Hướng FDI vào công nghệ cao

Hải Long (Báo Đầu tư)

Lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và dịch vụ, nghiên cứu phát triển là trọng tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP.HCM quý IV/2012 và giai đoạn 2012 - 2015.

Hướng FDI vào công nghệ cao
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút vốn FDI của TP.HCM 10 tháng đầu năm 2012 đạt 10,48 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến (6,9 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng lượng vốn đăng ký), bất động sản (1,84 tỷ USD), bán buôn bán lẻ, sửa chữa (455,8 triệu đồng).

Số liệu trên cho thấy, lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là lĩnh vực tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp, bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố giá thuê đất, nhà xưởng và tình hình cung ứng, sử dụng lao động, cũng như các ưu đãi về thuế.

Thế nhưng, theo phân tích của ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM (Hepza), với các yếu tố kể trên, nếu so với các địa phương khác, TP.HCM rất khó có thể cạnh tranh. Nguyên nhân là, giá thuê đất ở tất cả các khu công nghiệp tại TP.HCM đều do các công ty phát triển hạ tầng đầu tư xây dựng và với giá đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng ở TP.HCM như hiện nay, thì giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở TP.HCM chắc chắn sẽ cao hơn các địa phương khác.

Tại TP.HCM, hiện chỉ có Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và Khu công viên phần mềm Quang Trung được áp dụng mức giá cho thuê đất ưu đãi. Tuy nhiên, để được đầu tư vào đây, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, chứ không thuần túy chỉ là các dự án sản xuất gia công.

Theo Ban Quản lý SHTP, mặc dù được áp dụng mức giá cho thuê đất 6 - 8 USD/m2/năm trong Giai đoạn I và 0,8 - 1,2 USD/m2/năm cho Giai đoạn II (chuẩn bị đầu tư xây dựng), nhưng để được cấp phép vào SHTP, nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao theo Quyết định 27/2006/QĐ-BKHCN. Theo đó, dự án phải được phê duyệt bởi hội đồng thẩm định công nghệ và nhà đầu tư phải cam kết chi tối thiểu 1% doanh thu hằng năm, sử dụng tối thiểu 5% lực lượng lao động có trình độ trên đại học cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Với những bất lợi trên, Công ty Calpis, doanh nghiệp sản xuất thức uống của Nhật Bản với thương hiệu cà phê lon Birdy tại thị trường Việt Nam, đang tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy sản xuất sản phẩm thức uống từ sữa ở Việt Nam cho biết, sẽ không chọn TP.HCM để đặt nhà máy, do giá thuê đất ở TP.HCM cao hơn các địa phương lân cận.

Một bất lợi nữa của TP.HCM là nguồn cung lao động phổ thông tại chỗ không dồi dào. Đa phần lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp ở TP.HCM là lao động ngoại tỉnh từ miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, các nhà máy tại khu công nghiệp TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, cũng như giữ chân lực lượng lao động.

Theo ông Phước, để giữ chân người lao động tại các nhà máy ở TP.HCM, ngoài chế độ lương phải cao hơn các địa phương, các doanh nghiệp còn phải đầu tư nhà ở, cũng như phương tiện đưa đón công nhân. Đây rõ ràng là một gánh nặng cho doanh nghiệp nếu so sánh với việc tận dụng lao động phổ thông tại chỗ ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Điển hình như trường hợp Công ty Freetrend (Đài Loan) hoạt động trong lĩnh vực da giày có nhà máy tại Khu công nghiệp Linh Trung 1, Linh Trung 2 (TP.HCM) đã phải mở rộng đầu tư về Bình Phước, Tiền Giang, do TP.HCM không đáp ứng được nguồn cung lao động.

Cũng theo ông Phước, hiện không còn quận, huyện nào của TP.HCM thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nên các ưu đãi đặc biệt về thuế cũng không còn.

Với những bất lợi kể trên, cộng với việc hệ thống giao thông thuận tiện, các tỉnh lân cận TP.HCM với quỹ đất và nguồn lao động dồi dào ngày càng có nhiều cơ hội đón luồng vốn FDI.

Vì vậy, theo ông Phước, TP.HCM sẽ tập trung phát huy các lợi thế là trung tâm kinh tế phía Nam để thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng chuyên gia và lao động bậc cao trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều sáng tạo, chất xám.