Khôi phục lòng tin của nhà đầu tư
(Tài chính) Sau gần một tuần xảy ra những vi phạm an ninh trật tự, gây rối, kích động đập phá tại một số doanh nghiệp, hiện hoạt động sản xuất tại đây đã trở lại bình thường. Lãnh đạo các địa phương cũng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư.
Nỗ lực ổn định sản xuất trở lại
Có mặt tại Công ty Esquel Garment Manufacturing (100% vốn Singapore, chuyên sản xuất và xuất khẩu áo thun cao cấp với hơn 5.200 công nhân tại VSIP), theo ghi nhận của phóng viên, hàng trăm lao động đang tiến hành dọn dẹp, sửa chữa thiết bị, máy móc.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Hành chính nhân sự, cho biết công ty này bị mất hơn 300 máy tính và máy may, hơn 300.000 chiếc áo thành phẩm, ước tính thiệt hại từ 10-15 triệu USD. “Hiện nay chúng tôi đang cố gắng thu dọn nhanh để mau chóng trở lại sản xuất, khoảng hai tuần nữa là xong. Cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, giờ chúng tôi đã an tâm trở lại sản xuất”, bà Trang chia sẻ.
Đang thu dọn bên trong nhà xưởng, chị Nguyễn Thị Ánh (quê Đồng Nai, chuyền trưởng phân xưởng A) cho hay: Trong thời gian này, ngày nào chị cũng đến công ty để dọn dẹp. Dù đến hay không thì lãnh đạo công ty vẫn chấm lương cơ bản cho công nhân.
“Ở nhà suốt ruột quá, chúng tôi lên đây phụ với công ty một tay. Các anh chị em công nhân của chuyền tôi điện thoại suốt, hỏi thăm tình hình để biết khi nào họ được tiếp tục vào làm”, chị Phạm Thị Ngọc Bích, một chuyền trưởng khác (quê Quảng Ngãi, có thâm niên hơn 10 năm làm việc tại công ty) đứng kế bên xen vào.
Bà Quỳnh Thanh, Phụ trách truyền thông của công ty Liên doanh TNHH Việt Nam-Singapore (đơn vị quản lý Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore, VSIP), cho biết hiện đã có hơn 83% doanh nghiệp tại VSIP trở lại hoạt động bình thường.
Tăng ca cho kịp đơn hàng
Qua tìm hiểu, các khu công nghiệp khác tại Bình Dương như Sóng Thần (thị xã Dĩ An), Đồng An (thị xã Thuận An), Mỹ Phước 1 (thị xã Bến Cát)… đã hoạt động trở lại. Theo ông Trần Văn Liễu, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, hơn 80% doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động bình thường.
Tại Đồng Nai, theo ông Võ Thanh Lập, Trưởng BQL các khu công nghiệp của tỉnh, hiện có hơn 90% doanh nghiệp cũng đã hoạt động bình thường, số ít còn lại là doanh nghiệp do chủ đầu tư người Đài Loan, Trung Quốc đang vắng mặt.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, thống kê từ BQL các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố cho thấy, 100% doanh nghiệp đã ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (Chủ đầu tư khu chế xuất Tân Thuận), cho biết đến ngày 19/5, 100% doanh nghiệp trong khu đã hoạt động ổn định trở lại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải tăng ca và làm thêm cả ngày chủ nhật cho kịp đơn hàng.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sepzone Linh Trung (Chủ đầu tư khu chế xuất Linh Trung, TP. Hồ Chí Minh, nơi có 40% doanh nghiệp vốn đầu tư Đài Loan, Hong Kong), cho biết đến nay tất cả các doanh nghiệp tại khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 đã hoạt động bình thường.
“Đa số nhà đầu tư mà chúng tôi tiếp xúc đều muốn kiến nghị với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng hải quan làm thêm giờ để kịp xuất hàng, bù đắp thời gian gián đoạn sản xuất những ngày vừa qua”, ông Minh cho hay.
Khôi phục lòng tin
Trong khi các doanh nghiệp đang cố gắng “chạy đua” với thời gian cho kịp đơn hàng thì lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng đều nhấn mạnh tới việc đảm bảo anh ninh trật tự và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
“Công sức nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đã gây dựng nên thương hiệu Bình Dương trong thu hút đầu tư nước ngoài, giờ bị phá trong chớp mắt. Chúng tôi quyết nỗ lực tối đa, làm gấp 5, gấp 10 trước đây để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư”, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trao đổi với phóng viên.
Hiện Bình Dương đã thành lập Ban thống kê, phân loại, đánh giá thiệt hại do Giám đốc Sở Tài chính làm trưởng ban, là đầu mối tổng hợp, phân tích, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết rốt ráo trong mấy ngày tới.
Nhiều giải pháp cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đưa ra như giãn, giảm, miễn thuế thu nhập và tiền thuê đất hằng năm với các doanh nghiệp bị thiệt hại; cung cấp hạn mức tín dụng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất; linh hoạt sử dụng tài liệu lưu trữ làm cơ sở giải quyết thủ tục hành chính, trợ cấp thôi việc… Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh cam kết hỗ trợ hơn 20.000 lao động đang tạm ngừng việc tìm kiếm việc làm mới, hoặc trao đổi với chủ đầu tư tìm hướng giải quyết.
Trong chuyến làm việc với các doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận ngày 19/5, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: “Lãnh đạo Thành phố cam đoan sẽ không có các việc tương tự xảy ra. Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP. Hồ Chí Minh nói riêng sẽ đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâu dài”.
“Chúng tôi rất đồng cảm với các doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại và mong nhà đầu tư tiếp tục giữ vững niềm tin đầu tư tại Đồng Nai. Các cơ quan hành chính như Thuế, Hải quan, Môi trường, Lao động, Đầu tư, Xây dựng của tỉnh… đều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan để phục hồi sản xuất”, ông Võ Thanh Lập, Trưởng BQL các khu công nghiệp Đồng Nai nhấn mạnh.