Khi nào các khoản vay cũ được giảm lãi suất?
(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng đến khi nào chủ trương này được thực hiện dường như lại là một câu hỏi chưa có lời đáp từ cơ quan chức năng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm sự ổn định của thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và thị trường vàng, tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát; đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra là yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ có khó thực hiện hay không? Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, đây là việc nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. Bởi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, Thống đốc có quyền cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng. Nhưng lâu nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện hết chức năng và quyền hạn này của mình.
Trong khi, việc giảm lãi suất chiết khấu cho các tổ chức tín dụng ở mức thấp nhất đã được Hoa Kỳ và một số nước châu Âu áp dụng trong thời gian khủng hoảng kinh tế. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã cho các tổ chức tín dụng vay với mức lãi suất từ 0 - 0,25% và sau đó là từ 0 - 0,1%. Ở châu Âu, nhiều ngân hàng trung ương cũng cho các tổ chức tín dụng vay khoảng 0,5%. Từ đó, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Chuyên gia Bùi Kiến Thành đề nghị, để thực thi yêu cầu của Thủ tướng nhanh chóng nhất, Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng chính sách chiết khấu lãi suất ở mức thấp nhất có thể cho các tổ chức tín dụng, để tạo điều kiện giảm lãi suất của các khoản vay cũ.
Thực tế đang đưa ra yêu cầu giảm lãi suất cho các khoản vay cũ. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 3/2014, dư nợ cho vay bằng VNĐ có mức lãi suất dưới 10%, chiếm tỷ trọng 33,03%, lãi suất từ 10 - 13%/năm chiếm 48,75%; lãi suất từ 13 - 15% chiếm 12,33% và mức lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,89%. Nói cách khác, việc các ngân hàng thương mại công bố lãi suất cho vay chỉ khoảng 8-9%, thậm chí là 6-7% có lẽ là không thực tế, chỉ đúng với số ít doanh nghiệp, thậm chí là chỉ với một số ít khoản vay mới. Trong khi đó, số liệu thống kê trong quý I vừa qua cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động vẫn cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Tình trạng này có một phần nguyên nhân do lãi suất của các khoản vay cũ vẫn ở mức cao, khiến doanh nghiệp chịu áp lực không nhỏ.
Nhưng nếu chỉ là một mệnh lệnh hành chính buộc các tổ chức tín dụng thực hiện yêu cầu này thì sẽ khó khả thi. Bởi như thế tổ chức tín dụng sẽ phải chịu lỗ do trước đây đã phải huy động vốn với mức lãi suất cao. Để thực hiện chủ trương này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cho vay với các ngân hàng thương mại trong biên độ lợi nhuận khoảng 3%, giảm 2% so với biên độ trước đây. Ví dụ để giảm lãi suất cho vay từ mức 20% xuống 11% như hiện nay, thì mức lãi cho các trường hợp tái cấp vốn này phải xuống khoảng 8%. Ngân hàng Nhà nước có thể tạo ra nguồn vốn rẻ bằng cách phát hành tín phiếu lãi suất thấp để sử dụng cho chương trình tái cấp vốn này.
Trong một nền kinh tế mà doanh nghiệp chủ yếu vẫn sử dụng các đòn bẩy tài chính, vốn vay từ ngân hàng thì việc xem xét giảm lãi suất các khoản vay cũ là rất cần thiết. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng có những hành động cụ thể để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.