Hiểu rõ về vấn đề tài chính trước khi kết hôn
(Tài chính) Gánh nặng tài chính sẽ mang lại sóng gió cho hôn nhân của bạn. Vì vậy, ngay từ khi quyết định sẽ góp gạo thổi cơm chung, hãy thẳng thắn chia sẻ với nhau những vấn đề về tiền bạc sẽ giúp cuộc sống của bạn bớt đi những mâu thuẫn sau này:
1. Trao đổi cởi mở
Hãy cởi mở và thẳng thắn trao đổi với vị hôn phu của bạn về vấn đề tài chính trong gia đình sau khi hai người kết hôn. Ví dụ như bạn cần thống nhất với nhau về khoản tiền thuê nhà hàng tháng, tiền sinh hoạt phí hay cho mục đích giải trí là bao nhiêu. Bởi đây là vấn đề cốt lõi trong cuộc sống sau này của bạn, vì vậy, không nên ngần ngại thảo luận với nửa kia về vấn đề này từ trước để tránh những mâu thuẫn có thể phát sinh.
2. Hãy thành thậtHãy thẳng thắn tiết lộ với nhau về tình hình tài chính cá nhân để cả hai cùng nắm rõ về thu nhập cũng như những khoản nợ mắc phải. Đừng để những vấn đề tài chính vướng mắc đó mang lại áp lực cho cuộc hôn nhân của bạn sau này.
3. Trả hết nợ trước khi kết hôn
Hạn chế tối thiểu các khoản nợ trước khi kết hôn là một việc làm sáng suốt. Nếu việc trả hết nợ là không thể thì hãy cố gắng hết sức để giảm thiểu khoản nợ còn tồn đọng. Điều này giúp giảm gánh nặng sau khi kết hôn bởi bạn không phải vừa lo kinh tế cho gia đình nhỏ vừa phải lo trả nợ.
4. Tiết kiệm từ bây giờ
Nếu bạn vẫn đang sinh sống cùng với bố mẹ, hãy bắt đầu tiết kiệm tiền từ bây giờ cho cuộc sống riêng sau này. Khi đã kết hôn, thu nhập của bạn sẽ đều dành cho sinh hoạt phí và rất khó để dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ. Tốt nhất là bạn hãy trích khoảng 10% thu nhập hàng tháng của bạn vào tài khoản tiết kiệm.
5. Cân nhắc kĩ lưỡng
Đám cưới chắc chắn sẽ tiêu tốn của bạn một khoản không hề nhỏ. Ai mà chả muốn có một đôi nhẫn cưới đắt tiền hay một chiếc váy cưới sang trọng… Tuy nhiên, hãy tỉnh táo và cân nhắc kĩ lưỡng tình hình tài chính của cả hai. Chiếc nhẫn hay váy cưới không quyết định cuộc hôn nhân của bạn sau này. Vì vậy, đừng bắt đầu cuộc sống chung bằng những món nợ mới hay dốc sạch tài khoản tiết kiệm vào những thứ xa xỉ.
6. Đơn giản hóa đám cưới
Cho dù bố mẹ bạn là người chi trả mọi chi phí đi nữa thì hãy cố gắng tổ chức một đám cưới thật đơn giản nhất có thể. Ai cũng muốn có một đám cưới thật hoành tráng và lộng lẫy nhưng bạn không nhất thiết phải tổ chức ở những nơi cực kì đắt đỏ chỉ để làm các vị khách choáng ngợp. Hãy sử dụng các dịch vụ với chi phí trong khả năng tài chính của bạn. Bạn sẽ có một đám cưới đáng nhớ và không phải bận tâm về tiền nong.
7. Cùng nhau quản lí tài chính
Có thể bạn giỏi kiếm tiền nhưng ai nói trước được trong tương lai, nửa kia của bạn không gặp khó khăn về tài chính. Thay vì đổ lỗi cho nửa kia về những vấn đề mắc phải, hãy động viên và khuyến khích họ xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lí hoặc trả nợ nhanh chóng.