“Khoảnh khắc châu Âu” của nước Mỹ

Theo TTVN/Economist

Washington và Eurozone cùng gặp phải những vấn đề tương tự trong cách quản lý và điều hành ngân sách. Trong suốt 3 năm qua, các nhà lãnh đạo của nước Mỹ nhìn vào cách ứng phó với khủng hoảng của khối đồng tiền chung với một thái độ miệt thị.

 “Khoảnh khắc châu Âu” của nước Mỹ
Ảnh minh hoa. Nguồn: Internet
Các chính trị gia ở Nhà Trắng và đồi Capitol Hill cho rằng các chính trị gia châu Âu quá kém cỏi trong việc xử lý các yếu kém của nền kinh tế khi phụ thuộc quá nhiều vào các biện pháp khẩn cấp chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và không thể thống nhất về một chiến lược dài hạn mở ra tương lai cho đồng tiền chung.

Không thể phủ nhận đây là những nhận xét hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, những người đã đưa ra nhận xét này chắc chắn phải xem lại chính thực trạng trên đất Mỹ. Mặc dù nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể không tồi tệ bằng kinh tế châu Âu, những bất đồng trong quá trình tìm ra phương hướng giải quyết vách đá tài khóa cho thấy xét về khía cạnh nào đó, Washington cũng chỉ giống như Eurozone mà thôi. 

Điểm chung đầu tiên chính là khả năng "vá" những lỗ hổng của nền kinh tế. Đáng tiếc, cả Mỹ và Eurozone đều không làm được điều này. Cuộc khủng hoảng ở Eurozone ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi các chính trị gia châu Âu liên tiếp thất bại khi xử lý những điểm yếu mang tính chất cấu trúc. Họ phụ thuộc quá nhiều vào các biện pháp tạm thời vốn được thông qua chớp nhoáng. 

Ở phía bên kia, nước Mỹ phải hàn gắn lỗ hổng khổng lồ giữa doanh thu thuế và các khoản chi ngân sách trong dài hạn, đặc biệt là các chương trình chăm sóc sức khỏe. Điều này đi kèm theo điều kiện các chính sách không triệt tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chính trị gia của nước này vẫn tiếp tục lưỡng lự và rồi đưa ra các giải pháp tình thế vào phút cuối. 

Thỏa thuận ngân sách mà nước Mỹ vừa đạt được trong tuần này chỉ được Thượng Viện và Hạ viện thông qua ngay trước đêm giao thừa. Điều này cũng giống với các hội nghị bàn cách thoát khỏi khủng hoảng của Eurozone, giải pháp được đưa ra ngay lập tức đảo ngược tình thế (mặc dù trong ngắn hạn). Ngay sau khi quyết định được đưa ra, các thị trường đồng loạt tăng vọt. 

Tuy nhiên, điều đó kéo dài được bao lâu? Các khoản cắt giảm ngân sách tự động chỉ được hoãn lại trong 2 tháng. Cùng lúc đó, Quốc hội Mỹ cũng phải đưa ra giải pháp cho vấn đề trần nợ. Bởi vậy, không có gì lạ khi nước Mỹ lại lâm vào tình cảnh "nghìn cân treo sợi tóc" chỉ trong vài tuần tới. 

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phớt lờ những vấn đề gốc rễ về ngân sách. Các chính sách hiện nay không thể giúp kiểm soát những khoản chi tiêu không bền vững; không thể khiến hệ thống thuế bớt phức tạp hơn và càng không thể lấp đầy lỗ hổng ngân sách đang ngày càng nới rộng.

Nhìn xa hơn nữa, có thể coi kế hoạch này là 1 sự thất bại thảm hại. Số thuế thu được thậm chí còn thấp hơn so với mức mà John Boehner, người phát ngôn của Nhà Trắng và cũng là thành viên của đảng Cộng hòa, đưa ra. Kế hoạch này cũng không hề có điều chỉnh nào đối với các khoản chi ngân sách mà Tổng thống Barack Obama đã đề cập.  

Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Đó là các ảnh hưởng quá lớn của các nhóm lợi ích. Châu Âu không thể thoát khỏi tính vị kỷ của từng quốc gia. Tranh cãi về việc nước nào sẽ chi trả tiền cứu trợ hay nước nào sẽ giám sát hệ thống ngân hàng khiến liên minh châu Âu không thể đi đến những thỏa thuận cứng rắn và rõ ràng có thể đảm bảo được tương lai của đồng euro. 

Cũng giống như vậy, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không thể đi đến một thỏa thuận. Cả 2 đảng đều bị dẫn dắt bởi tâm lý thắng - thua và quên đi rằng nhiệm vụ của họ là phải cùng nhau hành động để đảm bảo cho tương lai của nước Mỹ. 

Vẫn còn 1 điểm giống nhau giữa các chính trị gia Mỹ và châu Âu: không trung thực với các cử tri. Nếu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande chưa bao giờ nêu rõ quan điểm họ sẽ làm gì để có thể cứu lấy đồng euro, ông Obama cũng như các lãnh đạo đảng Cộng hòa không có đủ tự tin để khẳng định họ sẽ làm gì để giải quyết mớ hỗn độn về ngân sách. Đảng Dân chủ giả vờ rằng không cần thay đổi chương trình Medicare hay An sinh xã hội trong khi các giải pháp của đảng Cộng hòa luôn bao gồm những biện pháp cắt giảm chi tiêu rất mơ hồ. Cả 2 bên đang "bận rộn" phê phán bên còn lại. 

Những người lạc quan có thể cho rằng trong ngắn hạn, nước Mỹ sẽ không gặp phải kịch bản giống như khủng hoảng nợ châu Âu. Tuy nhiên, chính điều này cũng là 1 vấn đề. Một trong những hiệu ứng của khủng hoảng ở châu Âu là khiến các nước này phải nâng độ tuổi nghỉ hưu và cắt bỏ hứa hẹn về các chương trình lương hưu cũng như chăm sóc sức khỏe. Đối với nước Mỹ, dân số già hóa đang là 1 thách thức cho quá trình tăng trưởng. Mặc dù tốc độ già hóa của Mỹ chậm hơn so với châu Âu, với nợ chất đống và niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng sụt giảm, hệ quả là không hề nhỏ. 

Điều đáng buồn nhất về thỏa thuận ngân sách vừa qua là Tổng thống Obama cũng như người phát ngôn của Nhà Trắng không hề nhận thức được những tác hại mà xu hướng hiện nay gây ra đối với nước Mỹ. An ninh quốc gia không chỉ được đo lường bằng số lượng xe tăng hay tên lửa. Thất bại trong việc quản lý đồng tiền chung đã khiến vị thế trên trường quốc tế của châu Âu suy giảm. Tại sao các nước đang phát triển lại tin tưởng vào sự lãnh đạo của nước Mỹ khi họ không thể tự giải quyết các vấn đề trong nước? Và, trong khi các nước phương Tây với nền dân chủ tiên tiến nhất bộc lộ những điểm yếu, Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đe dọa đến vị trí thống trị của Mỹ. 

Tổng thống Obama vừa cho rằng ông đã hoàn thành nhiệm vụ khi tăng mức thuế đánh vào người giàu. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không thể giải quyết triệt để những vấn đề mấu chốt trong ngân sách Mỹ, ông Obama cũng như các lãnh đạo của đảng Cộng hòa đang tự biến nước Mỹ thành 1 châu Âu thứ 2.