Khi New York Times tuyên bố ngừng phát hành báo giấy

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Để tiếp tục tồn tại và phát triển, yêu cầu tự làm mới mình, nâng cao chất lượng, phát triển theo những thế mạnh riêng có là những yêu cầu thiết yếu mà mỗi tờ báo giấy cần vươn tới. Cùng với một chiến lược làm sao giữ chân được người đọc, giữ chân được các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu quảng cáo...

Khi New York Times tuyên bố ngừng phát hành báo giấy
The New York Times (báo giấy) có thể đóng cửa vào năm tới. Nguồn: internet

Báo điện tử ra đời đã hút một lượng không nhỏ độc giả của báo giấy, đặc biệt là giới trẻ, doanh thu quảng cáo trên báo giấy vì thế cũng sụt giảm mạnh. Đó là những nguyên nhân chính khiến nhiều tờ báo giấy uy tín trên thế giới lâm vào khó khăn, thậm chí đóng cửa.

Thời của máy tính bảng, điện thoại thông minh

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi việc truy cập Internet tại Việt Nam còn rất đắt đỏ và chưa phổ cập, giới học giả và những người có nhu cầu nắm bắt các thông tin bằng tiếng Anh tại Việt Nam luôn cảm thấy hồi hộp, vui sướng khi có trên tay những tờ báo giấy tiếng Anh như Tạp chí Newsweek hay tờ The New York Times, dù khi đến tay có thể báo đã chậm tới vài tuần kể từ lúc xuất bản.

Những năm sau đó, khi Internet ra đời và dần được phổ cập, bắt đầu xuất hiện những cảnh báo về tương lai phát triển của báo giấy sẽ bị đe dọa bởi báo điện tử. Tuy nhiên, lúc đó cũng chưa có nhiều quan tâm đến các cảnh báo này bởi dù sao thì PCs vẫn là những thiết bị cố định nên mức độ cạnh tranh với báo giấy chưa nhiều.

Tiếp đó, máy tính xách tay trở nên phổ biến vì giá rẻ hơn, cùng với việc Internet tiếp tục tiến một bước mới với cước phí thấp, băng thông rộng đã tạo ra những thách thức lớn hơn. Nhiều tờ báo giấy lớn nhìn thấy xu hướng này nên bắt đầu triển khai song hành cả báo điện tử để cạnh tranh hoặc đón đầu cạnh tranh.

Tuy nhiên, thách thức thực sự đến khi máy tính bảng, điện thoại thông minh – lúc đầu chỉ tập trung vào đối tượng giàu có vì giá thành rất cao - phát triển ồ ạt trong vài năm trở lại đây. Người dùng dù ở phân khúc nào, nhu cầu nào thì các hãng công nghệ đều có sản phẩm đáp ứng. Các phần mềm tương thích cho đọc báo điện tử trên các thiết bị cầm tay thông minh cũng ngày càng nhiều và thuận tiện.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều địa điểm cung cấp miễn phí việc truy cập mạng, đặc biệt là qua kết nối không dây; cũng như ngày càng có nhiều dịch vụ của các công ty viễn thông có thể giúp khách hàng truy cập mạng, cập nhật tin tức dễ dàng với chi phí ngày càng thấp… Điều này khiến cho một thực tế không thể phủ nhận là với nhiều người, việc cập nhật tin tức lúc này chủ yếu qua báo điện tử.

Đặc biệt với giới trẻ, những tiện ích vượt trội từ việc cập nhật thông tin qua các trang mạng xã hội hay qua các tờ báo online khiến đối tượng độc giả này không còn mặn mà với báo giấy. Lượng người đọc ngày càng ít đi cùng với quảng cáo sụt giảm khiến số lượng phát hành của hầu hết các báo giấy tụt xuống đáng kể và nhiều tờ báo uy tín trên thế giới đã buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí đóng cửa.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Đức, doanh thu quảng cáo của các tờ nhật báo trong năm 2011 tại quốc gia này là 3,6 tỷ euro, giảm 45% so với trước đó 12 năm. Còn số liệu từ Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho thấy, so với mức 37,8 tỷ USD thu được trong năm 2008, doanh thu quảng cáo của các tờ báo thành viên của hiệp hội này chỉ còn 27,6 tỷ USD năm 2009; 25 tỷ USD năm 2010 và 24 tỷ USD năm 2011 (bao gồm cả quảng cáo trên báo giấy và phiên bản báo mạng).

Khó khăn về doanh thu buộc nhiều tập đoàn sở hữu các tờ nhật báo lớn và có uy tín hàng đầu ở Mỹ như: Chicago Tribune, Los Angeles Times, The Baltimore Sun, The Philadelphia Inquirer, The Denver Post… đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản để giảm nợ. Tờ Rocky Mountain News với lịch sử gần 150 năm tồn tại nhưng vào năm 2012 đã buộc phải đóng cửa.

