Hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga: Thực trạng và triển vọng
(Tài chính) So với tiềm năng và truyền thống được hình thành từ thời kỳ Liên bang Xô viết, thì hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga chưa xứng tầm, còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả Việt Nam và Liên bang Nga đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới, quan hệ hợp tác giữa hai nước cần được thúc đẩy hơn nữa.
Những vấn đề đặt ra
Sau khi Liên bang Nga tuyên bố chủ quyền ngày 12/6/1990, tuy tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng nặng nề, nhưng Liên bang Nga và Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tháng 6/1994, hai nước đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Năm 2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Về hợp tác kinh tế, hai nước duy trì cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật. Đến nay, Ủy ban này đã tiến hành được 16 khóa họp bàn về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng, như: năng lượng, cơ khí chế tạo... Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước, năm 2007, Hội đồng Doanh nghiệp Nga - Việt được thành lập với 13 doanh nghiệp và các tổ chức tham gia nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, các hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại vào Liên bang Nga cũng được tổ chức.
Nhờ những nỗ lực từ phía cả hai nước, hợp tác kinh tế giữa hai bên đã có bước tiến lớn. Cụ thể trên một số lĩnh vực như sau:
Về lĩnh vực thương mại:
Trong khuôn khổ WTO, năm 2007, Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường. Hoạt động thương mại hai chiều đã có bước tăng trưởng mạnh. Các hàng hóa chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Nga, gồm: điện thoại, may mặc, nông - thủy - hải sản và một số mặt hàng khác; trong đó những mặt hàng có kim ngạch đạt hơn 10 triệu USD/năm, gồm: điện thoại, thủy - hải sản, cà phê, rau quả chế biến, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép... Việt Nam nhập khẩu từ Liên bang Nga chủ yếu là: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại và một số vật tư, thiết bị khác.
Nhìn chung, trong vài năm gần đẩy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga tăng trưởng mạnh với mức tăng trên 60%/năm, thậm chí có năm tăng trưởng đạt trên 100% (hơn gấp đôi). Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nga, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam tăng từ 580,9 triệu USD năm 2008 lên 1.334,6 triệu USD năm 2010 và đạt 802,8 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2013 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Nga trung bình hàng năm trên 100% (Bảng).
Tuy nhiên, xét về kim ngạch, hoạt động xuất - nhập khẩu giữa hai nước vẫn còn khá nhỏ bé. Xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (trong khi xuất khẩu sang Mỹ chiếm 18,8%, sang Nhật Bản chiếm 8,8%). Nếu không tính xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thì tỷ trọng này càng nhỏ bé. Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu sang Nga, ngoài dệt may và giày da, thì chủ yếu là nông - hải sản. Ngoài ra, xuất - nhập khẩu dịch vụ của cả hai bên còn hạn chế. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nga, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu dịch vụ giữa Nga và Việt Nam hằng năm chỉ đạt 200-400 triệu USD. Ngoài ra, tuy mức độ tăng trưởng cao, nhưng còn chưa vững chắc, kém ổn định.
Khó khăn trong xuất khẩu sang Nga chủ yếu là do: (i) các doanh nghiệp Việt Nam không có đầu mối giao dịch tập trung và ổn định tại thị trường Nga; (ii) thủ tục mở văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga còn phức tạp; (iii) chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp từ các nước khác xuất khẩu vào thị trường Nga; (iv) hệ thống pháp luật của Nga đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa đồng bộ, chưa ổn định; (v) khó khăn trong vấn đề thanh toán...
Về hợp tác trong lĩnh vực đầu tư:
Trong lĩnh vực đầu tư, hai nước đã có truyền thống lâu năm và đáng tin cậy với các dự án có tầm ảnh hưởng lớn đối với kinh tế Việt Nam, như: Việt - Xô Petro (chiếm 50% lượng dầu khai thác của Việt Nam), các dự án về thủy điện, cơ khí... Thời gian gần đây, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã tăng cường xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức. Đặc biệt, sau khi Nga trở thành thành viên thứ 156 của WTO, hoạt động đầu tư giữa hai nước có bước chuyển biến tích cực. Tháng 11/2012, Chính phủ hai nước đã thành lập Tổ công tác cấp cao do Bộ Công Thương hai nước đứng đầu về các dự án đầu tư được ưu tiên.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 6/2014, Nga có 101 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 1.956 triệu USD, đứng thứ 18 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Nga vào Việt Nam tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng.
Đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Liên bang Nga cũng có bước khởi sắc. Tính đến hết quý I/2013, Liên bang Nga là nước đứng thứ ba trong tổng số 59 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam với 17 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trong các dự án là 4,6 tỷ USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam là 2,36 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Nga chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và thương mại.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực hợp tác đầu tư hiện còn hạn chế so với tiềm năng, nhu cầu và truyền thống lâu năm giữa hai nước. Tuy vị thế và vốn đầu tư của hai quốc gia vào nhau có tăng lên, nhưng tỷ trọng đầu tư của Nga trong tổng số FDI ở Việt Nam còn thấp: chỉ chiếm 0,61% về số dự án; 0,82% về vốn đăng ký và 2,12% về vốn điều lệ trong tổng số các dự án FDI ở Việt Nam. Còn đầu tư của Việt Nam vào Nga tuy đứng thứ ba về tổng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 2,3% số dự án, 13,8% tổng vốn đầu tư, 15,2% tổng vốn các dự án hiện có. So với tổng vốn FDI của Nga, đầu tư của Việt Nam vào Nga hiện còn rất khiêm tốn.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác:
Ngoài hai lĩnh vực nêu trên, giữa hai nước đã và đang đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác, như: du lịch, đào tạo, khoa học, công nghệ.
