Khổ vì giao dịch thỏa thuận

Đại Dũng (Sài Gòn Đầu tư Tài Chính)

Một nhân viên môi giới lâu năm chia sẻ, hễ ngày nào GTGD thỏa thuận tăng là ngày đó anh và một số đồng nghiệp lại buồn.

Nguyên nhân vì CTCK nơi anh làm việc có chính sách khi thanh khoản của thị trường tăng, thì chỉ tiêu dành cho nhân viên cũng tăng theo và phải vượt chỉ tiêu mới được hưởng hoa hồng hoặc được thưởng.

Chính sách này có mặt tích cực là đảm bảo động lực làm việc của nhân viên, nhưng nếu các giao dịch thỏa thuận vốn chứa đựng nhiều yếu tố “ảo” , khó đoán, gia tăng một cách bất thường xem như “nồi cơm” của môi giới sẽ bị ảnh hưởng.

Từ câu chuyện này, nhìn lại những gì liên quan đến giao dịch thỏa thuận có thể thấy nét tích cực thì ít trong khi tiêu cực thì nhiều. Thường cứ phiên giao dịch nào một blue chip được thỏa thuận khoảng 5-10 triệu CP trở lên là lập tức xuất hiện những đồn đoán, suy luận. Nhiều nhân viên môi giới chia sẻ đã phải rất vất vả để tìm hiểu những tin tức liên quan đến giao dịch thỏa thuận cho khách hàng của mình trong buổi chiều cùng ngày.

Lâu nay, đã xuất hiện những “chiêu” tận dụng giao dịch thỏa thuận để xử lý các vấn đề như: NĐT kết hợp cùng CTCK thực hiện giao dịch thỏa thuận để bán tài khoản margin sang một tài khoản mới, nhằm mục đích “đảo nợ” để tránh việc tạo ra nợ dài hạn cho CTCK.

Hay như việc sử dụng giao dịch thỏa thuận để có thể tung hỏa mù về các giao dịch CP, chẳng hạn CP đang có giá sàn lại được thỏa thuận với giá trần hay ngược lại. Hay đơn giản, giao dịch thỏa thuận chỉ là để đảo hàng từ “tay phải sang tay trái”, hay tạo thanh khoản CP cho thị trường.

Chưa kể đến những đồn đoán về việc nhiều giao dịch lô lớn “chốt” ở mức giá thấp hơn giá trên sàn, sau đó sẽ xuất hiện những động thái dìm giá CP xuống dần mới tiến hành thỏa thuận rồi mới “đẩy” lên trở lại.

Nỗi khổ của NĐT, của nhân viên môi giới về giao dịch thỏa thuận suy cho cùng là nỗi khổ về thông tin. Nếu các giao dịch thỏa thuận có nhiều thông tin hơn nữa thì nhiều người đâu phải “khổ” đến thế.