Hòa Phát vẫn phát
(Tài chính)Công ty Tập đoàn Hòa Phát mới đây cũng đã công bố những thông tin đầy tính tích cực, mà theo các chuyên gia phân tích, đây thực sự là những thông tin tốt…
Trong lúc ngành thép vẫn có nhiều DN gặp khó khăn do các cuộc điều trần chống bán phá giá hoặc cuộc cạnh tranh của thép ngoại, thì Hòa Phát lại tiếp tục duy trì thị phần lớn nhất trong phân khúc thép xây dựng (18,1% lũy kế 9 tháng 2014) và ống thép (19%).
Lĩnh vực lõi khởi sắc
Cần lưu ý trong thị trường ống thép, tại miền Nam và miền Trung, khá mạnh bên cạnh Thép Hòa Phát còn có những cái tên như Hữu Liên Á Châu, Hoa Sen Group, Thép Việt Đức… với thị phần lần lượt và xấp xỉ trên dưới 10%, chưa kể sự “xông pha” của ông lớn đầu ngành Tổng Cty Thép Vina Steel. Do đó, sự “lấn chiếm” này của Thép Hòa Phát là bước tăng trưởng đáng ghi nhận.
Ngoài ra, cũng theo thông tin được “khoe” từ Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị đã nhận được một số đơn hàng từ các đối tác Úc và Lào trong quý III/2014 với tổng khối lượng hơn 3.000 tấn. Đây cũng là điều kiện giúp Thép Hòa Phát tăng sản lượng tiêu thụ và tăng doanh thu, có thể đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến.
Một số liệu thống kê trước khi Thép Hòa Phát “khoe” thông tin, từ Cty CK VPBS cho thấy trong 6 tháng 2014, Thép Hòa Phát đã đạt thị phần ở miền Bắc tới 27,6% và 19% trên cả nước. Như vậy Thép Hòa Phát đã có cuộc bứt phá thị phần ngoạn mục khi đạt thị phần ở miền Bắc bằng đúng với thị phần trước đó mà VNSteel đã “thống trị” những năm 2012.
Và với vị thế thị phần ngày càng mở rộng, Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 đi vào hoạt động từ tháng 10/2013 nhằm tăng năng suất và cải thiện chi phí sản xuất với thành quả sản xuất khép kín từ phôi thép đến thành phẩm, Thép Hòa Pháp cũng đang có lợi thế lớn trong lĩnh vực lõi so với các DN cùng ngành. Hẳn đây mới là thông tin đáng “khoe” nhất và cũng đáng để nhà đầu tư kì vọng vào Thép Hòa Phát trong tương lai, khi thị trường đang lo ngại về cuộc so găng không cân sức giữa DN thép nội và DN thép ngoại với những nhà đầu tư vốn khổng lồ như Formosa…
“Phát” từ bất động sản
Ngoài ra, một lợi thế đáng khoe khác của Thép Hòa Phát là một trong ba chân kiềng hoạt động của DN, với mảng bất động sản, cũng đang tiếp tục khởi sắc. Theo đó, đối với dự án Mandarin Garden, trong 9 tháng đầu năm, Cty đã ghi nhận 540 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thép Hòa Phát cho biết cũng đã chuẩn bị khởi công vào cuối năm nay một dự án mới ngay tại quận Hoàng Mai, Hà Nội với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Những thành công của Thép Hòa Phát trên thị trường bất động sản ở ngay chính thời điểm thị trường khá khó khăn và nhiều DN đang không bán được hàng, thông qua các dự án tòa nhà Hòa Phát Giải Phóng và khu phức hợp Mandarin Garden đã góp phần củng cố uy tín thương hiệu Hòa Phát trên thị trường. Đó cũng là yếu tố quan trọng dự án mới xứng đáng được đặt kì vọng cao hơn.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Hòa Phát cho biết dự án bất động sản này sẽ được triển khai bằng vốn tự có của Cty, với khoảng 30 tầng và các sản phẩm dự kiến trung bình 100m2/ căn để đảm bảo thanh khoản. Cty ước tính tổng lợi nhuận sau thuế từ dự án này sẽ đạt 300 – 400 tỷ đồng lợi nhuận.
Một điểm đáng lưu ý liên quan đến bảng cân đối tài sản hợp nhất của Thép Hòa Phát, cũng theo giả định của VPBS là Cty có các khoản vay ngắn hạn ổn định, các khoản vay dài hạn dần trả nợ hết. Không hệ lụy bởi nợ vay trong bối cảnh nhiều DN cùng ngành khốn đốn vì hàng tồn kho và chi phí tài chính lớn sẽ giúp Thép Hòa Phát có cơ hội “tiến công” trên thị trường bất động sản và tính toán “từ hòa đến phát”.