Hy vọng mới cho thị trường địa ốc
Sau khi Chính phủ cho phép quỹ đầu tư bất động sản được tổ chức và hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng, một số quỹ đầu tư nước ngoài đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này.

Danh tính cụ thể các quỹ này chưa được tiết lộ, nhưng theo ông Mai, việc đàm phán giữa các DN Việt Nam với đối tác đến từ nước ngoài là có triển vọng, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh địa ốc tại Việt Nam.
Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, quỹ đầu tư bất động sản phải đảm bảo tối thiểu 65% giá trị tài sản ròng được đầu tư vào bất động sản. Bên cạnh đó, quỹ phải đảm bảo tối đa 35% giá trị tài sản được đầu tư vào tiền, giấy tờ có giá, chứng khoán niêm yết, chứng khoán giao dịch, trái phiếu chính phủ. Tài sản của quỹ đầu tư bất động sản phải được lưu ký tại ngân hàng giám sát; bất động sản đầu tư phải được nắm giữ trong thời gian tối thiểu 2 năm kể từ ngày mua.
Cũng theo quy định mới ban hành, quỹ đầu tư bất động sản được đầu tư vào nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành. Nếu là công trình đang xây dựng dở dang, phải bảo đảm đã có hợp đồng giao dịch với khách hàng có thể bán được, hoặc sử dụng được, dự án phải được thực hiện đúng tiến độ, không phải là đất chưa có công trình xây dựng...
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nghị định mới của Chính phủ cho phép sự ra đời của quỹ đầu tư bất động sản là một trong những cơ sở quan trọng để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Giữa tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức, ông Philipp Roesler đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng ký bản ghi nhớ với ông Schwabisch Hall, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bausparrkasse (BSH, CHLB Đức) về việc đưa mô hình quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở của BSH đã được triển khai thành công tại Đức và một số quốc gia khác áp dụng tại Việt Nam. Bước đầu, hai bên thống nhất hình thành nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng cùng chuyên gia của BSH nghiên cứu mô hình này và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoặc xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả, an toàn cho các ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở tại Việt Nam.