Khơi thông dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Theo daibieunhandan.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực đưa tín dụng nông nghiệp tăng 15% trong năm 2013. Để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này, việc cần thiết là xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.

Khơi thông dòng vốn vào nông nghiệp, nông thôn
Đến cuối tháng 5/2013, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 585.000 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Vụ trưởng Vụ Tín dụng của NHNN Nguyễn Viết Mạnh cho biết, tính đến cuối tháng 5/2013, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 585.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2012.

Đáng chú ý, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng trải đều ở tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp. Cụ thể: dư nợ cho vay thu mua lúa gạo cả nước đạt khoảng 28.993 tỷ đồng; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt khoảng 35.290 tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2012. “Chỉ tính riêng cho vay đối với cá tra đã đạt khoảng 19.597 tỷ đồng”, người đứng đầu Vụ Tín dụng nhấn mạnh.

Định hướng của NHNN là sẽ tiếp tục đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh, dự kiến đến cuối năm 2013, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tăng trưởng khoảng 15%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, dự kiến là 12%.

Những động thái gần đây của NHNN liên quan đến khơi thông dòng tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đã cho thấy nỗ lực của cơ quan này nhằm đạt mức tăng trưởng 15%.

Cuối tháng 6, NHNN ban hành Thông tư quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với 05 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, là 9%/năm. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 28.6.2013.

Tiếp đó, đầu tháng 7, NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ hè thu năm 2013, với lãi suất tối đa là 9%/năm. Trước đó, trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND tỉnh An Giang về gia hạn thời gian vay mua tạm trữ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, cuối tháng 6, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo nên không trả được nợ ngân hàng đúng hạn, các ngân hàng thương mại xem xét cụ thể từng trường hợp để cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Bên cạnh đó, NHNN phối hợp với Bộ NN và PTNT thực hiện chương trình tín dụng tái canh cây cà phê với khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh cho biết thêm, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ để hỗ trợ cho lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của khu vực ĐBSCL và nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với lĩnh vực lúa gạo, thủy sản như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ đầu năm tới nay giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông - thủy sản sụt giảm, cộng thêm nhiều nước áp dụng các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn. Trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng vốn không đúng mục đích, vay vốn ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn dẫn đến mất khả năng trả nợ, làm cho nợ xấu trong lĩnh vực này tăng lên.

Một thực tế khác là các hộ nông dân ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mặc dù chúng ta có không ít định chế tín dụng hướng vào phục vụ cho nông dân với các chương trình cho vay ưu đãi không cần thế chấp, đi đôi với việc phát triển tài chính vi mô với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cả các tổ chức nước ngoài.

Kết quả là nông nghiệp, nông thôn thiếu cả vốn dành cho sản xuất kinh doanh cũng như vốn dành cho đời sống sinh hoạt. Thị trường tín dụng đen vẫn còn nhiều đất sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các vụ vi phạm pháp luật liên quan tới tín dụng nông nghiệp nông thôn hầu như không giảm, thậm chí còn tăng.

 Khẳng định không thiếu vốn cho nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản) người đứng đầu NHNN cũng nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng cũng chỉ cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình làm ăn hiệu quả, hoạt động đúng lĩnh vực ngành nghề, tuyệt đối không ứng vốn cho các hoạt động đầu tư sai mục đích.

Vì vậy, nếu các bộ, ngành liên quan không có giải pháp tháo gỡ khó khăn về quy hoạch sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu thì không những bà con nông dân chịu thiệt mà nguồn vốn tín dụng cũng không phát huy hết hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay để giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.

Đồng thời, rất quan trọng là cần xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân thay vì phải cầm cố hay “nộp” giấy sử dụng đất - tài sản gần như duy nhất đáng giá của các hộ nông dân - như hiện nay.