JCER: Kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ vượt được Mỹ sau hơn 10 năm nữa
Bắc Kinh đang tự làm tổn hại đến tiềm năng tăng trưởng của kinh tế nước này bằng việc siết chặt kiểm soát các ngành công nghệ cao và nhiều ngành lớn khác, chuyên gia phân tích nhận định.
Quy mô kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033 chứ không phải năm 2029 như dự báo được đưa ra cách đây 1 năm bởi Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật (JCER).
Trong nghiên cứu gần nhất, JCER cho rằng Bắc Kinh đang tự làm tổn hại đến tiềm năng tăng trưởng của kinh tế nước này bằng việc siết chặt kiểm soát các ngành công nghệ cao và nhiều ngành lớn khác.
Báo cáo công bố vào ngày thứ Tư này, cũng nói đến quá trình phi các bon hóa tại Trung Quốc cũng như một số vấn đề nợ nần lớn, cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản tiêu biểu với lùm xùm liên quan đến Evergrande và nhiều yếu tố khác gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.
JCER dự báo vào năm 2027, Hàn Quốc sẽ vượt qua Nhật xét đến chỉ số về tài sản cá nhân, một năm sau đó, Đài Loan sẽ làm được điều tương tự. Nguyên nhân chính bởi quá trình số hóa trong chính phủ và nhiều ngành nghề của Nhật diễn ra quá chậm chạp gây tổn hại đến năng suất lao động của Nhật.
JCER đã có những tính toán về tăng trưởng kinh tế của 18 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2035. Đồng thời JCER cũng phân tích GDP bình quân đầu người, một chỉ số quan trọng của tài sản cá nhân, với nhóm các nền kinh tế này.
JCER dự báo GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033. Năm ngoái, JCER từng dự báo sự đảo chiều về quy mô kinh tế này sẽ diễn ra vào năm 2028 nếu đại dịch COVID-19 trở nên căng thẳng hơn, hoặc vào năm 2029 nếu đại dịch theo đúng kịch bản kỳ vọng.
Còn theo tính toán mới nhất, quá trình kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ diễn ra chậm hơn từ 4 đến 5 năm.
Sự điều chỉnh mới nhất diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, điều này sẽ làm giảm năng suất lao động. Ngoài ra, đầu tư dự kiến sẽ giảm đi sau khi Trung Quốc áp dụng quy định quản lý tài chính chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn đầu tư quá mức vào lĩnh vực bất động sản.
Dự báo mới nhất cũng đã tính toán đến việc kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng trong năm nay nhờ vào gói kích cầu quy mô lớn được Quốc hội Mỹ thông qua.
Các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc hiện đang hứng chịu tác động nặng nề từ việc kinh tế chững lại, điều này tạo ra thêm áp lực tài chính lên một ngành vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều quy định mới trong năm nay.
Theo WSJ, một số doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 đi xuống do điều kiện kinh tế vĩ mô đi xuống. Tập đoàn sở hữu ứng dụng mạng xã hội và kinh doanh trò chơi trực tuyến lớn của Trung Quốc Tencent Holdings thông báo doanh thu quý tăng trưởng chậm nhất tính từ khi doanh nghiệp bắt đầu IPO vào năm 2004.
Công ty vận chuyển hàng hóa Meituan công bố tăng trưởng đơn hàng vận chuyển thực phẩm suy giảm mạnh. Công ty sở hữu ứng dụng tìm kiếm trực tuyến Baido thông bố doanh số bán quảng cáo giảm, cùng lúc đó tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm tài khóa hiện tại.
Nhiều thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc phải đương đầu tương phản hoàn toàn với kết quả kinh doanh gây ấn tượng của nhiều doanh nghiệp Mỹ như Alphabet hay Microsoft, họ được hưởng lợi nhờ hoạt động mua sắm trực tuyến và làm việc từ xa tăng trưởng tốt.
Dù rằng tăng trưởng doanh số của Amazon chững lại trong bối cảnh nhiều yếu tố gián đoạn nguồn cung ngày một nhiều hơn và lao động thiếu hụt, cả Amazon và Google để cho biết nhu cầu với quảng cáo số tăng mạnh.
Cho đến nay, nhiều nền tảng Internet tại Trung Quốc đương đầu với tác động từ chính sách mới của giới chức bao gồm thu thập dữ liệu, thuật toán hoặc thời gian trực tuyến.
Kinh tế Trung Quốc quý 3/2021 tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và chững lại đáng kể so với mức tăng trưởng 7,9% của quý liền trước. Gần đây, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chịu áp lực bởi nhiều yếu tố bao gồm thiếu điện, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và việc chính phủ siết chặt kiểm soát với nhiều ngành nghề như công nghệ, bất động sản và giáo dục.