Iran: Thử thách kinh tế nặng nề với tân Tổng thống
Ông Ebrahim Raisi sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 5.8 tới với tư cách là Tổng thống thứ 8 của Iran. Kèm theo vị trí mới sẽ là trọng trách nặng nề nhằm khôi phục nền kinh tế quốc gia đang gặp vô vàn khó khăn, mà số phận của nó đan xen với nhiều biến động chính trị.
Nhiệm vụ của Hercules
Chính phủ mà ông Raisi cam kết thành lập mang “nhiệm vụ của Hercules” (vị anh hùng có sức mạnh phi thường trong thần thoại Hy Lạp) là khắc phục nền kinh tế đang phải chịu quá nhiều thách thức kết hợp, từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đến đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề cấu trúc chưa hiệu quả khác đã tồn tại nhiều thập kỷ.
Theo Al Jazeera, một trong những khó khăn kinh tế không thể tránh khỏi đang ngày càng khiến cuộc sống hàng ngày của người dân Iran trở nên khó khăn hơn là lạm phát. Nhiều nhà kinh tế và phân tích nước này dự kiến, nó sẽ duy trì trên 40% ít nhất cho đến cuối năm nay. Tình trạng này xảy ra trong khi Ngân hàng Trung ương đặt mục tiêu lạm phát hàng năm là 22% cho cả năm trước và năm dương lịch hiện tại của Iran, vốn kết thúc vào tháng 3.2022.
Trong cuộc họp giữa các nhà kinh tế với ông Raisi vào đầu tháng 7, nhà kinh tế Masoud Nili từng cảnh báo, “thật không may, ngày nay chúng ta đang đứng trên bờ vực của tình trạng lạm phát nghiêm trọng và không thể kiểm soát được”.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Iran, lạm phát thực phẩm đã vượt ngưỡng “khủng hoảng” trong tháng kết thúc vào ngày 21.6, với hơn hai phần ba các mặt hàng chủ lực như thịt, gạo và trái cây có mức tăng giá trung bình hàng năm ít nhất là 24%. Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác thậm chí còn vượt xa con số đó, với giá bơ, thịt gà và dầu lỏng tăng vọt lần lượt là 121%, 118% và 89% trong năm qua.
Thực tế, giá lương thực toàn cầu đã tăng vọt trong năm nay khi nhiều nền kinh tế thắt chặt lại các biện pháp hạn chế chống Covid-19 và hoãn mở cửa trở lại cho hoạt động kinh doanh, gây ra tắc nghẽn nguồn cung. Nhưng điều đó chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát của Iran trong đại dịch. Nguồn cung tiền tăng vọt là thủ phạm chính khiến đồng rial của Iran mất giá, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã chặn nước này tiếp cận với nguồn dự trữ tiền tệ của chính mình bên ngoài quốc gia.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng khiến Iran bị loại khỏi nền kinh tế toàn cầu, cắt giảm doanh thu và thu nhập từ dầu mỏ. Khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh cấm Iran từ hết danh sách đen này đến danh sách đen khác, chính phủ trước đây của cựu Tổng thống Hassan Rouhani tiếp tục phải dựa vào Ngân hàng Trung ương để in thêm tiền.
Kể từ năm 2018, khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc trên thế giới và bắt tay vào chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm gây khó khăn cho nền kinh tế Iran, các quan chức nước này từng cam kết đưa ra “cải cách cơ cấu” để tránh ngân sách căng thẳng của quốc gia bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn doanh thu từ dầu mỏ.
Hiện nay, Iran đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn được cho là lên tới 3 triệu tỷ rials (12 tỷ USD) cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3.2022. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đối với tất cả người lao động là 9,6% cho năm dương lịch kết thúc vào tháng 3, theo Ngân hàng Trung ương, và 16,7% đối với thanh niên từ 18 đến 35 tuổi. Lạm phát, cùng với bất bình đẳng, tham nhũng và nhà ở đều là những vấn đề nổi lên trong các cuộc tranh luận tổng thống trên truyền hình vào tháng Sáu vừa qua.
