Kế hoạch tài chính cần đạt trước tuổi 30
Lên kế hoạch chi tiết, mục tiêu phù hợp sẽ giúp bạn trẻ vượt qua khó khăn khởi đầu trong công việc, tích lũy thu nhập và từng bước tự chủ tài chính trong tương lai.
Dưới đây là những mục tiêu tài chính mà các bạn trẻ lứa tuổi 20-30 có thể đặt ra tùy theo từng thời điểm để có được cuộc sống thoải mái sau này.
Công việc đầu tiên
Theo 8morning - website hướng nghiệp dành cho các bạn trẻ Việt, muốn tìm việc thì ngoài kiến thức trường lớp cần phải tự học hỏi để nâng cao kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp…
Để chọn công việc phù hợp có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, đôi khi phải làm việc trái ngành hay thử liên tiếp vài ba công việc "bàn đạp" khác nhau. Thời điểm cầm trên tay những tháng lương đầu sẽ mang đến cảm giác tuyệt vời vì đây chính là cột mốc tài chính thứ nhất ngay sau khi hoàn thành việc học.
Tài khoản và thẻ ngân hàng đầu tiên
Chỉ cần bước qua tuổi 18, bạn trẻ có thể mở tài khoản và sở hữu chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên như một chiếc ví điện tử tiện lợi. Thu Hà (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết có được tài khoản và thẻ ngân hàng đầu tiên là do công ty mở để chuyển lương.
"Mấy ngày đầu cũng thấy bất tiện vì cứ phải ra ATM rút tiền. Giờ thì mình lại không quen cầm quá nhiều tiền mặt mà cứ để trong thẻ cho an toàn, các giao dịch lưu trữ trực tuyến dễ quản lý mỗi tháng. Cần gửi tiền đi đâu chỉ cần cầm điện thoại chuyển khoản, tiện và nhanh chóng hơn", Thu Hà chia sẻ.
Nếu đã qua ngưỡng 20 tuổi mà vẫn chưa có tài khoản ngân hàng thì đây chính lúc bạn trẻ cần ưu tiên thực hiện. Chỉ cần dành ít thời gian ra ngân hàng mở thẻ và bắt đầu học những kiến thức tài chính đầu tiên qua việc quản lý tài khoản. Đây cũng là minh chứng cho việc bạn đã bước qua ranh giới trưởng thành và bắt đầu có trách nhiệm trong nghĩa vụ tài chính của bản thân mình.
Chiếc thẻ tín dụng đầu tiên
Sau khi đã có công việc "chuẩn" và nhận 3 tháng lương đầu tiên, bạn có thể đủ điều kiện đăng ký tài khoản tín dụng. Đây là bước "nâng cấp" trong việc sở hữu tài khoản ngân hàng, góp phần nâng cao kỹ năng và trình độ quản lý tài chính lên một bậc.
Việc mở thẻ tín dụng sẽ tùy vào mức thu nhập hằng tháng. Gia Hoàng (ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh) nhận xét thường các ngân hàng quốc tế đòi hỏi phải chứng minh mức thu nhập khá cao khi mở thẻ tín dụng. Trong khi đó các ngân hàng nội địa lại có yêu cầu mở thẻ đơn giản và nhanh chóng hơn trong khi vẫn đáp ứng đủ các dịch vụ cần thiết.
"Như vừa rồi, mình mới mở thẻ Visa tại Viet Capital Bank chỉ phải gửi hồ sơ qua website, gửi sao kê chứng minh thu nhập từ 5 triệu. Trong vòng một ngày là có nhân viên gọi điện tư vấn để làm thủ tục mở thẻ ngay luôn", Gia Hoàng nói.
Mở tài khoản tín dụng là quyết định chiến lược cho kế hoạch tài chính cá nhân lâu dài. Thẻ tín dụng sẽ đem lại khoản dự phòng và là cơ hội tự xoay vòng vốn cho bản thân trong tương lai gần. Hãy xem đây là dịp khẳng định khả năng tự chủ tài chính không chỉ trước bố mẹ mà còn với vai trò là một mắt xích trong nền kinh tế.
Lần đầu tiên đầu tư
Khi tích lũy được 10 triệu hay vài chục triệu, cần mạnh dạn lên kế hoạch phát triển nguồn tiền của mình. Đối với việc đầu tư, nhất là dài hạn, giai đoạn tìm hiểu và chuẩn bị còn quan trọng hơn cả việc có bao nhiêu tiền, cần chọn kênh phù hợp với tầm nhìn và nhu cầu.
Theo nghiên cứu của đại học MIT (Mỹ), người trưởng thành ở độ tuổi 25 có khả năng ghi nhớ tốt nhất và khả năng này sẽ mai một dần từ 35 tuổi trở về sau. Do vậy trong giai đoạn tuổi trẻ cần đầu tư vào việc tiếp tục học tập và rèn luyện kỹ năng. Đó có thể là đăng ký học một ngôn ngữ, kiến thức mới hay các kỹ năng mềm.
Sau khi vững vàng về kiến thức, bạn có thể lên kế hoạch với những khoản đầu tư nhỏ và an toàn như kinh doanh online hoặc đầu tư cùng bạn bè thay vì một mình.
Từ trải nghiệm tự tạo cho mình thói quen góp vốn để sinh những khoản lời nhỏ như trên, bạn sẽ dần tự tin để có thể mở rộng việc đầu tư của mình qua từng năm. Khi đầu tư, lên kế hoạch và quan sát càng sớm thì khả năng thành công càng cao.
Tự mua chiếc xe đầu tiên
Những mục tiêu nêu trên chủ yếu hướng đến việc kiếm tiền, nhưng cách chi tiền cũng quan trọng trong kế hoạch tài chính. Tự mua chiếc smartphone "xịn", laptop hay chiếc xe đầu tiên là những quyết định chi tiêu quan trọng vì đây là khoản chi cần thiết, tương đối giá trị và hoàn toàn nằm trong khả năng của mình.
"Trước đây dùng xe cũ của bố nên ngay trong năm đầu ra trường mình đã đặt ngay mục tiêu sắm xe riêng bằng tiền để dành. Dù chiếc xe máy không có gì quá 'khủng' nhưng mình cảm thấy tự lập khi không hoàn toàn dựa vào bố mẹ nữa", Nguyên Khoa (ngụ quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) hào hứng chia sẻ.
Cách xoay xở để mua chiếc xe đầu tiên cũng cho bạn nhiều bài học về cân đối tài chính như mua xe bằng tiền tiết kiệm, mua trả góp chịu lãi suất hay mua xe cũ để giảm thiểu chi phí. Những kinh nghiệm này sẽ có ích khi chọn mua các vật dụng giá trị trong tương lai.
Tự mua ngôi nhà đầu tiên
Mục tiêu tiếp theo của bạn trẻ sẽ là an cư và không dễ đạt được điều này trước 30 tuổi. Hơn cả việc mua một chiếc xe, mua nhà đòi hỏi phải có điều kiện tài chính cao ở mức nhất định.
Vì vậy, phải có sẵn trong tay ít nhất 30% tổng chi phí mua nhà, số tiền còn lại có thể vay mượn ngân hàng hoặc người thân trong gia đình. Điều này tương đương với việc bạn có trách nhiệm phải "thu hoạch" nhiều hơn và chi tiêu hợp lý hơn để trả khoản vay.
Khi sở hữu ngôi nhà đầu tiên bằng chính nỗ lực, công sức của mình, bạn đã làm chủ được cuộc sống. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng tổ ấm gia đình, tạo nền tảng phát triển sự nghiệp trong tương lai.