Hơn một năm Luật An ninh mạng có hiệu lực: Xây dựng không gian mạng lành mạnh
Có hiệu lực từ tháng 1/2019, Luật An ninh mạng đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Nhiều vụ việc bị xử lý
Theo Thượng tá Lưu Thanh Long - Phó Trưởng phòng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều người dùng mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng, như vụ phát tán, chia sẻ các clip “nóng” của ca sĩ Văn Mai Hương. Phải làm sao để người dân biết nếu chia sẻ, phát tán các nội dung này lên mạng là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý.
Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, trước đây, nhiều cá nhân lên tiếng phản đối Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải nhờ đến cơ quan pháp luật, cần đến Luật An ninh mạng để được bảo vệ, như trường hợp ca sĩ Văn Mai Hương. Điều này chứng tỏ, Luật An ninh mạng rất cần thiết, để mỗi khi có những vụ việc thế này sẽ có công cụ xử lý kẻ vi phạm, hoặc để phòng ngừa không xảy ra những vụ việc tương tự.
Mới đây, Sở Thông ti và Truyền thông (TT&TT) TP. Hồ Chí Minh đã mời các nghệ sĩ tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân... đến làm việc vì đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Đáng chú ý, ngày 12/2, Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh đã công bố mức phạt với 3 nghệ sĩ này là 10 triệu đồng/người, căn cứ theo Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Có thể xử lý hình sự
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, cơ quan chức năng đã triệu tập các đối tượng, buộc gỡ các thông tin sai, cam kết không tái phạm. Đồng thời, căn cứ vào quy định pháp luật để xử phạt những trường hợp nghiêm trọng. Nếu sau khi bị xử lý hành chính vì tung tin giả mà tái phạm và có đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự.
Ngày 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4) được đánh giá là có quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn và phạt nặng hơn so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây. Nghị định này khi được kết hợp với Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ 13 tháng qua được kỳ vọng sẽ "song kiếm hợp bích" chống những hành vi xấu xí, có hại trên không gian mạng chung của cộng đồng.
Cụ thể Điều 101: Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, các "thánh chém gió" có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không chỉ phải đối mặt với các mức phạt vi phạm hành chính theo các nghị định, người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức án từ 6 tháng tới 7 năm tù.
Luật An ninh mạng được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, tạo môi trường bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn