Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không chỉ trước mắt

Chinhphu.vn

Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, trước mắt, nhiều giải pháp mang tính chất căn cơ nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng đang được triển khai.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Không chỉ trước mắt

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp lớn, nhưng các doanh nghiệp này thường gặp những hạn chế nhất định về vốn, công nghệ sản xuất, mặt bằng sản xuất,… nên đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ.

Để nhiều doanh nghiệp được miễn giảm thuế

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế về chính sách tài chính hỗ trợ cho khu vực này.

Về giải pháp thuế, Chính phủ đã trình và Quốc hội  đã thông qua việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 60/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết nói trên của Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm thuế, trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2012/NĐ-CP đang được xây dựng, đối với doanh nghiệp không đạt tiêu chí nhỏ và vừa nếu căn cứ vào tổng số lao động, Bộ Tài chính dự kiến sẽ căn cứ vào vốn chủ sở hữu để xác định. Còn đối với doanh nghiệp mới thành lập, căn cứ để xác định dựa vào vốn điều lệ.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, chỉ có như vậy mới có nhiều doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 29/2012/QH13.

Về nguồn vốn, cho đến nay, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa về phổ biến ở mức 11-13%/năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn cho rằng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn.

Trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai thực hiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng được bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại với mức cho vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của dự án.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách (Bộ Tài chính), cần tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực và thị trường.

Để có thể đạt được mục tiêu trên thì bên cạnh những biện pháp cụ thể để có thể tháo gỡ những khó khăn trước mắt, cần có những giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm lần thứ nhất giai đoạn 2006- 2010, đã có 370.000 doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, theo đánh giá, kế hoạch giai đoạn 2006-2010 vẫn còn một số tồn tại như hệ thống trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa còn mỏng và thiếu, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, việc thống kê, đánh giá một số chỉ tiêu của kế hoạch gặp khó khăn.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015.

Theo phương hướng xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015, số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới đạt 350.000 doanh nghiệp, để thời điểm vào cuối năm 2015, cả nước sẽ có tổng cộng khoảng 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu đóng góp khoảng 40% GDP; 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu chỗ làm việc mới trong giai đoạn 2011-2015.

Ước tính tổng kinh phí trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không bao gồm các chương trình đổi mới công nghệ khoảng 1.130 tỷ đồng. Trong đó, một giải pháp đột phá là Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực hiện trên cơ sở phát huy nguồn lực, tiềm năng về thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội trên từng địa bàn, địa phương cụ thể. Từ đó, mỗi đơn vị sẽ kết hợp sở trường, trình độ chuyên môn với nguồn nhân lực, khả năng tài chính, dung lượng thị trường để tăng trưởng ổn định, góp phần vào xuất khẩu và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa.