Yếu tố tác động
Việt Nam hiện có khoảng 1.039 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tuy đã rất nỗ lực trong việc huy động và quản lý nguồn vốn trong đầu tư xây dựng nhưng công tác quy hoạch, lập kế hoạch và sử dụng các nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế, đầu tư còn dàn trải, kém hiệu quả. Cá biệt còn có một số đơn vị sử dụng lãng phí, đã làm thất thoát một lượng lớn tiền và tài sản của Nhà nước như Vinashin, Vinalines.
Thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện Bộ quy trình về kiểm toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành luôn được các công ty kiểm toán độc lập lớn quan tâm và đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hoạt động này ở một số công ty kiểm toán nhỏ, mới thành lập vẫn chưa được coi trọng và đầu tư đúng mức. Bởi do tiềm lực công ty yếu, thiếu các chuyên gia am tường về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Thậm chí, một số công ty kiểm toán còn xem nhẹ việc xây dựng và ban hành quy trình kiểm toán chuẩn, coi đó chỉ là hình thức đối phó.
Trong khi, trình độ đội ngũ nhân sự kiểm toán còn hạn chế, các kiểm toán viên dù hiểu rõ quy trình kiểm toán nhưng không nắm vững về quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, còn các kỹ thuật viên dù hiểu rõ về quy trình đầu tư xây dựng cơ bản lại không nắm vững về quy trình kiểm toán. Hơn nữa, đặc điểm của các dự án đầu tư xây dựng công trình thường có mức đầu tư lớn, thời gian kéo dài, do đó đã bị tác động từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chính sách đền bù di dân giải phóng mặt bằng của khu vực; Giá cả thị trường của đất; Vật kiến trúc tại khu vực đền bù; Khu vực tái định cư; Sự tăng giảm của giá cả các loại vật tư trong quá trình đầu tư so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu; Các phát sinh do thay đổi thiết kế; Chủng loại vật tư thiết bị so với thiết kế; Dự toán ban đầu; Việc thay đổi tỷ giá với các vật tư thiết bị nhập ngoại...
Mỗi dự án lại có hình thức ký kết hợp đồng thực hiện khác nhau như: Hợp đồng giao khoán, hợp đồng trọn gói, hợp đồng trọn gói có điều chỉnh giá... Điều này đã gây khó khăn cho việc xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán.
Ví dụ như Công ty kiểm toán A thực hiện việc kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư tại Công ty X . Công ty X sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tiến hành đầu tư xây dựng công trình giao thông tại địa phương. Trong quá trình thực hiện, việc lập và phê duyệt dự toán gói thầu xây lắp công trình không đúng định mức, đơn giá theo quy định của Nhà nước. Dẫn đến việc xác định giá gói thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và giá ký kết hợp đồng xây lắp cũng bị ảnh hưởng. Việc kiểm toán lại giá quyết toán công trình gặp phải vướng mắc trong việc xác định giá trị giảm trừ và trách nhiệm của các bên liên quan do hợp đồng xây lắp được thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói, trong quá trình thi công nhà thầu thực hiện đầy đủ công việc theo hợp đồng. Giá trị quyết toán hợp đồng đúng theo giá trị đã ký kết…
Chưa kể, khi tiến hành kiểm toán các dự án đầu tư thường đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc cũng đã hoàn thành từng gói thầu hay từng phần hạng mục công trình. Tức là khi lao động sống và lao động quá khứ đã được chuyển hóa vào sản phẩm đầu tư xây dựng cơ bản. Sản phẩm dự án đầu tư lại là những công trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, kết cấu phức tạp, khối lượng chìm, ẩn, khuất nhiều… nên không khó khăn trong việc đo đạc kiểm nhận, xác định tính đúng đắn của khối lượng và chất lượng công trình, dự án được kiểm toán.
Trên thực tế, nhiều đoàn kiểm toán đã có nhiều cố gắng đo đạc khối lượng, thậm chí còn khoan, đào lấy mẫu công trình để kiểm tra chất lượng. Kết quả kiểm toán đã phát hiện được sai sót về số liệu thanh quyết toán của công trình, dự án. Tuy nhiên, việc làm này không nhiều, do những đặc điểm nói trên và những hạn chế về phương tiện, kỹ thuật kiểm toán khối lượng, chất lượng công trình. Vì vậy, nhiều khi đoàn kiểm toán cũng chỉ dừng ở mức độ nhận xét, đánh giá kỹ thuật, không kiến nghị giảm trừ được.
