Hy Lạp đàm phán thất bại, nguy cơ vuột mất 31 tỷ USD

Theo VnExpress

Cuộc đàm phán nhằm có được gói cứu trợ mới thất bại khi Hy Lạp từ chối những yêu cầu "bất hợp lý" được EU, ECB và IMF đưa ra.

Hy Lạp đàm phán thất bại, nguy cơ vuột mất 31 tỷ USD

Mối quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đang trở nên tồi tệ hơn. Cuộc đàm phán về việc mở gói cứu trợ trị giá 31,5 tỷ euro cho Hy Lạp hôm thứ ba đã kết thúc trong tình trạng bất đồng gay gắt dù đã có nhiều nỗ lực thỏa hiệp giữa hai bên.

Nguyên nhân sự bất đồng bắt nguồn từ việc Thủ tướng Antonis Samaras không muốn tiếp tục cắt giảm lương của người lao động. Sau hơn hai năm thắt lưng buộc bụng, chính sách này càng đẩy Hy Lạp tiến đến gần bờ vực phá sản hơn. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi EU và IMF đưa ra thêm các yêu cầu ngặt nghèo.

Quan chức Hy Lạp cho biết, các điều kiện được đưa ra không nằm trong thỏa thuận khi Athens đăng ký gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ euro hồi tháng 3. Phần lớn họ đều từ chối các yêu cầu mới nhất này, trong đó có việc tiếp tục cắt giảm tiền lương, đồng nghĩa với việc điều kiện sống của người lao động sẽ giống như "thời trung cổ". Ông Poul Thomsen, Phụ trách vấn đề Hy Lạp của IMF cố gắng xoa dịu căng thẳng sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Yiannis Stournaras.

Với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong tháng 11, chính phủ Hy Lạp cần cắt giảm ngân sách 13,5 tỷ euro và cơ cấu lại trong dài hạn nếu không muốn vuột mất gói hỗ trợ trị giá 31,5 tỷ euro. Tuy nhiên, khi đất nước ngày một sa lầy trong suy thoái kinh tế, Hy Lạp không muốn tiếp tục tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắc khổ.

"Chúng ta phải đưa ra quyết định nhanh chóng, nhưng không được tùy tiện và không phải bằng mọi giá", ông Venizelos, Cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp nhận định. Vị cựu Bộ trưởng này còn cáo buộc nhóm Troika (bao gồm EU, IMF và ECB) đang đùa với lửa và có thể gây nguy hiểm cho cả Hy Lạp và EU. "Thay vì giúp cuộc đàm phán thành công, Troika lại cố ý đưa ra thêm các yêu cầu mới".

Chính phủ Hy Lạp đã lên kế hoạch cho thuê một số tài sản công bao gồm cả nhà máy lọc dầu và hai cảng tàu lớn nhất của quốc gia này. Đây được xem là một nỗ lực để Hy Lạp có thể trả nợ cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và thỏa mãn các điều kiện cho một gói cứu trợ quốc tế mới.