Khi bánh mì “giải cứu” thanh long
Bánh mì baguette thanh long có màu sắc bắt mắt, vị đậm hơn bánh mì lạt và thoang thoảng vị chua của nguyên liệu thanh long ruột đỏ.
Ý tưởng lấy thanh long làm nguyên liệu cho bánh mì thuộc quyền sở hữu của thương hiệu bánh kẹo Á Châu ABC nhằm “giải cứu” nông sản Việt mùa dịch Covid-19. Ngoài bánh mì baguette, thương hiệu này còn cho ra mắt sản phẩm bánh mì thanh long phô mai và bánh khoai môn sữa, bánh kem cũng từ nguyên liệu này. Nhiều cửa hàng cho biết, người dân đến ủng hộ nhiều đến nỗi bánh vừa ra lò là hết ngay.
Ý tưởng giúp nông dân Việt
Công thức bánh mì thanh long do ông Kao Siêu Lực – chủ thương hiệu bánh kẹo Á Châu ABC sáng chế với mục đích “cứu” nông sản Việt, cụ thể là trái thanh long ruột đỏ. Chỉ trong ba ngày, ông cùng đội ngũ của mình đã cho ra mắt bánh mì baguette lấy thanh long ruột đỏ làm nguyên liệu chính.
Chia sẻ với báo chí, “vua bánh mì” cho biết, thanh long ruột đỏ sau khi sơ chế, lột vỏ sẽ được nghiền nát và cấp đông để thay thế một lượng nước khi nhào bột. Theo đó, ông giảm 80% lượng nước trong mẻ bột bánh mì, thay vào đó là 60% lượng thanh long xay nhuyễn. Tuy nhiên, do thanh long vừa có đường vừa có vị chua tự nhiên, ông cùng đội ngũ phải thử nghiệm và gia giảm các gia vị để cho ra hương vị bánh mì dễ ăn hơn.
Trong giai đoạn thử nghiệm sản phẩm, ông Lực đã dự trữ một tấn thanh long ruột đỏ về nghiền nát và cấp đông để dùng dần. Qua trao đổi giữa ông chủ ABC với giới truyền thông, ông dự đoán mỗi ngày có thể tiêu thụ khoảng 200kg thanh long nếu sản phẩm thành công và được sản xuất đều đặn. Đây cũng chính là tín hiệu đáng mừng cho nhiều doanh nghiệp khác cùng học hỏi, sáng tạo để hỗ trợ nông dân Việt, vừa có thêm sản phẩm mới cho thị trường.
Ngày 13-2, không chỉ giữ cho riêng mình, ông Kao Siêu Lực chia sẻ công thức bánh mì baguette thanh long công khai cho nhiều người cùng làm. Chưa đầy một tuần, bánh mì thanh long đã được người dân thành phố tìm mua ở tất cả cửa hàng ABC trong địa bàn TPHCM. Những ổ bánh mì thơm ngon, đẹp mắt này không đơn thuần là sản phẩm phục vụ khách hàng mà còn là tấm lòng của người sáng lập. Ông mong muốn không chỉ giúp nông dân Việt trong giai đoạn dịch bệnh này mà là sự hỗ trợ lâu dài về sau.
Bánh mì thanh long có vị chua
Hiện ABC đã cho ra mắt bốn loại bánh từ trái thanh long: bánh mì baguette, bánh mì thanh long phô mai núi lửa, bánh mì ngọt khoai môn thanh long, bánh kem thanh long. Trong đó, bánh mì baguette (bánh mì lạt) là sản phẩm phổ biến, có giá thành rẻ nhất – 6.000 đồng/ổ nên được nhiều người chọn mua.
Thoạt nhìn, chiếc bánh mì này có hình dáng giống với bánh mì trắng thông thường. Nhưng vỏ bánh có màu đỏ hồng bắt mắt, lấm tấm hạt thanh long như những hạt mè đen. Khi còn nóng, bánh có vỏ giòn nhưng sẽ mềm đi nhanh chóng nếu ở ngoài không khí từ 1 – 2 tiếng, vì đây là loại bánh mì đặc ruột.
