Hi vọng cuối cùng của châu Âu đang dần phai nhạt?
Tất cả mọi hi vọng của châu Âu đang được đặt vào Đức. Người ta hi vọng 1 nền kinh tế khỏe mạnh với các công ty xuất khẩu giàu sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu có thể kéo Pháp và các quốc gia khác ra khỏi “sình lầy”. Tuy nhiên, thực tế thì mọi chuyện ra sao?
Sau 3 tháng tăng điểm, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Pháp đã tụt xuống mức thấp chưa từng có kể từ tháng 3/2009 – đáy của khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2 con số. Hoạt động kinh doanh đã lao dốc suốt 18 tháng và số đơn hàng mới cũng sụt giảm 19 tháng liên tiếp. Khó khăn bủa vây khu vực kinh tế tư nhân. Quý IV/2012, kinh tế Pháp suy giảm 0,3%.
Ở bờ bên kia của sông Rhine, Đức vẫn đang đắm chìm trong lạc quan, bất chấp sản lượng của nền kinh tế sụt giảm 0,6% trong quý IV/2012. Đây là con số khá khả quan đặt trong bối cảnh kinh tế eurozone đã sụt giảm 5 quý liên tiếp.
Trong khi sự suy giảm của kinh tế Pháp được cho là xuất phát từ những vấn đề mang tính cơ cấu và chỉ có thể được giải quyết bằng các cải cách và điều chỉnh mạnh, đà suy giảm (mặc dù lớn hơn) của Đức lại được coi là “tạm thời”.
Dựa vào đâu mà nói như vậy? Câu trả lời chính là chỉ số PMI. Mặc dù đã giảm kể từ tháng 1 tới nay, chỉ số kinh tế này vẫn ở mức trên 50 điểm. Trong khi số đơn hàng của khu vực dịch vụ suy giảm, số đơn của khu vực chế tạo đang tăng lên. Khu vực xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ với sự trợ giúp của nhu cầu từ châu Á.
Thế nhưng, đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức lại không phải là Trung Quốc và cũng không phải là Mỹ. Đó là Pháp. Khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của Đức đổ vào Pháp. Các mặt hàng xuất khẩu không chỉ bao gồm xe hơi và phần cứng. Ví dụ, trong 7 tháng đầu năm 2012, Pháp nhập khẩu 13,4% trên tổng số 645.000 tấn socola mà Đức xuất đi.
Nhìn thấy sự suy giảm của kinh tế Pháp, các nhà xuất khẩu Đức cũng đã cố gắng đẩy mạnh hoạt động ở châu Á. Và, họ điên cuồng đầu tư vào Trung Quốc.
Năm ngoái, xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 1.097 tỷ euro, tăng 3,4% so với năm 2011. Tuy nhiên, xuất khẩu của quý IV lại giảm 2% so với quý III. Đầu tư của doanh nghiệp giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Thay vì đầu tư trong nước, họ tập trung đầu tư vào Trung Quốc bởi đối với họ đây mới là tương lai.
Chi tiêu của khu vực tư nhân chỉ tăng nhẹ 0,6% trong năm 2012. Doanh số bán lẻ của tháng 12 giảm 4,7%. Tuy dữ liệu về doanh số bán lẻ tháng 1 chưa được công bố, có thể đoán biết qua doanh số xe ô tô được bán ra. Trong tháng 1, chỉ số này sụt giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2012. Những hãng bị thiệt hại nhiều nhất là Ford (giảm 32,2%), VW (giảm 13,3%). Doanh số xe Lexus bán ra giảm tới 62,8%. Trong khi đó, số xe tải hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng được bán ra cũng giảm 14,6%. Số máy kéo giảm 23%.
Cỗ máy kinh tế của châu Âu đang nhận được quá nhiều kỳ vọng. Chắc chắn là điều gì cũng có thể xảy ra. Nhu cầu ở Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở châu Á có thể đột ngột tăng mạnh. Kinh tế Pháp cũng có thể hồi phục một cách đáng ngạc nhiên. Đức và cả châu Âu đang mong đợi những phép màu như vậy.