Hợp lực đẩy lùi tín dụng đen
Các tổ chức tín dụng (TCTD) nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân
Lấy tín dụng chính thống đẩy lùi tín dụng đen
Có lẽ chưa lúc nào cụm từ “tín dụng đen” lại được nhắc đến nhiều như thời điểm này. Hầu hết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ gần đây của Chính phủ, ngành Ngân hàng và một số bộ ngành khác, vấn đề “tín dụng đen” đều được đề cập tới. Tại phiên họp quý I/2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng chia sẻ một số thông tin về vấn nạn này. Thống đốc cho biết, không chỉ ở Việt Nam, tín dụng đen xuất hiện ở rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Bởi, khi trong nền kinh tế có kinh tế không chính thức, ắt sẽ có tín dụng không chính thức.
Đối với nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng, đời sống sinh hoạt của người dân, Thống đốc cho rằng, hệ thống ngân hàng cần có trách nhiệm; trong đó trách nhiệm lớn nhất là VBSP và Agribank vì các ngân hàng này có mạng lưới phủ đến tận thôn bản. Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD này xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp, đáp ứng những nhu cầu tín dụng chính đáng cho người dân. Bên cạnh đó, NHNN kiến nghị với Chính phủ xem xét để VBSP báo cáo dừng bớt một số chương trình khác, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội hiện nay.
Không chỉ cam kết bằng lời, vấn đề tín dụng đen cũng đã được đưa vào một trong những nội dung tại Chỉ thị 01 về triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019. Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các TCTD nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ… giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi, hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.
Là ngân hàng bơm vốn chủ lực cho khu vực nông nghiệp nông thôn, hiện thực hóa nhiệm vụ được giao, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngân hàng này sẵn sàng cùng các ngành các cấp cả nước tuyên chiến với “tín dụng đen”. Hiện tại, ngân hàng này đã và đang triển khai các chương trình đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình cho vay, đổi mới phương thức cho vay, đẩy mạnh cho vay qua tổ, nhóm, triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Nhất là sẽ xem xét cấp hạn mức, mở rộng đối tượng thấu chi qua tài khoản thanh toán không cần đảm bảo bằng tài sản cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ổn định trên địa bàn nông thôn để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân dự kiến khoảng 5-10 nghìn tỷ đồng tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng...
Còn đối với VBSP, ngay tại phiên họp thường kỳ đầu tuần này, Thống đốc NHNN cũng đã yêu cầu ngân hàng phối hợp với các vụ, cục của NHNN khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp. Trong đó rà soát lại các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, qua đó góp phần cùng Ngành hạn chế “tín dụng đen”.
Tuy khuyến khích nhưng lãnh đạo NHNN nhấn mạnh cho vay tiêu dùng rủi ro rất lớn, nên NHNN yêu cầu VBSP và Agribank phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để đáp ứng vốn cho nhu cầu của đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, học sinh sinh viên, người lao động đồng thời đảm bảo an toàn vốn.
Cần sự hợp lực
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong hoạt động của mình các NHTM vẫn phải đặt tính an toàn lên hàng đầu. Theo đó cần phải từ chối nhiều khoản cho vay mà họ biết chắc hoặc cảm thấy là không thể thu hồi được dù cho đó là nhu cầu chính đáng.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, một mình hệ thống ngân hàng rất khó có thể đẩy lùi được tín dụng đen. Bởi giả sử một ngân hàng có tăng quy mô cho vay tiêu dùng lên 5 nghìn tỷ đồng, thậm chí là 10 nghìn tỷ đồng, thì vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vay nhanh, vay nóng của người dân cho mục đích cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Vì vậy theo khuyến nghị của các chuyên gia, thay vì “đấu trực tiếp” bằng cách tập trung tăng quy mô vốn, các ngân hàng nên chọn cách “đấu gián tiếp” thông qua việc cải thiện thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận lợi hơn để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả hơn. Bởi một trong những nguyên nhân chính làm người dân ngại tiếp cận với kênh tín dụng chính thống là điều kiện, thủ tục vay vốn phức tạp. Trong khi vay bên ngoài được vay nhanh chóng chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ là nhận được tiền vay ngay.
Tuy nhiên, để xử lý đến nơi đến chốn vấn nạn trên, theo giới chuyên môn bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng cần sự hợp lực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công an sẽ là cơ quan chủ lực trong việc loại trừ tín dụng đen. Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bộ sẽ tăng cường phối hợp các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về giao dịch, sử dụng vốn an toàn, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm liên quan tín dụng đen, đòi nợ thuê. Đồng thời Bộ Công an sẽ làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ tiệm cầm đồ tạm trú trên địa bàn, các đối tượng bất minh có nghi vấn về kinh tế liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành Công an cũng đề nghị ngành Ngân hàng phải quan tâm đến đạo đức ngân hàng, phối hợp triển khai các giải pháp ngăn chặn tội phạm liên quan đến tín dụng đen.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng đen bùng phát chính là do các chế tài xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy cần phải tăng chế tài xử phạt các đối tượng cho vay có những hành động ép buộc người vay một cách bất hợp pháp như đe dọa, quấy rối, khủng bố, dùng vũ lực… “Nếu luật pháp không nghiêm minh sẽ khó có thể răn đe được những đối tượng cho vay nặng lãi. Vì lợi nhuận thu được quá lớn khiến cho họ có thể bất chấp bằng mọi giá để đạt được mục đích của mình”, một chuyên gia bày tỏ.