HOSE: Năm 2024, chất lượng báo cáo thường niên đồng đều hơn
Năm 2024, phần lớn báo cáo thường niên đạt điểm từ 70 – 90 điểm, đáng chú ý tỷ lệ doanh nghiệp có báo cáo đạt điểm cao từ 80-90 điểm tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Đáng chú ý, dù số lượng báo cáo thường niên năm 2024 đăng ký tham dự giải giảm song mặt bằng chất lượng lại đồng đều hơn.
Điểm trung bình báo cáo thường niên tăng nhẹ
2024 là năm thứ hai Lễ trao giải Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết (VLCA) do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Báo Đầu tư và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital tổ chức áp dụng việc đăng ký tham gia ở hạng mục báo cáo thường niên. Trong số 96 doanh nghiệp niêm yết đăng ký và đạt đủ điều kiện tham dự, đã có 30 doanh nghiệp xuất sắc nhất được chọn ra để vinh danh, gồm 10 doanh nghiệp tài chính và 20 doanh nghiệp phi tài chính.
Điểm trung bình các báo cáo được chấm năm 2024 đạt 72,16 điểm, tăng nhẹ khoảng 5,19% so với năm 2023. Phần lớn báo cáo thường niên đạt điểm từ 70 – 90 điểm, đáng chú ý tỷ lệ doanh nghiệp có báo cáo đạt điểm cao từ 80-90 điểm tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Qua đó, mặc dù số lượng báo cáo thường niên năm 2024 đăng ký tham dự giải giảm xuống, nhưng mặt bằng chất lượng năm nay đồng đều hơn.
Đối với nhóm Tài chính với số lượng báo cáo tham gia chấm không biến động nhiều, điểm trung bình đạt 74,32 điểm (tăng 2,30% so với năm 2023), điểm cao nhất đạt 93,79 điểm (tăng 3,44% so với năm 2023). Đối với nhóm phi Tài chính với số lượng báo cáo giảm, điểm trung bình đạt 71,39 điểm (tăng 5,70% so với năm 2023), điểm cao nhất đạt 93,41 điểm (tăng 2,70% so với năm 2023).
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tài chính tập trung vào công bố rủi ro, mô hình quản trị rủi ro, đánh giá nợ xấu và sử dụng vốn hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp phi tài chính lại nổi bật với các sáng kiến phát triển bền vững như tiết kiệm năng lượng, quản lý nguồn tài nguyên và tái sử dụng nguyên vật liệu. Điều này phản ánh rõ đặc thù kinh doanh và mục tiêu phát triển dài hạn của từng nhóm ngành.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch HOSE, Bộ tiêu chí đánh giá tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Về việc lập Báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh vẫn còn hạn chế, cụ thể năm 2024 có 36/96 doanh nghiệp tham gia giải có Báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh, chiếm 37,50% tổng số lượng báo cáo được đánh giá. So với năm 2023, số lượng báo cáo Tiếng Anh năm nay giảm 02 báo cáo, tuy nhiên, tỷ lệ tăng nhẹ (Năm 2023, có 38/116 báo cáo thường niên Tiếng Anh, tỷ lệ 32,76%).
2024 là năm thứ hai bộ tiêu chí đánh giá báo cáo thường niên gồm câu hỏi bắt buộc về việc công bố thông tin tác động môi trường của công ty. Năm nay, số lượng báo cáo đề cập giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính giảm nhẹ so với năm ngoái do số lượng tham gia giảm. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ số báo cáo công bố nội dung này trên tổng số báo cáo tham gia, các tỷ lệ này đều tăng, cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia hạng mục có sự đầu tư trình bày về nội dung môi trường – xã hội trên báo cáo thường niên nhằm truyền tải thông tin của doanh nghiệp cho cổ đông và nhà đầu tư.
Vẫn còn nhiều nội dung cần cải thiện
Theo Quyền Chủ tịch HOSE Nguyễn Thị Việt Hà, kết quả cho thấy nhiều điểm yếu cần cải thiện. Về nội dung quản trị công ty, đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, công bố thông tin theo luật định mà chưa tự nguyện áp dụng theo thông lệ tốt nhất về quản trị công ty.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm, nhiều báo cáo trình bày chưa rõ nét vị thế của doanh nghiệp cũng như đánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường.
Phần báo cáo/đánh giá của ban giám đốc còn chưa đầy đủ. Thông tin về môi trường xã hội cộng đồng, mục tiêu phát triển bền vững, thông tin về phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh chưa có sự tăng trưởng so với các năm trước