Hợp tác Việt – Nga trong lĩnh vực điện hạt nhân
(Tài chính) Trong hai ngày 2 và 3/2, tại Hà Nội, Bộ Khoa học - Công nghệ và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) đã họp về các nội dung phát triển khung pháp lý, đào tạo cán bộ có trình độ cao cho ngành công nghiệp điện hạt nhân, phát triển các Trung tâm Năng lượng hạt nhân, Khoa học và Công nghệ, công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam...
Trong ngày 2/2/2015, phiên họp giữa 2 bên xoay quanh các vấn đề như: Hành lang pháp lý và tính an toàn, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu. Trong ngày 3/2/2015, nội dung tham luận tập trung vào “Hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình” do ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và ông Vyacheslav Pershukov - Phó Tổng giám đốc ROSATOM chủ trì.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua. Trong quá trình triển khai một cách đồng bộ các hoạt động phục vụ phát triển điện hạt nhân của Việt Nam từ xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nguồn nhân lực, các đồng nghiệp Nga đã hỗ trợ Việt Nam một cách tích cực. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng với quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước và các kết quả đạt được trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác sau khoá họp này sẽ được triển khai tích cực và hiệu quả.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom Vyacheslav Pershukov cũng nhấn mạnh, trong các hoạt động hợp tác, lĩnh vực hạt nhân là lĩnh vực mới nhưng có nhiều triển vọng nhất. Ông bày tỏ cam kết Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động phục vụ phát triển điện hạt nhân như xây dựng một chương trình đào tạo tổng thể và dài hạn, tăng cường đào tạo trong lĩnh vực quản lý nhà nước và nghiên cứu triển khai, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, hỗ trợ kỹ thuật,… góp phần phát triển một cách an toàn và hiệu quả điện hạt nhân ở Việt Nam.
Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Trần Việt Thanh và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom Pershukov V.A đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Rosatom về hỗ trợ thông tin đối với các dự án chung trong lĩnh vực điện hạt nhân giai đoạn 2015-2020.
Biên bản ghi chỉ định rõ cơ quan đại diện cho Việt Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) và Nga (Rosatom) trong công tác phối hợp, hỗ trợ thông tin giai đoạn 2015 - 2020. Sau khi ký kết, các hoạt truyền thông về công nghiệp hạt nhân tại Việt Nam sẽ do Bộ Khoa học & Công nghệ và ROSATOM chính thức lập kế hoạch xúc tiến.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực, nhằm thực hiện Quyết định số 370/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020, đã giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ chịu trách nhiệm chính. Đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác ngày càng được tăng cường giữa Việt Nam và Nga về lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Nội dung biên bản ghi nhớ nêu rõ các khía cạnh hợp tác giữa Nga và Việt Nam bao gồm: Phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về công nghiệp hạt nhân và công nghệ bức xạ; tổ chức các chuyến thăm và làm việc từ hai phía đồng thời cử đại diện tham gia các hoạt động truyền thông của mỗi bên; hợp tác biên soạn và xuất bản các tài liệu phù hợp về công nghiệp điện hạt nhân; phối hợp tổ chức các hội nghị, triển lãm quốc tế, hội thảo chuyên đề,… về điện hạt nhân; tổ chức các hoạt động đào tạo cho đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông.
Trưởng phái đoàn của Nga, Phó Tổng Giám đốc ROSATOM, ông Vyacheslav Pershukov, nhấn mạnh rằng biên bản ghi nhớ nhằm xây dựng các chương trình hợp tác hỗ trợ thông tin tuyên truyền để thúc đẩy phát triển hạt nhân tại Việt Nam.
Ông Vyacheslav Pershukov cho biết: “Trong năm 2013, ROSATOM đã mở cửa trung tâm thông tin hạt nhân đầu tiên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi lên kế hoạch để hoạt động tích cực hơn trong tuyên truyền về công nghệ hạt nhân hiện đaị và tăng sự chấp nhận của công chúng về năng lượng hạt nhân tại Việt Nam, bao gồm những toạ đàm bàn tròn về các chủ đề về năng lượng hạt nhân. Biên bản ghi nhớ cũng tạo điều kiện cho việc thường xuyên trao đổi thông tin và chuyên môn, tổ chức các sự kiện chung để thúc đẩy năng lượng hạt nhân và tuyên truyền về sự an toàn và độ tin cậy đối với môi trường của loại hình năng lượng này”.