Bloomberg:
Khoảng thời gian chính sách tiền tệ nới lỏng tối đa đã qua đi
Thay đổi chính sách của Fed sẽ tiếp tục gây ra nhiều xáo trộn trên các thị trường tài chính trong những ngày tới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã gây ra nhiều xáo trộn trên các thị trường tài chính toàn cầu, nhà đầu tư phản ứng khi mà ngân hàng trung ương Mỹ không còn đảm bảo rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn mềm mỏng.
Đồng USD lập tức tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm so với giỏ các loại tiền tệ lớn khác của thế giới. Phiên giao dịch ngày thứ Năm tuần trước và là phiên giao dịch đầy đủ đầu tiên tính từ khi Fed ra tuyên bố về chính sách, thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến trái chiều. Nhiều loại hàng hóa bị bán mạnh. Chỉ số Nasdaq tăng còn chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones mất điểm. Cổ phiếu công nghệ tăng còn cổ phiếu chu kỳ sụt giảm.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ khi mà Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng quan chức Mỹ đã nói đến việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu và ở mức độ nào đó sẽ làm chậm lại quá trình mua tài sản. Cùng lúc, quan chức Fed cũng nói về khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm 2023 trong khi trước đó chưa từng nhắc đến điều này.
“Quá trình nới lỏng chính sách tối đa đã chính thức kết thúc. Tất nhiên không phải mọi chuyện sẽ chuyển ngay sang thắt chặt mà chỉ là chúng ta đã qua giai đoạn nới lỏng chính sách cực điểm. Thị trường trong khi đó lại phản ứng cứ như thể Fed đã chính thức siết chặt chính sách”, trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Bleakley Global Advisors – ông Peter Boockvar khẳng định.
Các chiến lược gia thị trường nói rằng việc Fed hướng đến thắt chặt chính sách không gây sốc thị trường trong ngày thứ Tư, nhưng chắc chắn sẽ khiến cho thị trường thêm xáo trộn trong những ngày tới. Fed trong khi đó thừa nhận đã để ngỏ cửa cho các lần nâng lãi suất tiếp theo.
Trong khoảng thời gian còn lại của năm, Fed nhiều khả năng sẽ ra tuyên bố hoàn chỉnh về chương trình trái phiếu và sau vài tháng sẽ khởi động quá trình giảm quy mô mua 120 tỷ USD trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn ngắn ví dụ như thời hạn 2 năm tăng. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn dài ví như 10 năm lại đi xuống. Logic chính là lợi suất thời hạn dài giảm bởi kinh tế trong tương lai có thể sẽ không tăng trưởng quá tốt, còn lợi suất trái phiếu thời hạn ngắn tăng để phản ánh kỳ vọng về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất.
Lợi suất trái phiếu thời hạn dài ví như loại 10 năm thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các chiến lược gia. Một phần của điều này là bởi trái phiếu loại này hấp dẫn những nhà đầu tư ngoại bởi lãi suất tại nhiều nơi trên thế giới hiện đã rơi xuống mức âm, đồng thời thanh khoản tại thị trường Mỹ khá dồi dào.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm tăng vọt lên 1,59% sau thông báo từ Fed, tuy nhiên lập tức quay trở lại ngưỡng 1,5% vào chiều ngày thứ Năm. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính diễn biến trái chiều.
Các cổ phiếu của doanh nghiệp hàng hóa, ví như cổ phiếu năng lượng hay hàng hóa nguyên liệu giảm đáng kể trong phiên ngày thứ Năm. Cổ phiếu năng lượng suy giảm sâu nhất trong nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500, mức giảm lên đến 3,5%.
Thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ giao dịch trong biên độ hẹp. Cuộc họp chính sách vào cuối tháng 7/2021 của Fed giờ đây đang thu hút nhiều sự quan tâm. Sau cuộc họp này, các thị trường tài chính sẽ còn biến động nhiều hơn nữa bởi nhà đầu tư chờ đợi xem Fed có coi đây như cơ hội để công bố về thay đổi chính sách với chương trình trái phiếu hay không.
Chương trình mua trái phiếu hay còn gọi là nới lỏng định lượng đã được khởi động vào năm ngoái nhằm hỗ trợ thêm thanh khoản cho thị trường trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Mỗi tháng, Fed mua 80 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính và 40 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Ông Rieder từng nói Fed sẽ có thể giảm mua khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng một khi Fed khởi động quá trình thu hẹp chương trình.