Để thu hút khách du lịch từ Liên bang Nga, các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là tổ chức những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam và những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Từ năm 2009, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho du khách Nga vào Việt Nam.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo cũng từng bước được củng cố và phát triển. Nga liên tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam: năm 2011 Nga cấp cho Việt Nam 345 suất học bổng đại học và sau đại học tại các trường của Nga; năm 2012 tăng lên 575 suất. Hiện đã có khoảng hơn 5000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Ngoài ra, hai nước đã ký Biên bản phê duyệt dự án thành lập và phát triển Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam ngày 24/10/2011 tại Hà Nội.
Triển vọng phát triển
Hợp tác kinh tế Việt – Nga tuy đã có bước khởi sắc, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và đặc biệt là truyền thống lâu năm và tin cậy giữa hai nước. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần thúc đẩy nhanh và mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại để tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều. Để làm được điều này, cần sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của cả hai nước.
Đối với doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, cần tìm hiểu kỹ thị trường Nga. Với mức thu nhập bình quân đầu người 15-17 nghìn USD/năm, thì nhu cầu và khuynh hướng tiêu dùng của người Nga bây giờ rất khác với thời kỳ Liên Xô. Các doanh nghiệp lớn cần hình thành các văn phòng đại diện thương mại tại Nga để tìm hiểu và nắm chắc nhu cầu của thị trường này, nghiên cứu kỹ các điều kiện giảm thuế mà Nga cam kết gia nhập WTO cũng như những ưu đãi đối với một số nước mà Nga đã cam kết, trong đó có Việt Nam; chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để được trợ giúp; tăng cường hợp tác với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, như: Trung tâm Văn hóa, Thương mại và Khách sạn Hà Nội - Mátxcơva tại Nga.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần chú trọng định hướng phát triển hợp tác kinh tế với Nga nói chung và cho hoạt động xuất - nhập khẩu nói riêng như định hướng ngành hàng, định hướng thị trường. Cần có những khuyến cáo kịp thời giúp cho các doanh nghiệp định hướng xuất - nhập khẩu. Trong việc định hướng lựa chọn ngành hàng, cần nghiên cứu, dự báo mở rộng ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, đặc biệt là nông sản, thực phẩm đóng hộp, thậm chí là các hàng điện tử cao cấp. Trước mắt, việc mở rộng ngành hàng nhằm góp phần cung cấp hàng hóa cần thiết cho Nga trong bối cảnh Nga bị các nước phương Tây trừng phạt kinh tế. Ngoài ra, cần chủ động và tích cực vào cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trước hết, cần sự hướng dẫn, cung cấp thông tin và hỗ trợ của Phòng Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nga, Bộ Công Thương, VCCI và các cơ quan liên quan khác. Các cơ quan chức năng từ phía Liên bang Nga cũng cần hợp tác và giúp đỡ tích cực hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Cục Đăng ký quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Nga trong những vấn đề liên quan đến thành lập các văn phòng đại diện thương mại. Ngoài ra, cần có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục thanh toán của các doanh nghiệp tại Nga.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm: cả đầu tư của Việt Nam vào Nga và của Nga vào Việt Nam. Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, cần thiết phải xác định lại các ưu tiên đầu tư của cả hai bên mà mỗi bên đều có lợi thế. Một điều ít ai nghĩ tới trước đây là Việt Nam lại có thể hợp tác khai thác dầu khí tại Liên bang Nga. Các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan tại Nga, cần khảo sát, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư cả hai bên để họ lựa chọn trúng hướng đầu tư. Các cơ quan trong nước cần có biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư Nga để họ nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, ngoài các lĩnh vực đang triển khai đầu tư, cần nghiên cứu mở rộng lĩnh vực đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam sang Nga, chú ý cả các ngành như nông nghiệp (trồng rau, hoa quả, thủy sản, chăn nuôi...). Tích cực thu hút các nhà đầu tư Nga vào các lĩnh vực như hóa dầu, các công trình nhiệt điện, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ sửa chữa máy bay, đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ khách sạn...
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực du lịch, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Đây là những lĩnh vực vừa là cầu nối, vừa có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việc tăng cường hợp tác đào tạo không chỉ nâng cao chất lượng nhân lực của Việt Nam, mà còn là nguồn cung nhân lực cho các liên doanh, các doanh nghiệp của cả hai nước./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công Thương (2013). Kỷ yếu Diễn đàn kinh tế Việt - Nga lần thứ nhất, ngày 16/10/2013
2. Nguyễn Hữu Thắng (2014). Kinh tế Liên bang Nga: Hiện trạng và triển vọng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 12, tháng 6/2014
3. Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam (2014). Về thực trạng hợp tác kinh tế thương mại Nga - Việt 9 tháng đầu năm 2013, truy cập từ http://vietnam.ved.gov.ru/lng/russia/ relations
4. Tổng cục Thống kê (2014). Giá trị xuất khẩu phân theo một số nước, khối nước và vùng lãnh thổ chủ yếu và phân theo mặt hàng chủ yếu sơ bộ 6 tháng đầu năm 2014, truy cập từ http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=629&ItemID=15114
5. Cục Đầu tư nước ngoài (2014). Đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng năm 2014, truy cập từ http://fia.mpi.gov.vn/News.aspx?ctl=newsdetail&p=2.39&aID=1612