Hơn 40 quốc gia đã ban hành chiến lược về hydrogen


Đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành chiến lược về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm phát triển ngành công nghiệp này.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu tại Diễn đàn cấp cao Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam, diễn ra chiều 28/10.

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kết hợp Khánh thành Cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Hệ sinh thái hydro sạch thể đóng góp 40 - 45 tỷ USD/năm cho Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trên thế giới, hydrogen đã được xem là nguồn năng lượng sạch, không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen.

Các quốc gia điển hình và đi đầu như EU, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Australia, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đáng chú ý, EU tập trung phát triển hydrogen xanh và đặt mục tiêu đạt 13 - 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050. Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển hydrogen sạch, bao gồm cả hydrogen xanh và hydrogen lam, với mục tiêu đạt lần lượt là 10% và 33% cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050.

Mới đây, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược phát triển hydrogen với mục tiêu đạt 10 triệu tấn hydrogen sạch/năm vào năm 2030 để loại bỏ carbon trong các lĩnh vực sản xuất amoniac và lọc dầu, và tăng lên 50 triệu tấn/năm để mở rộng phạm vi ứng dụng hydrogen vào năm 2050.

Còn tại Việt Nam, việc phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam cùng với các quốc gia khác trên thế giới, sẽ hướng tới nền kinh tế không phát thải các-bon vào năm 2050.

Theo đó, tại Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, sản xuất và sử dụng hydrogen được xem là giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng với định hướng từng bước sử dụng hydrogen thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong các ngành dịch vụ, thương mại. Sử dụng hydrogen thay thế than cốc trong luyện thép “xanh” từ năm 2035.

Định hướng phát triển lĩnh vực hydrogen gần đây đã được nhấn mạnh trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023).

Theo đó, lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ được đẩy mạnh phát triển, kết hợp với các loại hình năng lượng tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammoniac xanh) để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước. Nhu cầu sử dụng hydrogen và các sản phẩm gốc hydrogen cũng được xem xét, tính toán trong kịch bản phát triển tổng thể năng lượng Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40 - 50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa. Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Sớm thông qua cơ chế, chính sách cho hydrogen

Để tiến trình “hydrogen hóa” diễn ra một cách hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, các doanh nghiệp cần sự chuẩn bị và trang bị kỹ càng về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao để tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh; đồng thời, không ngừng học hỏi và cập nhật kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đi trước để tối ưu hóa trong nghiên cứu và thử nghiệm, đạt hiệu quả cao trong quá trình đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần sớm thông qua chính sách và cơ chế thích hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị liên quan đến hydrogen.

Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất hydrogen sạch, đồng thời cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này và thiết lập quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến hydrogen.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện có hơn 40 nước đã ban hành chiến lược phát triển hydrogen. Ảnh: Lê Tiên
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện có hơn 40 nước đã ban hành chiến lược phát triển hydrogen. Ảnh: Lê Tiên

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân xác nhận, hiện, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

"Chiến lược sẽ bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình, các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững”, Thứ trưởng thông tin.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn