Nguyên nhân của khủng hoảng
Năm 2004, Cộng hòa (CH) Cyprus gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Để phát triển kinh tế, Chính phủ đất nước bé nhỏ này đã quyết định sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro) vào năm 2008. Dưới sự giám sát của EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Cyprus được biến thành một “thiên đường tài chính” thực thụ với một hệ thống ngân hàng có quy mô khổng lồ so với tiềm lực kinh tế của nước này.
Cyprus là quốc gia kỳ lạ khi mà tổng tài sản của hệ thống ngân hàng nước này cao gấp 7- 8 lần GDP quốc gia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Cyprus bằng 896% GDP trong năm 2010, so với mức trung bình ở khu vực EU và Eurozone lần lượt là 357% và 334% (số liệu trong năm 2009). Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng nền kinh tế Cyprus so với GDP tăng liên tục từ khoảng 80% trong năm 1985 lên đến hơn 330% trong năm 2011, tức tăng hơn 4 lần. Riêng giai đoạn 2005 – 2011, tỷ lệ này cũng đã tăng gần 2 lần.
Khu vực ngân hàng của Cyprus tăng trưởng mạnh nhờ hút dòng vốn nước ngoài với lãi suất tiết kiệm cao. Quy mô của nền kinh tế Cyprus khoảng 17 tỷ Euro, trong khi số tiền từ nước ngoài gửi tại Cyprus gấp ít nhất 8 lần con số này, trong khi tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là 100%. Ước tính của hãng tin Reuters dựa trên dữ liệu của ECB cho thấy, một người gửi tiền tại các ngân hàng Cyprus có thể nhận được lãi suất gần 13% trong vòng chưa tới 1 năm, cao hơn rất nhiều so với mức lợi tức trên 3% của các ngân hàng Đức. Lãi suất tiết kiệm cao, thuế suất thấp đã khiến đất nước này trở thành dòng tiền nước ngoài, phần lớn từ các doanh nghiệp và người dân Nga.
Cyprus là nơi đón nhận lớn nhất các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nga năm 2011, chiếm tổng trị giá lên tới 121,6 tỷ USD trên tổng số 362 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nga, theo dữ liệu được Ngân hàng trung ương Nga cung cấp. Theo hãng tín nhiệm Moody’s, vào cuối năm 2012, các ngân hàng Nga có khoảng 12 tỷ USD tại các ngân hàng của Cyprus và tiền gửi của các doanh nghiệp Nga tại các ngân hàng Cyprus có thể vào khoảng 19 tỷ USD.
Đáng chú ý, các ngân hàng Cyprus đem số tiền gửi khổng lồ của mình đi tái đầu tư ở các quốc gia khác. Bị thu hút bởi mức lợi suất hấp dẫn, họ đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi Chính phủ Hy Lạp. Các con số thống kê cho thấy các ngân hàng Cyprus có khoản vay lớn cho Hy Lạp: khu vực tư nhân (21 tỷ Euro), khu vực công (5 tỷ Euro) trước khi Hy Lạp bị khủng hoảng. Khi Hy Lạp suy thoái, phần lớn các khoản vay bị mất. Cyprus là một trong những nước có kinh tế yếu nhất khối EU do nền kinh tế liên kết quá chặt chẽ với Hy Lạp.
Khi cơn bão tài chính Hy Lạp bùng nổ đã ngay lập tức thổi bay hệ thống tài chính của Cyprus. Trong vòng chưa đầy 2 năm tính đến giữa năm 2011, kinh tế Cyprus đã rơi vào suy thoái lần thứ hai với các hoạt động kinh doanh giảm 2,3% trong quý III/2012, là quý giảm thứ 6 liên tiếp. Tháng 6/2012, Chính phủ Cyprus đã phải xin cứu trợ từ các nước thành viên Eurozone khác, do khu vực ngân hàng nước này trở nên kiệt quệ vì phải xóa nợ cho Hy Lạp.
Toàn bộ quá trình trên diễn ra dưới sự giám sát lỏng lẻo của bộ ba quyền lực EU - ECB - IMF. Cyprus vẫn cho rằng các ngân hàng tuân thủ chặt chẽ luật lệ bảo mật. Tuy nhiên, theo tờ Spiegel (Đức), các quan chức Đức cho rằng những gì được báo cáo trên giấy tờ không phải là những gì đang diễn ra trên thực tế.
Trước nguy cơ nền kinh tế và hệ thống ngân hàng sụp đổ, Cyprus phải cầu cứu EU, ECB và IMF và chấp nhận đánh đổi quyền lợi công dân và các điều kiện ngặt nghèo mà các chủ nợ này đưa ra. Đây được coi như sự lựa chọn bất đắc dĩ để Cyprus được nhận gói cứu trợ trị giá 10 tỷ EUR.
