Những quốc gia “ngập chìm” nợ nần
Chuyên gia cao cấp Carmen M. Reinhart thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã phân chia các quốc gia có nợ công lớn nhất thuộc khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thành 3 loại:
Thứ nhất, có vấn đề về ngân sách trước khi bước vào khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Hy Lạp là trường hợp điển hình. Sau công cuộc đầu tư “khủng” cho Thế vận hội Athens năm 2004, Hy Lạp còn lại một ngân sách rỗng với tỷ lệ bội chi khoảng 8%, cao gấp gần 3 lần tiêu chuẩn của Eurozone. Sau khủng hoảng tài chính 2008, tình hình ngân sách của Hy Lạp càng nguy hiểm hơn. Nợ công năm 2009 của Hy Lạp là 113,4% GDP, năm 2011 đã lên tới 350 tỷ Euro, chiếm 150% GDP và dù đã áp dụng nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, nợ công của Hy Lạp đến hết quý II/2012 vẫn là 150,3%, tương đương 300,8 tỷ Euro.
Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp trong năm 2011 lên tới 9,4% GDP, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục âm (âm 6,2% quý I/2012). Với mức nợ công so với quy mô nền kinh tế thuộc loại cao nhất tại châu Âu, Hy Lạp đang đối mặt với 3 vấn đề chính, có liên quan chặt chẽ với nhau: (i) uy tín của Chính phủ Hy Lạp bị suy giảm nặng nề; (ii) thanh khoản sụt giảm; (iii) nguy cơ vỡ nợ cao.
Thứ hai, không có vấn đề về ngân sách nhưng có nợ tư nhân khổng lồ.
Năm 2011, Ireland có mức nợ lên tới 130% GDP và thâm hụt ngân sách là 13% GDP. Nợ công của Ireland tăng hơn 500% trong giai đoạn 2001-2010. Các khoản nợ công của Ireland có thể chưa tới mức khiến nền kinh tế này suy sụp nhưng gây ra một cuộc khủng hoảng khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là “khủng hoảng lòng tin” của thị trường vào năng lực của Chính phủ khiến các nhà đầu tư đã bán tống bán tháo trái phiếu chính phủ. Chỉ số trái phiếu giảm và kết cục là Ireland không thể trông chờ vào nguồn thu từ trái phiếu để bù vào lỗ hổng ngân sách.
Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu, là “con nợ” lớn kế tiếp Hy Lạp. Nợ công của Tây Ban Nha mới chỉ vượt ngưỡng an toàn 60% tổng GDP theo quy định của EU, song quốc gia này cũng đang đau đầu với nỗi lo nợ tư nhân từ các khoản vay của công ty và hộ gia đình, hiện lên đến 170% GDP (năm 2011). Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đến tháng 9/2012 đã lên 182,3 tỷ Euro, tương đương 10,7% dư nợ. Thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên tới 23% - cao gấp 3 lần so với trung bình của OECD. Hợp đồng bảo hiểm rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 10 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha đã lên tới mức 312 điểm phần trăm - mức cao chưa từng thấy từ trước tới nay. Nghĩa là, cứ 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo hành.
Với tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên mức quá cao như trên thì việc cứu toàn bộ hệ thống ngân hàng rõ ràng không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Tây Ban Nha. Điều này buộc Tây Ban Nha trong năm 2012 phải “ngửa tay” xin cứu trợ lên đến 100 tỷ Euro để vực dậy hệ thống ngân hàng
Thứ ba, có cả vấn đề về ngân sách và vấn đề về nợ tư nhân khổng lồ.
