IMF rút ra 3 bài học từ khủng hoảng tài chính

Theo Cafef

3 năm tính từ sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu, Quỹ tiền tệ quốc tế đưa ra câu trả lời về việc các Ngân hàng Trung ương cần học được gì từ sự sụp đổ đã kéo nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo báo cáo mới nhất công bố ngày thứ Ba, IMF nhận xét: “Khủng hoảng đã tạo ra sự sụp đổ hệ thống và khiến nguy cơ giảm phát, khủng hoảng tăng cao. Các Ngân hàng Trung ương đã giúp làm giảm mối nguy này thông qua việc thực hiện biện pháp ngoại lệ.”

Khủng hoảng, bắt đầu từ tình trạng thắt chặt thanh khoản tại hệ thông ngân hàng Mỹ, hàng loạt tổ chức tài chính sụp đổ, chính phủ buộc phải giải cứu các ngân hàng, thị trường chứng khoán thế giới “xuống dốc không phanh”.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ Đại Suy thoái thập niên 1930.

Các Ngân hàng Trung ương tại phần lớn nền kinh tế lớn đã cố gắng ứng phó với khủng hoảng bằng cách đưa ra nhiều biện pháp. Tại Mỹ, FED hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đưa ra kênh bơm thanh khoản lớn chưa từng có vào hệ thống tài chính và “phá băng” trên thị trường tín dụng.

Báo cáo với tựa đề Bài học cho các Ngân hàng Trung ương từ khủng hoảng đưa ra 3 lời khuyên lớn:

Thứ nhất, IMF tin rằng cần giải quyết khủng hoảng bằng cách sử dụng chính sách vĩ mô thận trọng để đảm bảo ổn định tài chính thông qua giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Biện pháp vĩ mô bao gồm yêu cầu về vốn, dự phòng rủi ro thua lỗ tương lai, tỷ lệ thanh khoản và định giá cẩn trọng.

Báo cáo có đoạn: “Tất cả tổ chức tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến hệ thống và thị trường cần được kiểm soát chặt chẽ. Các Ngân hàng Trung ương cần đóng vai trò chủ chốt dù có phải là cơ quan điều tiết chính hay không.”

Thứ hai, IMF cho rằng sự ổn định về giá cần là mục tiêu chủ chốt của chính sách tiền tệ.

Theo IMF, Ngân hàng Trung ương cần đảm bảo được sự ổn định giá họ có được trước khủng hoảng và bảo vệ quyền lợi công. Hoạt động kiểm soát và phân tích diễn biến của hệ thống tài chính cần được kết hợp vào sự hình thành và thực chi chính sách tiền tệ.

Thứ ba, IMF tin các Ngân hàng Trung ương cần thay đổi hoạt động thanh khoản và quản lý khung hoạt động chống khủng hoảng trong đó có việc giải quyết vấn đề rủi ro đạo đức.

IMF đánh giá thay đổi đối với tính linh hoạt trong khung hoạt động của các Ngân hàng Trung ương sẽ giúp cải thiện sự ổn định của hệ thống. Các tổ chức và thị trường đã nhận thanh khoản trong thời kỳ khủng hoảng cần được kiểm soát và điều tiết chặt chẽ.