Indonesia tăng giá xăng hơn 30%

Theo BBC, Vnexpress.net

Sau khi tăng giá, mỗi lít xăng tương đương khoảng 13.700 đồng Việt Nam. Quyết định này vẫn gây ra tranh cãi tại Indonesia, mặc dù Chính phủ cam kết hỗ trợ hơn 900 triệu USD cho các hộ nghèo.

Indonesia tăng giá xăng hơn 30%
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quốc hội Indonesia vừa thông qua ngân sách sửa đổi năm 2013. Theo đó, giá nhiên liệu tăng trung bình 33% sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể khoản trợ cấp xăng dầu đang rút cạn ngân sách nước này. Giá xăng có trợ cấp mới sẽ là 6.500 rupiah (13.700 đồng) và dầu diesel là 5.500 rupiah (11.500 đồng).

Thời điểm giá mới có hiệu lực chưa được ấn định. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Indonesia - Chatib Basri dự kiến mở họp báo trong hôm nay (18/6).

Đề xuất tăng giá xăng năm ngoái của Indonesia đã dẫn đến biểu tình phản đối trên khắp quốc đảo này. Các đảng đối lập cũng tham gia cuộc chiến này, dù nhiều nhà kinh tế cho biết đây là việc cần thiết với tương lai đất nước.

Năm nay, động thái lần của Chính phủ không gây ra phản ứng mạnh như năm ngoái, dù biểu tình vẫn nổ ra. Đó là do Indonesia đã cam kết hỗ trợ tiền mặt trị giá hơn 900 triệu USD cho 15 triệu hộ nghèo trên cả nước.

Indonesia từng là địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư khu vực và được coi là ngôi sao trong các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, danh tiếng của họ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những chỉ trích về chương trình trợ giá nhiên liệu. Việc này đã gây áp lực lên thâm hụt tài khoản vãng lai, thị trường chứng khoán và cả đồng nội tệ Indonesia - rupiah.

Quyết định tăng giá sẽ đẩy cao lạm phát trong ngắn hạn, lên 7% - 8% từ 5% hiện tại. Giá hàng hóa tại Indonesia cũng đã bắt đầu tăng theo. Anh Ade, một người bán rong tại Jakarta cho biết: "Mọi người đều biết là giá xăng sẽ tăng. Thế nên giá các thực phẩm thường ngày như gạo hay rau đã tăng lên rồi". Theo giới phân tích, đây là “viên thuốc đắng” mà Indonesia phải chấp nhận.

Tăng giá là một động thái rất nhạy cảm tại Indonesia. Năm 1998, cựu Tổng thống độc tài Suharto đã phải từ chức sau ba thập kỷ lãnh đạo, sau khi ý định xóa bỏ trợ giá thổi bùng làn sóng phản đối trên khắp các đường phố Jakarta. Đây cũng là quãng thời gian u ám nhất trong nền kinh tế nước này.