Thỏa thuận giữa Cyprus, EU và IMF đạt được sau 12 giờ đàm phán căng thẳng giữa Tổng thống Cyprus vàcác chủ nợ bao gồm EU, ECB vàIMF. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc ngân hàng lớn thứ hai ở Cyprus, hay còn gọi Ngân hàng Nhân dân Laiki sẽ bị giải thể. Đồng thời, Ngân hàng Cyprus - ngân hàng số một hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này và gần như toàn bộ lượng tiền gửi của Nga - sẽ tiếp quản từ Laiki các khoản tiền gửi dưới 100 nghìn Euro, theo luật đảm bảo tiền gửi của EU, để trở thành “ngân hàng tốt”. Tuy nhiên, Ngân hàng Cyprus sẽ phải áp dụng chính sách cắt giảm, thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần, đối với mọi khoản tiền gửi trên 100 nghìn Euro, vốn không được đảm bảo theo luật pháp EU. Bên cạnh đó, khách hàng của Ngân hàng Cyprus sẽ bị đánh thuế cao, tức toàn bộ các chủ tài khoản trên 100 nghìn Euro sẽ chịu ảnh hưởng bởi thỏa thuận này, trong khi những khoản tiền gửi thấp hơn mức trần bảo vệ 100 nghìn Euro như quy định của EU đều sẽ được đảm bảo.
Hậu quả và tác động
Dù đã cố gắng tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nhận các nguồn tiền hỗ trợ từ Nga, Trung Quốc, nhưng Cyprus vẫn không thể chống lại “ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực tài chính của mình cũng như bị tác động lớn từ nền kinh tế Hy Lạp” và trở thành nạn nhân thứ 5 trong Eurozone bị hạ gục bởi cơn bão nợ công và cuối cùng Cyprus đã chính thức đệ đơn xin Eurozone hỗ trợ tài chính. Đi liền với việc sau khi nhận gói cứu trợ. Quốc gia này sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhiều hơn, do những chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà Eurozone áp đặt.
Mặc dù chỉ chiếm 0,2% trong tổng GDP của 17 nước thành viên Eurozone và khoản tiền cứu trợ dành cho Cyprus chỉ bằng một phần nhỏ so với tiền cứu trợ dành cho Hy Lạp, thế nhưng cuộc khủng hoảng ở Cyprus được đánh giá là không chỉ tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nội địa mà còn ảnh hưởng mạnh đến các nền kinh tế đang gặp khó khăn khác trong EU như: Hy Lạp và Italia. Nếu như Cyprus vỡ nợ buộc phải rời khỏi Eurozone thì đây quả thực là một nguy cơ đáng sợ với cả châu Âu, có thể dẫn đến sự sụp đổ của khối đồng tiền chung duy nhất trên thế giới.
Theo hãng tin AP, hiện các ngân hàng của nước này còn “thoi thóp” là nhờ nguồn vốn vay ngắn hạn từ Ngân hàng Trung ương Cyprus, mà thực chất là vốn vay từ ECB. Họ chỉ có thể vay vốn từ ECB do các tài sản nắm giữ đều không đủ tốt để đem ra chiết khấu với ECB, trong khi những chủ nợ khác không dám cho vay vì sợ không thể thu hồi vốn.
Sau khi các ngân hàng phá sản, Chính phủ Cyprus sẽ là những người tiếp theo phải tuyên bố phá sản do những tốn kém trong việc giải cứu hệ thống ngân hàng, hoặc chi phí để bảo hiểm tiền gửi cho toàn bộ các khoản tiền tiết kiệm dưới 100 nghìn Euro.
Không chỉ nền kinh tế mà xã hội Cyprus sẽ đổ vỡ. Với việc đồng Euro trở nên khan hiếm, có thể Chính phủ Cyprus sẽ phải phát hành các giấy nhận nợ để người dân có thể mua hàng hóa thiết yếu. Lạm phát sẽ tăng phi mã. Người dân có thể sẽ ồ ạt chuyển tiền ra nước ngoài khiến Chính phủ phải ra tay ngăn chặn, dẫn đến giao dịch thương mại phải quay lại hình thức hàng đổi hàng, thậm chí đình đốn hoàn toàn. Sau đó Cyprus có thể phải rời Eurozone và đến lúc đó thì không ai biết hậu quả sẽ còn tệ đến đâu.
Ngay cả khi tránh được viễn cảnh “ác mộng” trên, Cyprus cũng phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Các biện pháp Cyprus thực hiện để được “giải cứu” sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm sút, buộc Chính phủ phải tăng thuế. Điều này sẽ làm Cyprus mất đi sức hấp dẫn lớn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài. Và chỉ riêng việc tịch thu một phần tiền gửi của khách hàng cũng đã đủ để khiến lòng tin của nhà đầu tư với Cyprus tổn hại nghiêm trọng.
