Hưng Yên:
Hình thành thói quen dùng hàng Việt
(Tài chính) Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Hưng Yên, sau 5 năm triển khai, CVĐ đã đạt được những kết quả nhất định, trở thành hoạt động sôi nổi, rộng khắp, góp phần hình thành nét đẹp, thói quen mua sắm mới cho người dân.
Hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hưng Yên đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Bên cạnh những tin, bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) tỉnh đã tổ chức 11 hội thảo, 9 hội nghị tuyên truyền và ký cam kết cộng đồng DN địa phương cùng hưởng ứng CVĐ.
Theo đó, các DN tích cực tham gia hàng chục hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh và các chuyến đưa hàng về nông thôn. Để phù hợp với thu nhập của người dân, các mặt hàng được trưng bày, buôn bán tại các triển lãm, hội chợ đều là những sản phẩm thiết thực, có chất lượng tốt, giá phải chăng, như đồ gia dụng, dệt may, thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thiết bị máy móc nông nghiệp…
Điểm đặc biệt nhất của Hưng Yên khi triển khai CVĐ thời gian qua là đã huy động được mọi đối tượng xã hội cùng tham gia. Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã vận động hội viên sử dụng hàng hóa Việt Nam trong sinh hoạt. Hội phối hợp với các công ty Sao Thái Dương, Traphaco, Dịch vụ Cát Hải, Dầu Cái Lân… tổ chức 151 buổi hội thảo, giới thiệu sản phẩm đến người dân.
Liên đoàn Lao động tỉnh đưa nội dung triển khai CVĐ vào tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa. Đoàn viên thanh niên “vào cuộc” tích cực tuyên truyền CVĐ. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hàng hóa… Trong 5 năm qua, đã có 5.623 vụ việc được kiểm tra; 1.751 vụ việc được xử lý.
Nâng cao sức lan tỏa CVĐ
Với những giải pháp trên, sau 5 năm thực hiện CVĐ, nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân về mục đích, ý nghĩa CVĐ trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên. CVĐ đã thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân và của toàn xã hội; tiếp sức cho các DN có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; gắn kết chặt chẽ giữa nhà quản lý - sản xuất - phân phối và người tiêu dùng, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Mặc dù đã thực hiện thành công và thu được nhiều kết quả nhưng tại buổi tổng kết 5 năm triển khai CVĐ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - Đỗ Tiến Sỹ - thẳng thắn nhìn nhận: CVĐ còn tồn tại một số hạn chế như công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hàng hóa Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức; việc tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn còn hạn chế, chưa có chương trình cụ thể kèm theo…
Vì vậy, thời gian tới, ông Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện CVĐ đến các tầng lớp nhân dân; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thực hiện CVĐ ở cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể đề ra các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất - kinh doanh và xây dựng thương hiệu, kênh phân phối hàng hóa; tuyên truyền, vận động các DN tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, quản lý, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đưa hiệu quả của CVĐ lan rộng hơn nữa…