Hiệp định thương mại tự do - Lợi ích và thách thức
(Tài chính) Đánh giá kết quả tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam từ năm 1995, Bộ Tài chính cho rằng, quá trình hội nhập được phát triển theo chiều rộng và chuyển dần sang chiều sâu với nhiều lợi ích và cũng còn những thách thức trong tương lai.
Tăng trưởng kinh tế, thương mại đáng kể
Trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập đã đóng góp đáng kể vào công cuộc cải cách kinh tế đất nước.
Cụ thể, đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho phát triển. Đầu tư từ các nước đối tác thương mại với Việt Nam luôn trong nhóm dẫn đầu góp phần vào quá trình sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân và đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều không gian phát triển mới cho kinh tế đất nước. Theo đó, GDP của Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, thời kỳ 1992-1997 bình quân là 8,75%/năm, thời kỳ 2002-2007 bình quân là 7,55%/năm, thời kỳ 2008-2013 dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP bình quan của Việt Nam vẫn đạt 5,85%/năm.
Hội nhập kinh tế cũng tạo cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa tăng nhanh. Việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp thị trường tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là lợi thế thương mại từ các thị trường mới.
Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang gần 160 nước trên thế giới và đến năm 2013 đã tăng lên gần 240 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cán cân thương mại tăng nhanh, mặc dù giai đoạn sau năm 2003 có dấu hiệu thâm hụt thương mại tăng cao. Tuy nhiên, đến năm 2013, cán cân thương mại đã có dịch chuyển đáng ghi nhận từ nhập siêu sang xuất siêu hoặc cân bằng.
Một điểm đáng lưu ý nữa là trị giá xuất khẩu của đất nước trong giai đoạn 2010-2012 tăng mạnh đối với hàng chế biến, từ 47 tỷ USD năm 2010 lên 79,2 tỷ USD năm 2012. Điều này cho thấy cơ cấu hàng xuất khẩu đã phát triển về chất.
Nhìn chung, nhập khẩu có những diễn biến tăng trưởng nhanh hơn hẳn sau khi chúng ta gia nhập WTO. Trị giá nhập khẩu tăng từ 36,8 tỷ USD năm 2005 lên gần 128 tỷ USD năm 2013. Về tình hình nhập khẩu hàng hóa theo từng FTA, trên thực tế, tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi của nước ta khá cao và có xu hướng tăng lên qua các năm thực hiện.
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) trong nước giảm. Các DN cũng có thể lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ khác nhau, năng lực cạnh tranh được nâng cao. Cùng lúc đó, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa với chất lượng tốt hơn, giá cả phải chăng.
Bên cạnh đó, với việc thực hiện các Hiệp định, Việt Nam đã tạo ra cơ hội to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhiều DN được tiếp cận với khoản vốn ưu đãi đầu tư. Việc thực hiện các cam kết trong FTA tạo động lực để DN đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh. Từ đó tạo ra tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Khung pháp lý cũng được hoàn thiện khi thực hiện cam kết FTA. Năng lực quản lý, đánh giá, cảnh báo thị trường được quan tâm xây dựng và tăng cường. Công tác xây dựng chính sách dần được hoàn thiện, từng bước đưa hệ thống chính sách của Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2013-2014, Việt Nam đứng thứ 70/148 về chỉ số năng lực cạnh tranh và đứng thứ 5 trong Asean.
Mặc dù được tạo điều kiện, các DN nhà nước vẫn chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phát triển công nghệ.
Khu vực tư nhân đã phát triển nhưng quy mô còn nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ. Chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng của hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, thị trường trong nước chưa phát triển lành mạnh, cùng sức ép về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên…
Ngoài ra còn những thách thức nội tại như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ.
Đặc biệt, trong nông nghiệp, chúng ta còn thiếu gắn kết giữa các ngành, địa phương, quá trình triển khai chưa có sự chuẩn bị đúng mức về nội lực cho cả DN và nông dân. Do vậy, nhiều DN sản xuất hàng nông sản đã gặp phải tình trạng giảm sút lợi nhuận, nợ tăng cao, dẫn đến phá sản hoặc chuyển hướng sang nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng vạch ra thực tế là công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, nhập khẩu bị phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đến nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô xe máy… vẫn chưa có công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển.
Cho đến thời điểm các cam kết thuế trong FTA cắt giảm sâu thì cạnh tranh càng khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước gặp khó khăn. Trên thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên liệu trong nước của một số ngành công nghiệp như ô tô chỉ khoảng 20 - 30% và dệt may là gần 50%.
Như vậy phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài, dẫn đến giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh chưa cao.
Thách thức với cơ quan quản lý tăng lên
Thách thức với cơ quan quản lý nhà nước tăng lên vì phải hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp nội địa trong khi năng lực cạnh tranh vẫn yếu kém.
Bên cạnh đó, thách thức từ việc giảm thuế nhập khẩu dẫn đến giảm thu ngân sách. Tỷ trọng thu thuế nhập khẩu trong tổng thu thuế giảm dần từ mức trung bình 33% giai đoạn 2007-2009 xuống 23% giai đoạn 2010-2012, một phần do giảm thuế ưu đãi MFN, một phần do giảm thuế trong các FTA.
Cơ cấu xuất nhập khẩu có thấy thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng, đặc biệt với các đối tác mà ta đã có FTA như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Asean.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương chưa thực sự hiệu quả. Từ đó dẫn đến lúng túng khi đưa ra chính sách và xử lý các vấn đề phát sinh trong khi sức ép từ các ràng buộc cam kết trong FTA ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng phân tích tiến trình tham gia hội nhập của Việt Nam được đánh giá là hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển thể hiện ở bước đi lựa chọn tham gia vào các Hiệp định.
Khi bắt đầu hội nhập từ năm 1995, chúng ta tham gia vào khu vực mậu dịch tự do Asean với các nền kinh tế có tính chất tương đồng. Sau đó mới tham gia các Hiệp định khác với các nước đối tác phát triển hơn. Việc tham gia vào Hiệp định tự do thương mại Asean như là một bước tập dượt trước khi hội nhập với các đối tác phát triển khác. Như vậy, quá trình hội nhập của chúng ta phát triển theo chiều rộng và chuyển dần sang chiều sâu.
Đối với các lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam khi tham gia các FTA cũng đã được xây dựng hợp lý. Trong đó có phân loại theo các danh mục và đa số có tính thống nhất trong hầu hết các Hiệp định. Các mặt hàng của Việt Nam có lợi thế và cần nguyên liệu cho sản xuất trong nước thì cắt giảm trước; các mặt hàng nhạy cảm, có thuế suất cao thì cắt giảm chậm hơn; các mặt hàng rất nhạy cảm như ô tô, xăng dầu, thuốc lá thì đưa vào danh mục bảo lưu trong thời gian dài.