Cũng là những dự án đầu tư nhưng khi đoàn kiểm toán tiến hành kiểm toán chi phí giá thành, trong khuôn khổ của một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của DN (đối với tổng công ty 90,91), lại có hiện tượng chi phí giá thành không hợp lý so với giá thành dự toán công trình. Ví dụ như: sắt thép, xi măng - vật liệu chính, chủ yếu có giá trị cao trong giá thành nhưng khi xuất vào công trình và hạch toán giá thành lại thấp hơn rất nhiều so với dự toán.
Còn có nguyên nhân xuất phát từ hóa đơn, chứng từ hạch toán. “Án tại hồ sơ” là đơn vị đã xuất vật tư vào công trình không đảm bảo, có biểu hiện “rút ruột” công trình và dĩ nhiên khi công trình hoàn thành, dự án không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, đối tượng kiểm toán chỉ thực hiện báo cáo tài chính, nên đoàn kiểm toán không đưa ra kiến nghị xử lý các việc thuộc phạm vi kỹ thuật, chất lượng dự án đầu tư.
Từ những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ nếu chúng ta gắn kết được việc kiểm toán dự án đầu tư với việc kiểm toán chi phí giá thành xây dựng của các nhà thầu thì kết quả kiểm toán dự án đầu tư sẽ có chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc gắn kết theo cơ chế hoạt động như vậy sẽ rất khó. Hướng nghiên cứu bởi hiện nay đơn giản là khi kiểm toán dự án đầu tư, đoàn kiểm toán được kiểm tra, đối chiếu với giá thành xây dựng dự án của nhà thầu. Cao hơn là đồng thời tổ chức kiểm toán toàn bộ chi phí giá thành xây dựng dự án của nhà thầu (chi phí giá thành xây dựng công trình, dự án không phụ thuộc vào năm tài chính).
Chính vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện Bộ quy trình về kiểm toán công trình đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành là yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Bộ quy trình này sẽ giúp các kiểm toán viên, kỹ thuật viên thực hiện đầy đủ các bước, các thủ tục cần thiết trong việc kiểm toán các dự án, công trình; Đồng thời, giúp cho việc quản lý, giám sát, soát xét của các cấp trong các Công ty kiểm toán độc lập được chặt chẽ và hiệu quả nhất, qua đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình kiểm toán.
Yêu cầu về một Bộ quy trình chuẩn hoàn thiện
Kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình xây dựng cơ bản hoàn thành là một đặc trưng riêng biệt của kiểm toán tài chính. Nó là sự kết hợp chặt chẽ giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động trong cùng một cuộc kiểm toán, trong đó nổi bật là mối quan hệ giữa kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ.
Mục tiêu của kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành là giúp cho kiểm toán viên và công ty kiểm toán đưa ra ý kiến về Báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành có được lập trên cơ sở chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và quy định về quyết toán vốn đầu tư hiện hành; Có tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan về quản lý đầu tư xây dựng và có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình và kết quả đầu tư hay không?
Ví dụ như Công ty X đã tiến hành đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất được phản ánh bằng tài khoản 241 ( Chi phí xây dựng cơ bản dở dang) trên Báo cáo tài chính của công ty. Trong quá trình đầu tư xây dựng công trình, Công ty X đã thành lập Ban quản lý dự án để quản lý hoạt động đầu tư. Việc kiểm soát theo dõi chi phí của Ban quản lý dự án như các khoản tiền lương, phụ cấp, chi phí hoạt động phát sinh của Ban quản lý dự án liên quan chặt chẽ đến chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty được phản ánh trên Báo cáo tài chính. Một số khoản chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng như chi phí chạy thử, chi phí lãi vay cũng quan hệ ràng buộc với quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty. Khi tiến hành kiểm toán Báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành tại Công ty X Công ty Kiểm toán A kiểm toán cả việc đầu tư dây chuyền trên có trung thực và hợp lý hay không?
Theo đó, việc kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình xây dựng cơ bản hoàn thành thường thể hiện trên các khía cạnh sau:
- Xem xét báo cáo quyết toán có phản ánh trung thực hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không? Tính trung thực hợp lý được thể hiện trên các mặt như tình hình đầu tư, khối lượng, chất lượng của công trình và thời giá được quy định theo khu vực thi công.
- Xem xét báo cáo quyết toán lập ra có đúng mẫu biểu, đúng quy định của riêng lĩnh vực xây dựng cơ bản và đúng các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán được chấp nhận rộng rãi hay không?