Một tờ báo lớn khác là Seattle Post-Intelligencer cũng quyết định dừng báo in và chỉ còn duy trì báo mạng. Đỉnh điểm cơn bão khủng hoảng trong làng báo giấy Mỹ là sự kiện Tạp chí Newsweek – từng sánh ngang với tạp chí Time - sau 80 năm tồn tại cũng chính thức ngừng việc phát hành các ấn bản báo in vào ngày 31/12/2012.

Cần đổi mới để tiếp tục tồn tại

The New York Times – một trong những tờ báo giấy uy tín nhất trên thế giới với đội ngũ phóng viên và biên tập viên giỏi – cũng không thoát khỏi xu hướng mà giới phân tích nhìn nhận là tất yếu này. Mặc dù chưa chính thức công bố về thời điểm đóng cửa báo giấy nhưng nhiều nguồn tin cho biết, The New York Times (báo giấy) có thể đóng cửa vào năm tới.

Nếu The New York Times thực sự bị đóng cửa vào năm 2015, tương lai ngành báo in tại Mỹ sẽ rất u ám, bởi tờ báo ra đời từ năm 1851 này là một trong những tờ báo hàng đầu không chỉ ở nước Mỹ mà còn có sức ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu.

Trong lịch sử tồn tại của mình, đã từng có thời điểm (vào những năm 80 thế kỷ trước) The New York Times có lượng phát hành thường xuyên ổn định ở mức trên 1 triệu bản. Tuy nhiên, bão khủng hoảng tài chính toàn cầu quét qua, cùng với cuộc cách mạng công nghệ, Internet và thiết bị di động thông minh tràn tới khiến rất nhiều tờ báo giấy uy tín lâm vào tình cảnh lao đao, nối đuôi nhau đóng cửa.

Với The New York Times, dù cố gắng cầm cự trong những năm qua bằng cắt giảm chi phí, nhân sự mảng báo giấy cũng như chính thức tính phí đối với người đọc báo mạng (từ năm 2011) và nỗ lực gia tăng quảng cáo trên báo điện tử nhưng xem ra mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Bài toán đóng cửa là một thực tế đau xót mà The New York Times có lẽ phải đặt ra. Như Chủ tịch Arthur Sulzberger của The New York Times đã từng có lần cho biết, một ngày nào đó có thể sẽ chấm dứt hoạt động của báo in.

"Cái chết của báo in" – một cảnh báo mà nhiều chuyên gia trên toàn cầu đã chỉ ra chắc chắn chưa xảy ra ngay. Bởi trong xã hội dù ở bất cứ quốc gia nào vẫn còn một bộ phận rất lớn những người đã quen, đã tin và đã “yêu” với mùi giấy mực của báo giấy. Nhưng khó khăn với báo giấy trước một xu hướng điện tử hóa là điều đến giờ ai cũng phải thừa nhận.

Để tiếp tục tồn tại và phát triển, yêu cầu tự làm mới mình, nâng cao chất lượng, phát triển theo những thế mạnh riêng có là những yêu cầu thiết yếu mà mỗi tờ báo giấy cần vươn tới. Cùng với đó, một chiến lược làm sao giữ chân được người đọc, giữ chân được các DN có nhu cầu quảng cáo để số lượng phát hành tăng lên (hoặc ít nhất cũng không giảm xuống thêm) cũng là bài toán hóc búa với nhiều tờ báo giấy hiện nay.

Ông Eric Jackson, người sáng lập và Giám đốc điều hành Genesys Telecommunications Laboratories, người thường xuyên có các bài viết trên Tạp chí Forbes:

“Là tờ báo lớn và được biết tới nhiều nhất trên thế giới nhưng doanh thu quảng cáo của The New York Times sụt giảm liên tục trong những năm gần đây và xu hướng này sẽ còn tiếp tục cho dù các hoạt động cắt giảm chi phí, nhân lực đã được tiến hành. Với xu thế hiện tại, The New York Times sẽ khó có thể tiếp tục duy trì đến sau năm 2015. Một tờ báo lớn như The New York Times mà khó tồn tại như vậy thì ngành công nghiệp báo giấy của Mỹ cũng sẽ rất khó khăn.

Đứng trước thực tế ấy, The New York Times có thể làm gì? Hợp nhất; Bán đi; Tái cơ cấu thông qua đệ đơn phá sản; Tái cấp vốn; Bán bớt các tờ báo con không hiệu quả và các tài sản không phải cốt lõi là những giải pháp đều phải tính đến”.