh tài”

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienPhong Bank vừa chia sẻ, ngân hàng này đang có tốc độ tăng trưởng cao ở hầu hết các chỉ tiêu so với cuối năm 2012. “Sau quá trình tái cơ cấu, TienPhong Bank đang có những đổi thay từng ngày và bước vào giai đoạn phát triển mới”, ông Phú nói.

Tính đến cuối tháng 6/2013, tổng tài sản của TienPhong Bank đã đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cuối 2012; đáng chú ý là dư nợ trên thị trường 1 tăng tới 38%; huy động vốn tăng 9,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng 48%; nợ xấu giảm từ 3,47% xuống còn 2,77%. Hiện vốn điều lệ của TienPhong Bank đã tăng lên 5.550 tỷ đồng, từ mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2012.

Trên thị trường chứng khoán, Sacombank là ngân hàng đầu tiên trong danh sách các ngân hàng niêm yết công khai kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2013. Ngân hàng này cho biết lợi nhuận trước thuế đạt 1.448 tỷ đồng. Số lợi nhuận đạt được của Sacombank tương đương gần 52% kế hoạch năm còn với mức hơn 1.700 tỷ đồng cùng kỳ năm 2012, con số này khiêm tốn hơn. Vietcombank (mã CK Hose: VCB) thì công bố lãi 2.700 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 47% mục tiêu của ngân hàng. Được biết, kế hoạch lợi nhuận của VCB trong năm 2013 ở mức 5.800 tỷ đồng (tăng 0.6% so với 2012).

Trước đó, Bản tin chứng khoán của công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2013, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt lợi nhuận trước thuế 944 tỷ đồng, giảm 54,9% so với cùng kỳ. Như vậy lợi nhuận của ngân hàng đã phục hồi so với mức lỗ trong 6 tháng cuối năm 2012. HSC ước tính, việc cho vay liên ngân hàng giảm, tỷ lệ NIM giảm và việc tất toán vàng gửi của khách hàng là những nguyên nhân chính cho dù ACB đã tích cực giảm chi phí hoạt động trong 6 tháng đầu năm.

Cùng lúc, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đổ về cũng cho thấy: NH Phương Đông (OCB) 6 tháng đầu năm tổng nguồn vốn huy động đạt 22.138 tỷ đồng; lợi nhuận hoàn thành 50% kế hoạch năm ( OCB đặt chỉ tiêu 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2013). NH An Bình (ABBANK) công bố lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 214,4 tỷ đồng, tổng tài sản vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Kienlong Bank 6 tháng đầu năm là 212 tỷ đồng, đạt 43% so với kế hoạch.

Bạc tỷ có còn chảy vào túi?

Vốn thế đứng chắc như bàn thạch mà ngân hàng TMCP Ngoại thương - Vietcombank (HOSE: VCB) cũng e ngại khi cho biết tỷ lệ nợ xấu tính đến quý 2/2013 của VCB ở mức 2.7% và ước tính sẽ tăng 1 điểm phần trăm lên khoảng 3.7% nếu Thông tư 02 được áp dụng.

Cụ thể, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty đã có trao đổi với Vietcombank về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tính đến quý 2/2013 của VCB ở mức 2.7%, giảm so với tỷ lệ 3.2% trong quý 1/2013 nhờ đẩy mạnh dự phòng và xử lý nợ xấu. Do đó, VCB không bị buộc phải bán lại nợ xấu cho VAMC. VCB ước tính tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 1 điểm phần trăm lên khoảng 3.7% nếu Thông tư 02 được áp dụng.

Ngân hàng Nam Việt (Navibank) giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải thích: “Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước đã gặp nhiều khó khăn về thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

Mong muốn chia sẻ một phần gánh nặng đối với khách hàng có quan hệ lâu dài và uy tín của Navibank, Navibank đã có nhiều chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng này. Xuất phát từ chủ trương này, thu nhập từ lãi của Navibank trong quý 2/2013 đã giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Điều đó dẫn tới lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã giảm so với cùng kỳ năm trước”. (6 tháng đầu năm nay lãi 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái gần 122 tỷ đồng).

Lợi nhuận sụt giảm, các ngân hàng không còn dễ dàng kiếm bạc tỷ như những năm trước đây. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong năm tháng đầu năm nay, có 24 trên tổng số 124 tổ chức tín dụng có mức chênh lệch giữa thu và chi âm.

Còn lại 100 tổ chức tín dụng có lãi nhưng trong đó 57 đơn vị giảm lãi so với cùng kỳ các năm trước. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước tính toán: Nếu không thực hiện theo quyết định 780, các tổ chức tín dụng phải trích lập thêm 14.400 tỷ đồng, khi đó chênh lệch thu chi của toàn hệ thống chỉ còn 3.800 tỷ đồng. Phân tích bức tranh chung, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lưu ý khả năng sẽ có thêm một số ngân hàng nhỏ báo lỗ trong năm nay. Bởi trong khi thu nhập từ lãi suất giảm mạnh thì chi phí của các NH vẫn cao. Dù đã cố gắng tiết kiệm thì chi phí hoạt động của nhiều NH cũng không thể giảm nhanh bằng tốc độ giảm lãi suất cho vay vừa qua.

Dự phòng rủi ro vẫn gia tăng khi nợ xấu chưa có nhiều tiến triển Bên cạnh đó, không loại trừ một số NH chưa hạch toán đầy đủ nhiều chi phí như dự phòng rủi ro, chi phí marketing dồn lại đến kỳ báo cáo cuối năm. Vì vậy, bức tranh lợi nhuận NH năm 2013 chưa mấy sáng sủa- Ông Hiếu nhìn nhận.