Không có vé máy bay ‘giá rẻ’ cho dịp Tết

Theo vietq.vn

(Tài chính) Tính cả thuế, mỗi chiếc vé Tết chiều Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cũng vượt 3 triệu đồng, dù ở hãng giá rẻ hay truyền thống.

Thời gian cao điểm nhất năm nay bắt đầu từ ngày 11/2 đến 8/3 Dương lịch (23 tháng Chạp đến 18/2 Âm lịch). Nguồn: vietq.vn
Thời gian cao điểm nhất năm nay bắt đầu từ ngày 11/2 đến 8/3 Dương lịch (23 tháng Chạp đến 18/2 Âm lịch). Nguồn: vietq.vn

Trước Tết Âm lịch 5 tháng, cả 3 hãng hàng không trong nước đã tung vé máy bay cho mùa cao điểm này. Trong đó, Vietnam Airlines bán muộn nhất (vào ngày 1/10), còn Jetstar và Vietjet bắt đầu bán lần lượt từ đầu và giữa tháng 9.

Như thường lệ, cao điểm vé vào trước Tết tập trung vào các đường bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng... và Hà Nội đi Vinh, Đồng Hới... Sau Tết, cao điểm tập trung vào các đường bay ngược lại khi hành khách kết thúc kỳ nghỉ và trở lại đi làm. Thời gian cao điểm nhất năm nay bắt đầu từ ngày 11/2 đến 8/3 Dương lịch (23 tháng Chạp đến 18/2 Âm lịch).

Khảo sát trên đường bay trục TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội trong cùng ngày Tết ông Công ông Táo (16/2 Dương lịch), hiện Vietnam Airlines bán vé giá 2,87 triệu đồng, Vietjet Air bán giá 2,8 triệu đồng, Jetstar Pacific 2,65 triệu đồng. Tính cả thuế và phí, giá vé Tết đường bay cao điểm nhất của 3 hãng trên dao động từ 3 đến 3,3 triệu đồng.

Với Vietnam Airlines, mức giá nói trên cao hơn 1,5 đến 1,7 lần so với thông thường. Còn với hai hãng giá rẻ còn lại, vé Tết có thể cao hơn gấp 3 lần. Nhìn chung, ở các đường bay và thời gian cao điểm, giá vé Tết của cả ba hãng không chênh lệch nhau nhiều.

Lý giải về việc giá vé Tết cao như hàng không truyền thống, đại diện của Jetstar cho biết họ thường lỗ nặng khi bán vé Tết vì tình trạng lệch đầu. Như mọi năm, luôn có tình trạng máy bay lúc chở khách về quê ăn Tết thì kín chỗ, nhưng lúc về trống không. Tương tự, đại diện Vietjet cũng cho biết giá vé Tết đường bay cao điểm phải đẩy lên để bù đắp cho những đường bay thấp điểm trong dịp này.

Để "vớt vát" lại chút chi phí xăng dầu, các hãng đối phó bằng cách tung khuyến mãi, giảm giá vé lệch đầu hết cỡ để khuyến khích hành khách mua. Tết năm trước, Jetstar tung khuyến mãi giá vé Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh trước Tết có lúc chỉ 150.000 đồng. Đại diện Vietjet cũng cho biết họ vừa triển khai khuyến mãi giá vé 9.000 đồng để tiêu thụ phần nào lượng vé lệch đầu dịp Tết.

"Bằng việc giảm giá, các hãng kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu đi du lịch ngày Tết của hành khách. Nếu như những năm trước, theo truyền thống ngày Tết người dân chỉ trở về nhà, thì nay vì giá vé lệch đầu rẻ, xuất hiện xu hướng khách đi du lịch để tận hưởng kỳ nghỉ dài", đại diện Jetstar nhận định.

Nhận xét về nhu cầu vé Tết năm nay, cả ba hãng hàng không đều tỏ ra thận trọng. Đại diện Vietnam Airlines cho biết họ chưa đưa ra kế hoạch tăng chuyến là bao nhiêu vì còn phải nghiên cứu, bám sát nhu cầu thị trường để có kế hoạch phục vụ phù hợp. Tương tự, đại diện Jetstar cũng cho biết phòng thương mại của hãng sẽ phải "vừa bán vừa ngóng" để quyết định tăng bao nhiêu chỗ, dựa vào lực mua từ nay đến cuối năm.

"Tuy nhiên, năm nay có thể tình hình vé Tết cũng vẫn như năm ngoái. Trong vài năm trở lại đây, không còn tình trạng khan vé Tết, các đại lý gom trước vé Tết để om hàng như trước", đại diện Jetstar nhận định.

Một trong những lý do khiến các hãng hàng không lo ngại về lực bán vé Tết vì kinh tế khó khăn, nhu cầu bay của người dân vẫn bị hạn chế. Trong khi đó, nguồn cung lại tăng khi số lượng máy bay tăng lên. Vietjet dự kiến sẽ nhận thêm 3 chiếc máy bay, đưa tổng số máy bay lên 19 chiếc vào cuối năm nay. Jestar dự kiến nhận thêm một chiếc và thuê thêm một đến hai chiếc từ nay đến hết năm.

Trước tình hình này, có hãng cho biết chỉ cần bán được vé Tết như năm ngoái đã là đạt kế hoạch. Thực tế sau một tháng mở bán, Jetstar cho biết lượng vé Tết bán được chưa nhiều. "Hành khách hiện có xu hướng mua vé Tết muộn, nhất là khi năm nay Tết đến chậm hơn các năm, vào nửa sau của tháng 2", đại diện Jetstar nói tiếp.