- Xem xét thực hiện quản lý đầu tư và thi công xây dựng có đúng trình tự và đúng quy định hay không? Đồng thời, xem xét về toàn bộ số vốn đầu tư hợp lý tính vào công trình, số vốn đầu tư duyệt bỏ và số vốn đầu tư tài sản lưu động như thế nào?…
Như vậy, để xây dựng và ban hành được Bộ quy trình về kiểm toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành một cách hoàn chỉnh, các công ty kiểm toán độc lập cần chú ý những vấn đề sau:
Một là, yêu cầu về chủ trương và định hướng của Ban lãnh đạo: Đây là yếu tố đầu tiên và tiên quyết cho việc xây dựng, thực hiện và giám sát các quy định tại đơn vị trong việc thực hiện. Các chủ trương này được thể hiện trong các văn bản do ban lãnh đạo đơn vị ban hành với các tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hai là, yêu cầu về chuyên môn, kiến thức nhân sự: Các thành viên trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện phải có đầy đủ khả năng, chuyên môn được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.
Ba là, yêu cầu về thực hiện: Bộ quy trình được xây dựng, ban hành bằng văn bản, phổ biến áp dụng trong toàn công ty có sự giám sát của bộ phận soát xét độc lập theo các cấp độ cao hơn và khác nhau, trước khi trình ban giám đốc phê duyệt.
Bốn là, yêu cầu về tuân thủ: Mọi nhân viên, kiểm toán viên, kỹ thuật viên và các bộ phận liên quan phải tuân thủ và thực hiện một cách đầy đủ theo quy trình kiểm toán đã được ban hành.
Năm là, yêu cầu về cập nhật, đánh giá hiệu quả: Các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý công tác xây dựng cơ bản liên tục được hoàn thiện, do vậy định kỳ hàng năm, ban lãnh đạo đơn vị phải tiến hành xem xét, đánh giá bộ quy trình kiểm toán cho phù hợp với sự thay đổi các quy định nhà nước.
Đặc biệt, các công ty kiểm toán cần lập một ban chuyên trách và triển khai xây dựng Bộ quy trình theo trình tự sau:
(i) Hồ sơ pháp lý của dự án, công trình hoàn thành
(ii) Nguồn vốn đầu tư của dự án, công trình hoàn thành
(iii) Chi phí đầu tư của dự án, công trình hoàn thành:
- Chi phí của Ban quản lý dự án (chủ đầu tư)
- Chi phí của các nhà thầu
(iv) Chi phí đầu tư thiệt hại không tính vào giá trị tài sản
(v) Giá trị tài sản hình thành qua đầu tư
(vi) Tình hình công nợ, vật tư thiết bị tồn đọng
(vii) Tình hình chấp hành yêu cầu của các cơ quan quản lý cấp trên trong quá trình thực hiện dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cũng cần lưu ý tới những vấn đề như:
+ Chi phí đền bù đất, vật kiến trúc trong quá trình thực hiện
+ Chi phí chạy thử (quy định về chạy thử không tải, có tải, các chi phí phát sinh hợp lệ, thành phẩm thu được sau chạy thử, giá bán...)
Việc xây dựng và thực hiện thường xuyên Bộ quy trình về kiểm toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại các công ty kiểm toán độc lập là vấn đề sống còn, bởi nó là công cụ hữu hiệu trong công việc hạn chế thấp nhất các rủi ro kiểm toán trong hoạt động xây dựng cơ bản – một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nhất hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Dân sự số 33/2005/QH11 do Quốc hội ban hành ngày 27/06/2005;
2. Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 do Quốc hội ban hành ngày 26/11/2003;
3. Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 26/11/2013;
4. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 về kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành;
5. Quy trình kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành do công ty TNHH tư vấn thuế, kế toán và kiểm toán AVINA-IAFC ban hành năm 2007, các chỉnh sửa bổ sung các năm 2010, 2013;
6. Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn hiện nay- Khương Tiến Hùng (Theo Tạp chí kiểm toán);
7. Trang web vacpa.org.vn.
Hoàn thiện quy trình kiểm toán báo cáo quyết toán vốn công trình đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành
(Tài chính) Xây dựng cơ bản là lĩnh vực luôn chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn ở mức độ cao. Để hạn chế những sai phạm xảy ra, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện quy trình kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình hoàn thành trong các công ty kiểm toán độc lập.
Xem thêm