Đối với Eurozone, việc để Cyprus sụp đổ cũng khiến khu vực này tổn hại lớn. Nền kinh tế của quốc đảo này dù chỉ chiếm 0,2% kinh tế Eurozone nhưng hệ thống ngân hàng của Cyprus lại kết nối chặt chẽ với Hy Lạp.
Hiện tại, khủng hoảng tài chính tại Cyprus chưa gây hoảng loạn tại các nước chìm trong nợ như Italia hay Tây Ban Nha bởi ECB đã cam kết làm “tất cả những gì có thể” để cứu đồng Euro, bao gồm cả việc cho hai nước này vay tiền thông qua mua trái phiếu. Đối với thị trường toàn cầu, những bất ổn tại Cyprus hiện có vẻ như không mấy gây lo lắng. Có thể bởi đây là một quốc gia nhỏ và các nhà đầu tư vẫn tin vào khả năng Cyprus được “cứu” ở phút chót. Nhưng cần nhớ rằng Cyprus là một nước có tính kết nối rất cao với hệ thống tài chính quốc tế. Nếu hệ thống ngân hàng của họ sụp đổ, nhiều công ty khắp thế giới sẽ bị tác động. Các khoản tiền gửi tại đây sẽ bị mất hoặc không thể rút về để trả lương hay thanh toán hợp đồng.
Vòng luẩn quẩn
Giới chức châu Âu ca ngợi thỏa thuận mới giải cứu hệ thống tài chính của Cyprus và các chủ nợ là EU, ECB vàIMF nhưng ở một góc nhìn khác, giới truyền thông và dư luận quốc tế cho rằng thỏa thuận mới được thông qua, thực chất lại là hành động tịch thu một phần tiền gửi ngân hàng của người dân Cyprus. Chính vì thế, nó sẽ tiếp tục gây ra sự bất mãn lớn đối với người dân Cyprus và tạo ra những nguy cơ bất ổn mới. Hoặc việc thông qua thỏa thuận mới giữa EU và Chính phủ Cyprus mới chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng, chứ chưa thể đánh tan phần chìm đang gây ra cuộc khủng hoảng ở quốc đảo này.
Câu chuyện Cyprus cho thấy một thực tế, EU, cụ thể là Eurozone đã và đang bất lực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và rất có thể lan sang các nước khác và đe dọa tới tương lai Eurozone bởi đó là một nguy cơ mang tính hệ thống. Bởi trong trường hợp Cyprus sụp đổ sẽ gây nên phản ứng dây chuyền kiểu đôminô.
Những nước “khỏe” sẽ yếu đi và những nước đã từng dính khủng hoảng nợ như Ireland, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cũng sẽ sụp đổ theo chuỗi. Rõ ràng, những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy, EU đang bất lực và mục tiêu “nhất thể hóa” EU đang ngày càng xa vời.
Xung quanh các giải pháp giải cứu Cyprus, nhiều ý kiến cho rằng, châu Âu đang tạo ra một vòng luẩn quẩn khi không có được một giải pháp tổng thể hữu hiệu hơn mà chỉ lo lấp lỗ hổng bằng các khoản cứu trợ kèm theo những điều kiện ngặt nghèo về cắt giảm chi tiêu và hậu quả là làm cho những bất ổn chính trị, xã hội tại các nước này trở nên nghiêm trọng hơn.
Bài học đắt giá
Có thể nói, cái mất lớn nhất của Cyprus là mất niềm tin của thị trường và hiệu ứng xấu này đã lan tỏa ra toàn bộ EU và có thể cả thị trường thế giới. Nguy cơ vỡ nợ của cả hai nước Hy Lạp và Cyprus về cơ bản là giống nhau, vì đều đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ công cao và đều phải xin cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, sự khác nhau là ở chỗ:
- Hy Lạp là con nợ của cả ngân hàng và tư nhân trong nước là chủ yếu, thì Cyprus lại là con nợ của tất cả các nhà băng trong và ngoài nước nhưng nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn hơn. Trong số hơn 68 tỷ Euro đang gửi tại Cyprus, tiền từ nước ngoài chiếm tới 40% và phần lớn là của người Nga.
- Hy Lạp nợ trái phiếu chính phủ là chủ yếu thì Cyprus lại nợ dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng, nhất là các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Và số tiền trong các ngân hàng đã gấp 7,5 lần GDP của Cyprus.
- Hy Lạp là nước đầu tiên trong Eurozone xin cứu trợ thì nay Cyprus đã là nước thứ năm (sau Bồ Đào Nha). Trong bối cảnh EU đã có Quỹ cứu trợ khẩn cấp (ESM) nên không chỉ khó khăn về ngân sách mà còn phải chịu sự chi phối ngặt nghèo về kỷ luật tài chính mới của EU.