Ông Raisi hứa sẽ xây 4 triệu ngôi nhà trong 4 năm để giảm bớt tình trạng khủng hoảng nhà ở, đại tu hệ thống ngân hàng lỗi thời, tạo ra một triệu việc làm hàng năm và giảm một nửa lạm phát trước khi dần dần đưa nó xuống một con số. Những người tiền nhiệm của ông từng đưa ra những lời hứa tương tự, nhưng phần lớn họ không thực hiện được.
Yếu tố JCPOA
Các nhà lãnh đạo Iran cho biết, bằng cách dựa vào học thuyết “nền kinh tế kháng cự” về thúc đẩy sản xuất địa phương, đất nước đã vượt qua phần lớn cơn bão trừng phạt của Mỹ và đại dịch chết chóc nhất ở Trung Đông. Ngân hàng Trung ương Iran tuyên bố, nền kinh tế đã tăng trưởng 3,6% trong năm dương lịch trước đó kết thúc vào cuối tháng 3.
Nhưng ngay cả những người theo đường lối cứng rắn của đất nước, những người vốn dành nhiều năm đánh giá thỏa thuận hạt nhân là một thất bại nặng nề, đã phải phát biểu nó phải được khôi phục. Tổng thống Raisi cũng cam kết sẽ thành lập một chính phủ “mạnh” có khả năng đòi hỏi nhượng bộ từ phương Tây trong các cuộc đàm phán về Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), vì thỏa thuận hạt nhân chính thức này sẽ giúp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thậm chí, cả khi thỏa thuận hạt nhân được hồi sinh với ít hoặc không có thay đổi so với văn bản ban đầu của nó, nhà kinh tế học Meysam Hashemkhani nhận định, tác động tức thời lên nền kinh tế sẽ rất khiêm tốn. Ông nói: “Cả thế giới đã chứng kiến việc [cựu Tổng thống Mỹ] Trump rút khỏi JCPOA và sẽ xem xét nguy cơ điều gì đó tương tự xảy ra một lần nữa trong giao dịch với Iran”. “Ngay cả khi họ có thể nghĩ ông Trump sai, thì họ đã thấy những gì đã xảy ra. Vì vậy, JCPOA giờ đây phải duy trì ổn định trong một vài năm để những người khác tin rằng nó bền vững”.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhà kinh tế Hashemkhani tin rằng, việc khôi phục hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân có thể ngăn chặn một số thiệt hại thêm cho đất nước, nhất là khi các doanh nghiệp khu vực tư nhân bị bao vây của Iran đang phải đối mặt với vô số thách thức, điển hình như vấn đề chuyển tiền. Chính phủ có thể bán nhiều dầu hơn, nhưng Hashemkhani không lạc quan rằng điều đó sẽ chuyển thành cải tiến lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc vào dầu, vốn phải đối phó với nhiều vấn đề cơ cấu tương tự trong nhiều thập kỷ.
Về lâu dài, theo ông, Iran nên tận dụng các cơ hội được tạo ra từ việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân bằng cách tự bảo vệ chống lại khả năng nó tan rã một lần nữa. Ông cho rằng, “Iran phải đạt được các liên minh chiến lược với các nước trong khu vực dưới hình thức các thỏa thuận thương mại dài hạn kéo dài ít nhất 15 năm”. Ông nói thêm, thông qua các thỏa thuận này, đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận du lịch và đầu tư, các lợi ích trong khu vực sẽ trở nên đan xen nhau đến mức Mỹ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi xem xét gia hạn JCPOA một lần nữa.
Hashemkhani cũng tin rằng, việc giải quyết các vấn đề lâu dài như thâm hụt ngân sách và lạm phát không bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt, nên có thể được khắc phục thông qua các thay đổi chính sách như bãi bỏ tỷ giá tiền tệ nhân tạo cho hàng nhập khẩu...
Ông cho biết, các nước láng giềng Iraq và Afghanistan, chẳng hạn, cũng phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng lớn hơn và bất ổn liên tục nhưng vẫn duy trì được lạm phát ở mức một con số. “Ngược lại, lạm phát ở Iran ở mức trung bình 15% trong ba năm JCPOA có hiệu lực”, ông nói.