Kẻ ngoại đạo

Theo Đại Biểu Nhân dân

Trong khi tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) gần như giậm chân tại chỗ, hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại mà Brussels đang theo đuổi với các đối tác lớn khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó tránh khỏi cảm giác là người thừa tại châu Âu.

Kẻ ngoại đạo
Ảnh minh họa. Nguồn: cartoonmovement.com

Theo bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng thứ 17. Nước này từng hy vọng việc gia nhập mái nhà chung châu Âu sẽ tạo động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh và trong 10 năm sẽ nhảy lên 7 bậc. Tuy nhiên, tiến trình thương lượng không thuận lợi vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, khiến Ankara tạm thời gác lại giấc mơ EU. Thỏa thuận liên minh thuế quan giữa nước này và EU tạm coi là chấp nhận được cho quan hệ giữa hai đối tác này. 

Song, trước thực tế buộc phải là “kẻ ngoại đạo” trong đàm phán về các hiệp định tự do thương mại (FTA) của EU với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản… Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc lại vị thế cũng như lợi – hại của mình trong việc duy trì liên minh thuế quan với “lục địa già”. 

Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer Caglayan tuyên bố Ankara sẵn sàng thừa nhận trong gần hai thập kỷ qua, liên minh thuế quan đã giúp nền kinh tế nước này thăng hoa, nhưng các FTA mới của EU sẽ tạo ra gánh nặng cho nước này.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận liên minh thuế quan ký với EU hồi năm 1995, một nước thứ ba ký FTA với Brussels đương nhiên sẽ được hưởng các quy chế ưu đãi khi tiếp cận thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Ankara không thể phát huy những ưu thế tương tự mà châu Âu có được để bảo hộ các ngành hàng xuất khẩu. Điều này khiến giới chức kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không khỏi quan ngại và trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Caglayan không ngần ngại tuyên bố “đã đến lúc vứt thỏa thuận liên minh thuế quan vào sọt rác” và thay vào đó là ký kết các FTA. Ông cũng cho rằng chẳng bao lâu nữa các lợi ích của Ankara trong thỏa thuận này sẽ trở nên vô giá trị khi với sự liên kết hiện nay, hai bên không gây dựng được thị trường tự do và hoạt động thương mại tự do.

Sự thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ còn ở góc độ nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm, năm ngoái chỉ đạt mức khiêm tốn 2,2%, trong khi hai năm trước là 8%. Thực tế này dường như cho thấy liên minh thuế quan không còn là công cụ thích hợp để Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy kinh tế và đạt mục tiêu gia nhập gia đình Top Ten của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Mustafa Kutlay, chuyên gia phân tích thuộc công ty tư vấn USAK có trụ sở tại Ankara, đàm phán về quy chế thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ trì trệ vì nhiều vấn đề như quan hệ với Síp, sự phản đối của một nhóm nghị sĩ… khiến Ankara rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi đó, EU đang nỗ lực đẩy nhanh thương lượng về FTA với Mexico, Hàn Quốc và Mỹ, với mục tiêu thiết lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Ông Kutlay cho rằng trong tương lai, những thỏa thuận này sẽ mang lại nhiều nguy cơ cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, đánh giá về những mặt tiêu cực của các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, Sarp Kalkan, chuyên gia về chính sách kinh tế của hãng tư vấn TEPAV, cho rằng các FTA của EU, đặc biệt là với Hàn Quốc và Mexico, sẽ phương hại tới lợi ích của Ankara khi cả hai đều là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ với cùng chủng loại hàng hóa. Thương lượng giữa EU và Mỹ cũng là một trong những nội dung chính được đề cập trong chuyến công du Mỹ mới đây của Thủ tướng Tayyip Erdogan. Nguồn tin ngoại giao Ankara tiết lộ, nước này đang nỗ lực cùng Washington thiết lập các quy định thương mại trước khi EU đạt được với Mỹ thông qua các cuộc đàm phán FTA.

Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại, các chuyên gia nhận định liên minh thuế quan với EU từ khi ra đời đã mang lại lợi ích to lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ, đưa nước này trở thành một cường quốc công nghiệp. Kalkan khẳng định sự hợp tác đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước năm 1995, thời điểm ký thỏa thuận liên minh thuế quan, hoạt động thương mại của Ankara có nhiều hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu của nước này đã tăng gấp 7 lần sau khi thỏa thuận ra đời và hiện chiếm gần 30% tổng sản lượng kinh tế.

Trong khi đó, châu Âu cũng tìm cách trấn an Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy khẳng định, cũng như với Ankara, thỏa thuận liên minh thuế quan có ý nghĩa hết sức quan trọng với “lục địa già” và sẽ tìm mọi cách giữ chân Thổ Nhĩ Kỳ.