Cuộc khủng hoảng nợ ở Cyprus một lần nữa lại đặt ra câu hỏi liệu Eurozone có thể tồn tại bao lâu sau những “cơn địa chấn”. Giờ đây, mỗi cú sốc đơn lẻ cũng đủ làm lung lay cấu trúc khu vực, chưa nói đến hiệu ứng đôminô mà Cyprus là “quân bài” mới nhất trong tổng thể cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng trong Eurozone lâu nay. Vậy đâu là “gót chân Asin” của nền kinh tế từng được ví như “thiên đường tài chính” này, đến mức không chỉ Cyprus mà cả Eurozone đều phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn nhất để trả lời câu hỏi muôn thủa: tồn tại hay không tồn tại?
Đâu là thần dược giúp Cyprus - hòn đảo một thời là thuộc địa của Anh phát triển như vũ bão để trở thành “thiên đường tài chính” của thế giới? Chẳng mấy khó khăn để tìm ra câu trả lời, bởi bản thân khái niệm “thiên đường tài chính” cũng tự bộc lộ tất cả những gì mà Cyprus đã thực hiện trong những năm qua. Nới lỏng các quy định về tài chính, thiết lập hành lang pháp lý và cơ chế thông thoáng, dễ tiếp cận, áp dụng thuế doanh nghiệp thấp..., tất cả đều nhằm mục tiêu cuối cùng: biến đảo Cyprus thành “cục nam châm” khổng lồ hút vốn từ khắp nơi đổ về. Các nhà đầu tư trên khắp thế giới thông qua “cửa ngõ Cyprus” để thâm nhập thị trường Tây Âu. Ngược lại, các nước Tây Âu cũng sẵn sàng sử dụng Cyprus để trung chuyển nguồn vốn đầu tư ra thế giới.
Vấn đề nằm ở chỗ Cyprus đã không kịp thời điều chỉnh chính sách, hoặc nói chính xác hơn là những nhân tố, cả bên trong lẫn bên ngoài, đang miệt mài canh tác trên “mảnh đất màu mỡ” để tranh thủ kiếm lời và không bao giờ muốn các quy định thông thoáng bị siết chặt lại. Tốc độ tăng trưởng quá nóng dựa trên nền tảng không vững vàng đã khiến hệ thống ngân hàng của Cyprus ngày càng bộc lộ “gót chân Asin”.
Thế nhưng, những lời cảnh báo chỉ như làn gió thoảng, không đủ sức ngăn chặn dòng chủ lưu quay vòng vốn để kiếm lời. Các mối liên kết chặt chẽ giữa Cyprus và Hy Lạp cũng giáng họa xuống hệ thống ngân hàng ở hòn đảo này. Việc EU tái cơ cấu các khoản nợ công của Hy Lạp để giúp Athens vượt qua khủng hoảng tài chính vô hình trung đã gây thiệt hại nặng nề. Ước tính, khoảng 4,5 tỷ Euro biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng ở Cyprus, đẩy họ đến bờ vực phá sản và buộc phải cầu cứu EU.
“Thiên đường tài chính” không còn, giới đầu tư tìm nơi trung chuyển khác, nền kinh tế dự báo sẽ lâm vào suy thoái, thất nghiệp gia tăng, bất ổn xã hội bùng phát, đó là bức tranh cận cảnh của đảo Cyprus trong những ngày tháng tới. Suy cho cùng, mỗi quân bài đôminô đổ xuống đều sẽ gây hậu quả lâu dài đối với Eurozone cũng như EU. Trường hợp Cyprus cũng vậy. Quá trình đàm phán thông qua gói cứu trợ đã một lần nữa bộc lộ những mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo, nhất là khi Đức được cho là luôn tìm cách áp đặt “luật chơi”. Còn đồng Euro, từng được ví là biểu tượng của sự đoàn kết, nay lại trở thành nguyên nhân gây chia rẽ các nước thành viên. Và khi trong EU vẫn tồn tại khái niệm “nước lớn”, nước nhỏ”, rằng “nước lớn” áp đặt luật chơi, còn “nước nhỏ” không có quyền định đoạt điều gì thì những đợt “sóng ngầm” trong nội bộ EU vẫn sẽ không ngừng chảy.
Một bài học lớn hơn rút ra từ Cyprus và Eurozone là việc xây dựng cơ chế tài chính cho Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Theo đó, quan trọng nhất là việc tìm ra cơ chế vừa phát huy được sức mạnh tính cộng đồng của liên minh vừa phát huy được tính tích cực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 5 - 2013
Khủng hoảng nợ ở Cyprus và những bài học
(Tài chính) Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone vẫn tiếp tục lan rộng. Sau Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đến lượt Cộng hòa Cyprus phải tranh đấu rất căng thẳng để đạt được gói cứu trợ 10 tỷ Euro của nhóm “bộ ba” gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Xem thêm