Bồ Đào Nha là nền kinh tế có sức cạnh tranh yếu nhất trong Eurozone. Tăng trưởng của Bồ Đào Nha chỉ đạt mức trung bình 1,3% trong giai đoạn 2000 - 2008 (so với mức 4 - 5% của Hy Lạp và Ireland) nhưng lại phải chi trả phúc lợi cho người dân tương đương với mức của các nước châu Âu giàu có, tăng trưởng cao. Năm 2011, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha là 8,6% GDP nhưng mức nợ tương đương 170% GDP (bao gồm cả nợ tư nhân), cao hơn cả Hy Lạp, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Bồ Đào Nha hiện cũng đang phải đối mặt với 3 khó khăn lớn là: bất ổn về tài chính; tăng trưởng kinh tế thấp (quý II/2012, GDP của Bồ Đào Nha giảm 1,2% so với 0,1% trong quý I. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp GDP của nước này giảm); ngân sách và cán cân thanh toán bị thâm hụt triền miên (Dự báo nợ công của Bồ Đào Nha sẽ vào khoảng gần 100% GDP vào năm 2020).
Nguy cơ khủng hoảng nợ lan rộng
Tháng 11/2011, khủng hoảng nợ công đã lây lan sang Bỉ, thậm chí Hà Lan và Áo với hiện tượng nhà đầu tư bán tháo trái phiếu của các nước này. Hãng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s đã hạ bậc tín dụng của Bỉ từ AA+ xuống AA. Việc hạ bậc tín dụng này là do tỷ lệ nợ công/GDP của Bỉ tăng khá cao, trên 97% GDP trong khi mức trung bình của nhóm G8 vào khoảng 80% GDP (11/2011).
Italia nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới (có quy mô lớn gấp hai lần 3 nền kinh tế Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cộng lại) cũng đang bên bờ của sự sụp đổ. Nợ công của Italia tính đến cuối tháng 6/2012 đã tăng lên tới 1.973 tỷ Euro.
Châu Âu đang cố níu kéo để tránh vỡ nợ cho Italia. Lý do là vì kinh tế của Italia quá lớn (đứng thứ 3 châu Âu và là thành viên của nhóm những nước có sức mạnh kinh tế vượt trội G20); đầu tư của nước ngoài vào thị trường Italia quá nhiều (Mỹ đầu tư gần 30 tỷ USD vào các khoản nợ của Itatia, trong khi Đức và Pháp có tổng các khoản đầu tư vào Italia là 150 tỷ USD so với khoảng 36 tỷ USD vào trái phiếu chính phủ của Hy Lạp). Italia là thị trường trái phiếu lớn nhất ở châu Âu, vì vậy có nguy cơ tạo ra một hiệu ứng domino lớn hơn rất nhiều so với Hy Lạp. Nếu Italia bị vỡ nợ thì hệ lụy là không thể lường hết.
Triển vọng giải quyết nợ công châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lan rộng và kéo dài từ Hy Lạp đến Tây Ban Nha, Italia và gây ảnh hưởng đến toàn khu vực đã bộc lộ điểm yếu nhất của Eurozone, đó là cơ chế: đồng tiền chung nhưng lại độc lập về chính sách tài chính. Các giải pháp giải quyết vấn đề nợ công châu Âu trong thời gian qua tuy có tác dụng nhất định, song xem ra nợ công châu Âu không thể sớm giải quyết.
Khó khăn cơ bản của châu Âu không phải là thâm hụt ngân sách hay mức nợ không bền vững. Khó khăn thực sự của châu Âu là sự khác biệt lớn về phí tổn giữa các thành viên chủ chốt và ngoại biên. Trong thập niên 2000 – 2010, các nước ngoại biên có khả năng cạnh tranh kém dẫn tới sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng trong nội bộ châu Âu. Mất cân bằng thương mại là sự tương phản của mất cân bằng vốn. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang tập trung giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ chính phủ tăng lên và các ngân hàng bị sụp đổ nhưng họ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng châu Âu nếu không giải quyết sự khác biệt về phí tổn. Vấn đề nợ công và ngăn chặn khủng hoảng nợ công đang lan rộng ra toàn khu vực châu Âu cần có giải pháp toàn diện do EU hậu thuẫn. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề nợ công châu Âu đang gặp phải một số những thách thức cản trở sự nhất trí trong ban lãnh đạo EU, đó là:
Thứ nhất, sự bất cập trong việc góp vốn vào các quỹ cứu trợ. Quỹ cứu trợ ngắn hạn (EFSF) trị giá khoảng 440 tỷ Euro (tương đương 610 tỷ USD) với thời hạn hoạt động 3 năm nhưng đến tháng 3/2011, các nước mới chỉ đóng góp được 50%. Trong khi đó, các Bộ trưởng tài chính của 27 nước thành viên EU lại quyết định tăng gấp đôi khả năng cho vay thực tế của Quỹ. Đức và Pháp là những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Quỹ EFSF, nhất trí ủng hộ việc mở rộng Quỹ nhưng với điều kiện phải dùng quỹ để mua trái phiếu chính phủ của các nước sử dụng đồng Euro trên thị trường mở. Tuy nhiên, yêu cầu này của Đức và Pháp lại gặp phải sự chống đối của các nền kinh tế khác trong khu vực, bởi lẽ họ cho rằng, biện pháp này có thể làm chệch hướng các nỗ lực giám sát của Ủy ban châu Âu (EC).