Khi mới nếm thử, bánh mì có vị mặn hơn bánh mì trắng nhưng thơm ngọt mùi trái cây tự nhiên. Nếu nhai kỹ, những hạt thanh long sẽ cho hương vị bùi như mè rang, nhưng ít thơm hơn. Đến hậu vị, người ăn sẽ cảm nhận được vị chua dịu đặc trưng của trái thanh long ruột đỏ. Vì đã qua chế biến nên mùi thanh long sẽ không còn đậm nữa. Người ăn nên thưởng thức với sữa hoặc các đồ ăn kèm có vị ngọt hơn là ăn với đồ mặn. Nhưng nếu có khẩu vị đậm, bánh mì thanh long vẫn có thể sử dụng ăn cùng các loại thịt, cá mặn. Bánh mì phô mai núi lửa và khoai môn sữa lại là hai sản phẩm khó mua vì thời gian sản xuất lâu hơn.
Với hương vị lạ miệng nhưng phù hợp khẩu vị người Việt, bánh mì baguette thanh long có thể sử dụng thay thế bánh mì trắng trong món bánh mì kẹp thịt hoặc thưởng thức riêng lẻ.
Xếp hàng chờ mua bánh
Hiện bánh mì thanh long đã được sản xuất trực tiếp và bán tại tất cả các chi nhánh bán lẻ của ABC. Vì là sản phẩm mới lại đúng thời sự, các loại bánh mì thanh long liên tục ra lò nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Xếp hàng dài để chờ mua bánh là hình ảnh dễ bắt gặp vào các buổi sáng ở những cửa hàng ABC. Khách hàng chỉ được mua tối đa năm ổ, không được đặt trước vì không có hàng dự trữ và để chia sẻ cho nhiều người cùng thưởng thức.
Chi nhánh ABC trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) bán bánh thanh long theo các khung giờ chính: 6:00 sáng, 11:00 trưa và 16:00 chiều. Cửa hàng cho biết nếu đến lúc 6:00 sáng thì có thể mua được dễ dàng hơn vì tổng công ty cung cấp số lượng lớn. Giờ bánh ra lò cũng có thể chênh lệch tùy thợ bánh. Một nhân viên nói: “Bánh ra lò là hết ngay lập tức nên cửa hàng cũng cố gắng nướng bánh liên tục, nhưng vẫn không đủ. Khách đến hỏi rất nhiều”. Các nhân viên phải liên tục quan sát và sắp xếp thứ tự khách hàng đến chờ mua để tránh tình trạng chen lấn.
Chị Vũ Thị Quỳnh Như (25 tuổi) đã gọi điện đến cửa hàng Bạch Đằng để hỏi giờ có bánh trước, nhưng khi đến nơi vẫn phải chờ. Chị nói: “Tôi được thông báo phải đến ngay để còn kịp mua. Nhưng khi đến nơi thì cửa hàng nói chờ đến 11:00. Tôi đã đến đây ba lần mới mua được bánh ăn thử”.
Bánh mì baguette sẽ được sản xuất liên tục nhiều đợt trong ngày nếu thấy nhu cầu tăng. Nhưng các loại bánh thanh long khác thì chỉ có hai đợt trong ngày với số lượng giới hạn. Cửa hàng chi nhánh Lê Văn Sỹ (quận 3) tư vấn qua điện thoại: “Bánh baguette thợ làm tại chỗ nên có thể chủ động. Còn bánh ngọt phô mai hay khoai môn thì không biết được khung giờ nào hàng sẽ về”.
Mỗi cửa hàng sẽ có khung giờ và sức sản xuất khác nhau. Để mua được bánh mì thanh long, khách hàng nên kiểm tra ở chi nhánh muốn mua về giờ bánh ra lò và đến trước khoảng một tiếng, phòng khi có sự chênh lệch.