Không lo đình lạm nếu phối hợp tốt trong điều hành

Theo Báo Đầu tư

Phân tích những chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2012 vừa được công bố, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, nếu giữa các bộ, ngành có sự phối hợp tốt trong điều hành kinh tế, thì không lo xảy ra tình trạng sản xuất đình đốn, lạm phát cao.

Không lo đình lạm nếu phối hợp tốt trong điều hành
Thưa ông, kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2012 có điểm gì khả quan?

Trong 9 tháng qua, tốc độ tăng GDP chỉ là 4,73% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy là thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,77% của năm 2011 và 6,60% của năm 2010, chỉ cao hơn một chút so với mức tăng 4,62% của năm 2009. GDP tăng 4,73% là tích cực, nếu xét trong điều kiện vô cùng khó khăn về vốn cho sản xuất, về xử lý hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường để ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ổn định và phát triển. Giá trị tăng thêm tăng 2,48%, đóng góp vào tăng trưởng GDP là 0,4%. Khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm tăng 5,97%, đóng góp vào GDP là 2,51%.

Trong sản xuất công nghiệp, tuy tăng thấp so với nhiều năm trước, nhưng chỉ tăng thấp ở công nghiệp chế biến, còn công nghiệp khai khoáng, điện, nước vẫn có tốc độ tăng khá. Ngành xây dựng những tháng đầu năm không tăng, nhưng từ đầu quý III/2012, do chính sách tăng đầu tư công nên tính chung 9 tháng tăng 1,98%. Xuất khẩu tăng khá, bội chi ngân sách ở mức thấp; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Vậy nhưng, nếu đặt tình hình này trong mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 là 2,2% so với tháng trước, thì lạm phát lại nổi lên là vấn đề lớn của nền kinh tế. Kịch bản lạm phát được Tổng cục Thống kê dự báo thế nào, thưa ông?

Tháng 9 là tháng có mức CPI tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Nhìn vào nguyên nhân tăng giá trong 2 tháng gần đây, chủ yếu do giá một số loại hàng hóa và dịch vụ được điều chỉnh tăng mạnh, như dịch vụ y tế, giáo dục. Theo quy luật tiêu dùng, giá hàng hóa sẽ có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm, đặc biệt là gần với Tết Nguyên đán. Mặt khác, các chính sách kích thích kinh tế của nhiều nước sẽ khiến giá hàng hóa thế giới tăng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Nhận rõ nguyên nhân làm CPI năm nay tăng vào 2 tháng 8 và 9, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 về tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá cuối năm. Với động thái như vậy, chúng tôi dự báo, lạm phát năm nay ở mức một con số. Còn nếu chỉ đạo quyết liệt, có thể CPI chỉ tăng khoảng trên dưới 8%.

Đi cùng với kịch bản lạm phát đó, kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2012 có thể được phác họa thế nào? Theo ông, tăng trưởng của nền kinh tế đang dựa vào đâu khi tăng trưởng công nghiệp, tín dụng rất thấp?

Theo chúng tôi được biết, do tình hình kinh tế khó khăn, mặc dù đã và đang có nhiều giải pháp tháo gỡ, nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Chính phủ đã điều chỉnh và xây dựng quyết tâm để GDP cả năm tăng khoảng 5,2%. Để đạt được mức tăng chung của cả năm như vậy, tăng trưởng quý IV/2012 phải đạt mức 6,15%. Đây là mức tăng bằng quý IV/2011 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,45% của quý IV/2010 và 6,99% của quý IV/2009. Tốc độ tăng GDP 6,15% của quý IV năm 2012, dựa vào những ngành, lĩnh vực chính sau:

Thứ nhất, khu vực dịch vụ vẫn duy trì được tốc độ tăng khá vào những tháng cuối năm, theo quy luật chung và tác động bởi chính sách nâng lương tối thiểu và phụ cấp công vụ.

Thứ hai, nhóm ngành công nghiệp sản xuất và cung cấp điện, nước vẫn duy trì tốc độ tăng khá, công nghiệp chế biến sẽ tăng khá hơn khi khơi thông được nguồn vốn vay và xử lý giảm hàng tồn kho.

Thứ ba, ngành xây dựng sẽ tăng cao hơn khi chúng ta đang quyết tâm giải ngân tốt và hiệu quả mỗi tháng khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng.

Có nên đặt ra lo ngại về tình trạng kinh tế vừa đình đốn sản xuất, vừa lạm phát cao không, thưa ông?

Vào tháng 6, tháng 7 năm nay, khi CPI giảm nhẹ (tương ứng là 0,26% và 0,29%), đã có một số nhà kinh tế lo ngại kinh tế nước ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ gắn với thiểu phát. Vào lúc này, tình hình đã có chuyển biến theo hướng tích cực, dù chưa mạnh, tốc độ tăng GDP vẫn thấp (4,73%) và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của hai năm trước. CPI tháng 9 tăng cao lại xuất hiện ý kiến lo ngại về tình hình kinh tế trì trệ trong khi lạm phát cao trở lại.

Như phần trên đã đề cập, GDP của 9 tháng tăng 4,73%, thấp hơn cùng kỳ của hai năm trước, nhưng là mức tăng tích cực trong mục tiêu số 1 của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn CPI tháng 8, tháng 9 tăng chủ yếu do nguyên nhân chúng ta điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu gắn với thị trường. Vấn đề chính ở đây là việc phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng trong việc điều hành cần có sự gắn kết và nhịp nhàng cả về mức giá lẫn thời điểm điều chỉnh, để tránh gây nên tình trạng CPI tăng đột biến. Về mặt này, Chính phủ đã nhìn nhận khá chính xác, đang có những giải pháp kịp thời, quyết liệt. Vì vậy, trong thời gian tới, nền kinh tế nước ta sẽ không có tình trạng đình lạm.