Các Bộ trưởng Tài chính châu Âu ngày 21/3/2012 đã đạt được sự đồng thuận về các phương thức của ESM - Cơ chế ổn định châu Âu, một dạng quỹ cứu trợ tài chính thường trực với số vốn cơ bản lên tới 700 tỷ Euro nhằm tránh tái diễn các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Quỹ cứu trợ dài hạn EMS đã bắt đầu đi vào hoạt động (10/2012). Theo giới lãnh đạo tài chính Eurozone, EMS là một phần của kế hoạch tổng thể nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động tài chính ở Eurozone và hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn tài chính. Tuy nhiên, theo IMF, nếu các nước trong khu vực không nỗ lực “thắt lưng buộc bụng”, thì EMS vẫn không thể san bằng núi nợ công ở châu Âu.
Thứ hai, sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các nước thành viên. Sau một số năm gia nhập EU, khoảng cách và sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này không những không thu hẹp mà còn nới rộng hơn, trong khi các nước Nam Âu tăng trưởng rất chậm, thì Đức nhanh chóng trở thành “đầu tàu kinh tế” của châu Âu. Thực tế này đòi hỏi ECB phải đưa ra được chính sách tiền tệ phù hợp cho các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, việc tìm được một chính sách tiền tệ như thế là rất khó khăn.
Thứ ba, thiếu ý chí chính trị chung trong giải pháp ứng phó khủng hoảng nợ công. Điều mà châu Âu cần là phải thiết lập các thể chế, các cơ chế phát triển để đảm bảo tính ổn định của đồng tiền châu Âu. Khu vực Eurozone không thể tiền tệ hóa số nợ công như trường hợp của Nhật Bản (do châu Âu bao gồm nhiều Chính phủ và nhiều lợi ích quốc gia khác nhau). Dù ECB có khả năng chấm dứt khủng hoảng nhưng họ không thể hành động chỉ dựa trên lợi ích của những quốc gia đang gặp khó khăn (Italia, Hy Lạp…). Đó là lý do khiến cho giải pháp nợ công của khu vực đồng Euro gặp nhiều khó khăn. Khủng hoảng nợ công châu Âu không phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế mà là cuộc khủng hoảng chính trị bởi lẽ tiền tệ hóa số nợ công ở châu Âu đã gặp phải sự phản đối chính trị, tư tưởng và tâm lý không chỉ của ECB mà của cả các nước phát triển mạnh khác như Đức, Pháp.
Thứ tư, mâu thuẫn trong phương thức giải quyết khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone đang làm gia tăng sự mâu thuẫn, chia rẽ trong liên minh châu Âu (giữa 17 nước thành viên Eurozone và với 10 nước EU còn lại). Hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong mọi quyết định tài chính của EU là Đức và Pháp yêu cầu các quốc gia trong khu vực phải triển khai các chính sách kinh tế giống nhau và tuân thủ các nguyên tắc về thỏa thuận cạnh tranh. Tuy nhiên, đề xuất của hai nền kinh tế đầu tàu khu vực vấp phải sự phản đối của các thành viên nhỏ hơn vì cho rằng kế hoạch đó tước mất quyền tự quyết của họ và là “áp đặt”.
