Hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội có nguy cơ gián đoạn


Từ 12 giờ ngày 24/7, TP. Hải Phòng áp dụng cách ly y tế tập trung 14 ngày với tất cả những người về/đi qua Hà Nội. Theo các doanh nghiệp, quy định này sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội qua cảng Hải Phòng có nguy cơ bị gián đoạn.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội qua cảng Hải Phòng có nguy cơ bị gián đoạn vì quy định mới của TP. Hải Phòng Nguồn: atgt.vn
Hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội qua cảng Hải Phòng có nguy cơ bị gián đoạn vì quy định mới của TP. Hải Phòng Nguồn: atgt.vn

Doanh nghiệp rối như tơ vò

Theo lịch, ngày 26/7, CTCP Sản xuất Havitech (Hải Phòng) sẽ phải đóng container tại cảng Hải Phòng để xuất khẩu đi Mỹ. Nguồn hàng được lấy từ nhà máy tại Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho biết, ngay khi nhận được thông tin TP. Hải Phòng sẽ buộc những người về/đi qua Hà Nội phải cách ly y tế tập trung 14 ngày từ 12 giờ trưa 24/7, Công ty rối như tơ vò.

Trưa 24/7, ngay khi biết tin, Công ty đã hỏi tại các chốt ở Hải Phòng được biết xe của Công ty đi từ Hải Phòng lên nhà máy như mọi khi sẽ không được chấp nhận. Nếu sang tải ở các điểm chốt cũng không được vì hàng hóa nặng, phải có máy móc thiết bị hỗ trợ. Hiện, công ty đang tính phương án đưa hàng từ Ba Vì sang Phú Thọ, nhờ một kho có thiết bị sang tải ở đó để chuyển sang xe của công ty chạy tuyến Phú Thọ - Hải Phòng, phát sinh rất nhiều công đoạn, đại diện công ty xác nhận.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, quy định mới của TP. Hải Phòng đang khiến toàn bộ hoạt động vận tải hàng hóa giữa Hà Nội – Hải Phòng bị đặt vào tình trạng hết sức căng thẳng khi các lái xe tải hàng hóa đều bị áp dụng quy định cách ly y tế tập trung 14 ngày. Trong khi đó, đáng ra văn bản cần phải phân biệt được đối tượng phòng chống dịch cần ưu tiên (xe – hàng hóa – lái xe điều khiển).

Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất của các tỉnh phía Bắc, cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất. Vì thế, hằng ngày có một khối lượng lớn hàng hóa từ Hải Phòng cần đưa lên Hà Nội để làm các khâu kế tiếp (tài xế phải về lại Hải Phòng) và ngược lại, hàng hóa từ Hà Nội phải chuyển tới cảng Hải Phòng để xuất khẩu.

Với quy định mới này của TP. Hải Phòng, các doanh nghiệp có thể đổi tài xế, sang tải... song không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện và số lượng tài xế để bố trí từng chặng. Bên cạnh đó, có nhiều loại hàng hóa không thể sang tải ở các chốt chặn quanh Hải Phòng vì cần thiết bị nâng cẩu, hỗ trợ đặc thù chỉ ở cảng hay trong khu sản xuất mới có.

Mặc dù TP. Hải Phòng đã “nới” cho doanh nghiệp khi yêu cầu đối với trường hợp từ Hà Nội về mà có giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR do các cơ sở được phép xét nghiệm khẳng định tại Hà Nội cấp thì thành phố sẽ xem xét giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, song theo đánh giá của doanh nghiệp, "cánh cửa" này rất hẹp và thiếu khả thi, vì thường phải mất cả ngày tới một ngày rưỡi mới có kết quả.

Nên áp dụng quy trình “lái xe không tiếp xúc”

Theo các doanh nghiệp, nếu TP. Hải Phòng không sớm gỡ vướng cho doanh nghiệp tại quy định buộc cách ly y tế tập trung với tất cả người về/đi qua Hà Nội, hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội sẽ bị gián đoạn, thậm chí phải dừng vì doanh nghiệp không đủ tài xế.

Do vậy, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị, Hải Phòng nên xem xét áp dụng lại quy định tại đợt dịch bùng phát lần thứ 3. Đó là yêu cầu các đơn vị vận tải có lái xe đi về từ vùng dịch bố trí chỗ ăn, ở tập trung cho lái xe; họ không được về nhà và không tiếp xúc với các nơi khác để hạn chế nguy cơ. Nếu áp dụng cách này, nhiều doanh nghiệp có thể thực hiện được ngay vì đã có sẵn hạ tầng.

 Đối với các đơn vị không có sẵn hạ tầng để lái xe ở tập trung, hoặc chỉ có 1 - 2 lái xe chuyên chạy, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng và đơn vị chức năng liên quan nên xem xét bố trí 1 - 2 khu vực của thành phố để tổ chức ở tập trung, có thể áp dụng trả phí. Với hai phương án trên, buộc doanh nghiệp, chủ xe, tài xế phải ký cam kết với Sở Giao thông Vận tải.

Bên cạnh đó, với các xe từ Hà Nội và vùng dịch khác đưa hàng đi cảng Hải Phòng để xuất khẩu, TP. Hải Phòng cần cho phép áp dụng quy trình "lái xe không tiếp xúc" mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đề nghị.

Theo đó, lái xe thực hiện 5K và mọi biện pháp sàng lọc nhanh tại các chốt, sau đó vào tới cảng hoặc các khu giao/nhận hàng thì ngồi tại buồng lái, không tiếp xúc với bất cứ ai của đơn vị đối tác. Công tác bốc vác, sang tải, giao nhận hàng sẽ bố trí lực lượng khác thực hiện.