Trong số những giải pháp khắc phục khủng hoảng nợ công, thì 2 biện pháp được xem là cơ bản nhất đó là chính sách “thắt lưng buộc bụng” và chiến lược mua trái phiếu của những quốc gia mắc nợ của ECB để giúp họ tái thiết nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và bản thân nền kinh tế châu Âu đang hết sức khó khăn do suy thoái thì biện pháp “thắt lưng buộc bụng” lại càng đẩy nền kinh tế vào khó khăn lớn hơn và có thể tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Điều này cũng đồng nghĩa với sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng… Theo đánh giá của Viện nghiên cứu IMK (Đức), áp dụng chính sách khắc khổ một cách toàn diện đối với tất cả thành viên Eurozone là một sai lầm và hậu quả là liều thuốc đó sẽ bóp chết đà phục hồi kinh tế của EU chỉ mới vừa “manh nha”.
Thứ năm, chia rẽ trong nội bộ khu vực châu Âu ngày càng tăng. Càng bị khủng khoảng, châu Âu và Eurozone càng bị “chia rẽ” khi nhiều quốc gia có nền kinh tế ổn định lại phải chung tay gánh vác các quốc gia gặp khủng khoảng. Mọi giải pháp đều liên quan và phải có sự đồng thuận của các nước thành viên nhưng thực tế không phải lúc nào sự đồng thuận cũng ở mức cao nhất.
Liên minh châu Âu hay khu vực Eurozone không phải là quốc gia thống nhất nên không có cơ chế kiểm soát và can thiệp thống nhất để tránh khủng hoảng. Không như hệ thống ngân hàng tại Mỹ và Nhật Bản (nơi doanh nghiệp chủ động tìm vốn trên thị trường chứng khoán), hệ thống ngân hàng châu Âu giữ vị trí trọng yếu trong việc tài trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp châu Âu trông cậy vốn vào ngân hàng. Khi ngân hàng thiếu vốn thì doanh nghiệp châu Âu cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, giải pháp nâng vốn ngân hàng để tăng thêm khả năng trả nợ và để trấn an thị trường cũng chưa hoàn toàn thuyết phục được giới ngân hàng và các chuyên gia tài chính. Giải pháp này chỉ tạo thêm hoảng loạn trên thị trường thay vì trấn an dư luận và các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều ngân hàng châu Âu không thiếu vốn để phải huy động thêm vốn. Các cơ quan tài chính chỉ tạm đóng van tín dụng để chờ Liên minh châu Âu có giải pháp rõ ràng trong chính sách giải quyết khủng hoảng.
Tóm lại, triển vọng kinh tế và sự ổn định tài chính cũng như cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng hiện nay của châu Âu đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Để giải quyết những bất ổn này, châu Âu cần có giải pháp toàn diện gồm cả tài chính công, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ chế ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ không thể đạt được nếu từng quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục đặt lợi ích cá nhân lớn hơn mục tiêu chung của khu vực. Nghĩa là, EU cần đoàn kết hơn nữa, hy sinh quyền lợi riêng, vì lợi ích chung toàn khối, mới mong sớm thoát khỏi “bão” nợ công.
Tài liệu tham khảo:
1. The Euro Area’s Debt Crisis: Bite the Bullet, The Economist 13 January 2011;
2. Phạm Đỗ Chí (2010), Rút bài học sớm từ khủng hoảng nợ châu Âu, Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 11/6/2010;
3. Trần Thị Thanh Hòa (2010), Con đường dẫn tới khủng hoảng nợ của Hy Lạp, tạp chí Ngân hàng số 13/2010;
4. Hội nhập châu Âu: Giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng, Tạp chí Politique Internationale, số 133/2011.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013
Khủng hoảng nợ châu âu: Nguy cơ lan rộng...
(Tài chính) Trong thời gian qua, các quan chức liên minh châu Âu đã dốc sức tìm các biện pháp giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ công của khu vực. Tuy nhiên, triển vọng giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu trong thời gian tới được dự báo vẫn đang gặp phải một số thách thức lớn.
Xem thêm